Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

10:10, 09/08/2010

Trong những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất nông - lâm nghiệp, huyện Phú Lương đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân đưa những giống lúa, chè mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và nhân rộng, qua đó nâng dần hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, trồng rừng cũng là một trong những nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

  Đến Phú Lương thời gian này, hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa đang mơn mởn màu xanh, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Những khu đồi cũng được khoác lên mình màu xanh ngút ngàn của keo, bạch đàn đang sắp cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra tình hình sâu bệnh tại cánh đồng xã Động Đạt, anh Trần Nho Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nói: Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân, huyện đã chú trọng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở xã. Đến nay, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn đã có cán bộ khuyến nông thực hiện tốt vai trò tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Nhờ vậy, người dân đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như gieo sạ cải tiến, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh và dịch hại cho cây trồng đúng thời điểm... Ví dụ vụ xuân năm 2010, diện tích lúa lai của huyện đạt 892/3.038 ha, chiếm hơn 29%, đạt 205% kế hoạch tỉnh giao, vượt 63% so với cùng kỳ năm trước. Các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao được được bà con gieo cấy là: BIO 404, VL20, Bồi tạp Sơn Thanh, Bồi tạp 49, SYN6... Việc thay đổi cơ cấu giống lúa đã thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu mùa vụ: phát triển lúa xuân muộn, lúa mùa sớm và cây trồng vụ đông, qua đó làm tăng hệ số sử dụng đất từ 1,9 lên 2,3 lần/năm. Sản lượng cây lương thực có hạt tăng từ 38.578 tấn năm 2006 lên 40.200 tấn (dự ước) năm 2010. Cùng với lúa, chè cũng được xem là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của người dân Phú Lương. Huyện đã hướng dẫn bà con trồng mới và trồng lại được 419 ha chè, chủ yếu là các giống chè cành: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên... nâng tổng diện tích chè trong toàn huyện lên 4.327ha, năng suất bình quân đạt trên 85 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2009 là 33.927 tấn, tăng hơn 4 nghìn tấn so với năm 2006. Giá trị thu nhập trên 1 ha chè đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Ngoài cấy lúa, trồng chè thì nghề trồng rừng cũng đang phát triển mạnh ở Phú Lương. Trong những năm qua, toàn huyện đã trồng được 4.534 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 45%. Trồng rừng đã thực sự trở thành một nghề thu hút nhiều lao động, cho thu nhập bình quân đạt từ 70-80 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất... Có thể khẳng định, những kết quả đã đạt được trong sản xuất nông, lâm nghiệp những năm qua là động lực quan trọng góp phần giúp cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Lương thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010-2015.

 Trao đổi với chúng tôi về chiến lược phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phú Lương luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm theo hướng tổng hợp, đa ngành nhằm tận dụng tiềm năng của địa phương là có nhiều vùng sản xuất và đông lao động. Tới đây, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đưa thêm những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất. Cùng với đó, kinh tế đồi rừng vẫn là một trong những hướng quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện...