Các nạn nhân không đơn độc

14:33, 10/08/2010

Theo số liệu thống kê đến ngày 30-6-2010, toàn tỉnh có 10.261 hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin với tổng số 11.538 người; có 453 hộ kinh tế đặc biệt khó khăn, 47 gia đình cần được hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, 335 nạn nhân dị dạng, dị tật mắc bệnh hiểm nghèo. Hầu hết các nạn nhân chất độc da cam là những người có cuộc sống vất vả nhất trong những người nghèo khổ; do bệnh tật kéo dài, sức khoẻ giảm sút không thể tham gia lao động như những người bình thường để có việc làm và thu nhập.  

Từ thực tế đó, với nghĩa tình và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân đến tỉnh ta đã làm mọi việc để chăm lo cuộc sống của hàng vạn người trong đó có nạn nhân chất độc da cam, làm giảm bớt đi phần nào sự vất vả trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhà nước ta cũng khuyến khích các đoàn thể, nhân dân, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội bằng các hoạt động nhân đạo nhằm trợ giúp nạn nhân cải thiện cuộc sống như chăm sóc y tế, phẫu thuật chỉnh hình, học nghề, tạo việc làm phù hợp để từng bước ổn định cuộc sống. Đặc biệt hoạt động của Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý) trong những năm qua và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2010 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nạn nhân, Quỹ đã giúp vốn cho nạn nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm kinh tế, sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ đến hỗ trợ khám bệnh, cung cấp xe lăn, chăm sóc sức khoẻ với số tiền lên đến 1 tỷ 593 triệu đồng.

 

Hưởng ứng tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam từ 10-7 đến 10-8-2010 với chủ đề Chung tay chăm sóc sức khoẻ cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi tặng quà 2.413 suất trị giá trên 466 triệu đồng; khám bệnh cấp thuốc miễn phí 1.099 người trị giá trên 50,2 triệu đồng; hỗ trợ 75 triệu đồng chăn nuôi bò sản cho 15 hộ; 100% nạn nhân trực tiếp được nhận quà của Chủ tịch nước.

 

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hết mực yêu thương và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nạn nhân chất độc da cam, song với bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ nhiều nạn nhân và gia đình nạn nhân không chùn bước trước khó khăn đã nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn chiến thắng bệnh tật như gia đình ông Nguyễn Trọng Hợp xã Tân Quang, T.X Sông Công bản thân ông Hợp và 3 con là nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ, gia đình vượt khó đi lên với mô hình làm chè, cây ăn quả, trồng rừng - chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển kinh tế mỗi năm thu hoạch trừ chi phí lãi từ 45 - 50 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Cung, xã Văn Yên, huyện Đại Từ gia đình làm kinh tế vượt khó đi lên: chăn nuôi hươu lấy nhung, chăn nuôi gia súc gia cầm thu hoạch hàng năm trị giá 100 triệu đồng góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Gia đình ông Trần Văn Đức xã Tân Thái huyện Đại Từ với mô hình làm kinh tế nuôi thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia cầm, trồng chè cho thu nhập hàng năm 60 - 70 triệu đồng góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

 

Ngoài ra còn nhiều cách làm mô hình phát triển kinh tế đa dạng phù hợp với từng đối tượng cũng đang được phát huy và phái triển rộng khắp trên các địa phương trong toàn tỉnh. Với sự nỗ lực vươn lên vượt khó của các gia đình nạn nhân chúng ta tự hào vì các nạn nhân chất độc da cam điôxin đã chứng tỏ nghị lực quyết tâm phi thường vượt qua hoàn cảnh để hoà nhập cộng đồng xã hội góp phần tiếp tục xây dựng đất nước làm tròn nghĩa vụ của người công dân ở khu dân cư.