Đến ngày 12/8, Thái Nguyên có 4.764,6 ha lúa bị nhiễm một số bệnh như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, lưng trắng, bọ xít dài, khô vằn, chuột hại, ốc bươu vàng... Trong đó diện tích lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ chiếm tới 77,6%, tương đương với 3.696 ha lúa.
Sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện rải rác trên các cánh đồng từ cuối tháng 7, gây hại vào đầu tháng 8 và dự báo sẽ phát triển mạnh vào cuối tháng 8. Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ đã gây hại đối với 2.736 ha lúa mùa sớm, 160 ha lúa mùa trung và 800 ha lúa mùa muộn. Địa phương nhiễm nhiều là Phú Bình, Định Hoá, Phú Lương, thị xã Sông Công... với mật độ nhiễm có nơi lên tới 40 - 50 con/m2, cá biệt có nơi như Phú Lương đã lên tới 110 con/m2.
Trong thời gian tới, do tình hình thời tiết nắng nóng ban ngày, mưa rào về đêm nên rất thuận lợi cho sâu bệnh tăng trưởng. Dự báo sâu cuốn lá nhỏ sẽ tiếp tục gây hại với mật độ cao, sâu đục thân 2 chấm cũng đang bắt đầu nở, rầy nâu, lưng trắng sẽ tiếp tục gây hại, ngoài ra ốc bươu vàng và bệnh khô vằn cũng đang gây hại với mức độ nhẹ.
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh gây hại trên lúa, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông các huyện, thành, thị phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời những diện tích bị sâu cuốn lá gây hại. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn bà con nông dân tổ chức phòng trừ theo đúng quy trình kỹ thuật như: đối với những diện tích có mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng), trên 50 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhanh) phải tổ chức phun thuốc trừ sâu ngay; đối với những diện tích lúa có mật độ sâu trên 200 con/m2 nhất thiết phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 3 đến 4 ngày.