Mặc dù không trực tiếp chịu tác động của cơn bão số 1, nhưng ảnh hưởng từ hoàn lưu bão đối với Thái Nguyên không nhỏ. Trực tiếp xuống các địa bàn kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão những ngày gần đây, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB của tỉnh đã nhắc nhở các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì trực ban 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm thông tin và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời...
Đồng Hỷ là một trong những địa phương thường xảy ra sạt lở, sụt lún đất đá vào mùa mưa, nhất là tại các khu vực khai thác mỏ khoáng sản, gây thiệt hại đáng kể về hoa màu và tài sản của người dân. Chúng tôi có mặt tại khu vực gần công trường khai thác đá phục vụ sản xuất của Nhà máy xi măng Quang Sơn khi vừa ngớt trận mưa lớn đầu tiên trong ngày. Những quả đồi đất mượn được đắp lên sau khi Nhà máy mở đường vào mỏ đá vôi La Hiên đang có hiện tượng sạt lở do gặp nước mưa. Một đoạn cống thoát nước qua đường bị chẹn ngang bởi những viên đá tảng và thân cây to trôi từ phía trên xuống. Anh Phan Văn Chiên, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) Nhà máy cho biết: "Do không tính hết được hậu quả khi có mưa lũ lớn xảy ra, nên thời gian qua Nhà máy đã gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý sạt lở đất đá tại khu vực này. Đơn vị đã phải bồi thường thiệt hại hoa màu nhiều lần cho bà con".
Được biết, đã mấy mùa mưa bão qua, người dân liên tục có ý kiến kiến nghị, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Ông Nguyễn Văn Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn bức xúc: Tại khu vực mỏ đá La Hiên, cứ mưa là có sạt lở. Và thường xuyên xã phải thông báo với người dân quanh khu vực nguy hiểm tạm lánh sang vị trí khác để tránh thiệt hại về người. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, ông Mai Xuân Thanh, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính của Nhà máy nói: Đơn vị đang triển khai công tác phòng, chống sạt lở bằng cách trồng cỏ, cây xanh và xây kè chắn đất đá. Nhà máy đã thiết kế và chuẩn bị thi công mỗi đoạn khoảng 30m kè rọ đá ở những điểm xung yếu nhất. Đối với mỗi cơn bão, chúng tôi đều xây dựng phương án ứng phó riêng. Cơn bão số 1 vừa qua, chúng tôi đã bố trí một xe ô tô, hai máy xúc lật tự hành thường trực, sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Cùng với các mỏ đá tại khu vực xã Quang Sơn, một loạt mỏ khai thác quặng sắt tại Trại Cau, Cây Thị, Tân Lợi...cũng trong tình trạng thường xuyên bị sạt lở và sụt lún. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phòng, chống thiên tai tại chỗ cũng như các biện pháp xử lý kịp thời và lâu dài về vấn đề này của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trên đại bàn huyện Đồng Hỷ còn chưa thực sự hiệu quả. Vì thế đã gây thiệt hại đáng kể về tài sản, hoa màu của người dân cũng như các tổ chức. Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các doanh nghiệp đều không xây dựng các phương án phòng chống lụt bão riêng cho mỏ của mình. Họ chủ yếu trông chờ vào phía chính quyền sở tại, các đơn vị chức năng, nên thường bị động mỗi khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương, tình trạng lũ quét, lốc xoáy hay sạt lở đất đá dường như năm nào cũng xảy ra. Bởi thế việc phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai đã thực sự được các địa phương này quan tâm. Tại Võ Nhai, công trình hồ chứa nước có dung tích lớn nhất huyện là hồ Quán Chẽ (xã Dân Tiến) giờ đang được điều tiết ở cao trình hợp lý, vừa đảm bảo tưới tiêu vừa có tác dụng phòng lũ hiệu quả. Công trình này cũng được tu bổ, sửa chữa thường xuyên và có Ban Chỉ huy PCLB riêng với đầy đủ các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Các điểm khai thác khoáng sản tại Thần Sa, Liên Minh... cũng đã có phương án huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ đề phòng sạt lở, lũ quét. Huyện Đại Từ với đại công trình thủy nông Núi Cốc cũng đang triển khai các phương án cần thiết như: Chủ động phương án di dân khu vực lòng hồ khi mực nước dưới cao trình 46m; thực hiện gia cố, xây kè đập chính và các đập phụ; bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ... Cùng với đó, các khu vực dễ gây sụt lún như: Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ than Núi Hồng, những điểm dễ có đá lăn, lở đất như ở xã Tân Thái, huyện cũng đã xây dựng phương án ứng phó hợp lý. Với huyện Phú Lương, sau sự việc sạt lở làm chết người thời gian gần đây đã thực sự khiến công tác PCLB trở nên quyết liệt hơn. Các phương án cũng như tinh thần ứng phó với thiên tai đã được triển khai tới tất cả 16 xã, thị trấn...
Trực tiếp xuống các địa bàn kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão những ngày gần đây, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB của tỉnh đã nhắc nhở các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì trực ban 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm thông tin và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó kịp thời. Đối với các khu vực xung yếu, dễ xảy ra lũ quét, lốc xoáy và sạt lở đất, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai ngay các phương án ứng phó với phương châm "phòng hơn chống". Ngoài xây dựng phương án, các địa phương cần phát hiện, xử lý ngay những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún; vận động nhân dân thực hiện việc chằng néo mái nhà; cần thiết có thể di chuyển những nhà dân trong diện nguy cơ ảnh hưởng cao...