Hiện Thái Nguyên có gần 3.000 ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ trung bình rất cao: 1.500 con/m2 trở lên, trong đó phần lớn là những diện tích lúa mùa sớm đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Cá biệt có những nơi mật độ rầy lên đến 8.000 đến 10.000 con/m2. Nếu không có những biện pháp phòng trừ rầy nâu quyết liệt thì nguy cơ những diện tích lúa nhiễm rầy bị thất thu là rất lớn.
Có mặt tại xóm Nguyên Bẫy, phường Cải Đan (T.X Sông Công), chúng tôi thấy một số hộ nông dân ở đây đang vội vã thu hoạch những diện tích lúa mùa sớm còn rất xanh. Ông Lưu Xuân Cừ, một người dân trong xóm cho hay: Rầy nâu hại lúa đang phát triển rất mạnh, nếu không thu hoạch nhanh, tôi sợ những cánh đồng này sẽ mất trắng. Cùng chung suy nghĩ với người hàng xóm, ông Nguyễn Hải Đường thất vọng: 2 vợ chồng già có hơn 2 sào ruộng, phải “ăn tranh” với lũ rầy nâu. Vụ này, mỗi sào chắc chỉ được hơn tạ thóc, không đủ để vợ chồng tôi ăn trong 3 tháng, nói gì đến việc có gạo ăn trong những ngày giáp hạt.
Gia đình ông Cừ và ông Đường vẫn còn may mắn hơn ông Trần Văn Quyết bởi nhà ông có 6 sào ruộng thì đã bị cháy hơn 3 sào. Ông Quyết vạch đám lúa đang bị rầy tàn phá cho mọi người xem, đàn rầy đen kịt bay tung lên như ong vỡ tổ. Ông Lê Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Sông Công ước lượng: Với mật độ rầy trên khóm lúa nhiều như vậy, mỗi mét vuông dễ có đến hơn nghìn con. Theo nhận định của ông Trần Minh Tâm, Phó phòng Kinh tế thị xã Sông Công: Rầy phát triển nhanh và có mật độ lớn như vậy là do thời tiết diễn biến phức tạp, trong khi đó, bà con nông dân đã không thực hiện đúng yêu cầu của Phòng Kinh tế là sử dụng loại thuốc và kỹ thuật phun thuốc đã được khuyến cáo từ trung tuần tháng 8. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại xã Bá Xuyên - nơi có diện tích lúa lớn của thị xã thì một số hộ dân đã phun đúng loại thuốc, đúng theo kỹ thuật do Phòng Kinh tế thị xã khuyến cáo nhưng lúa vẫn bị rầy gây hại trên diện rộng. Đơn cử như gia đình ông Đồng Văn Hồng ở xóm La Cảnh 1, đã bỏ ra gần 300 nghìn đồng để mua thuốc Bassa về phun 2 lần liền cho 7 sào ruộng nhưng rầy vẫn còn. Hiện tượng này được Ông Trần Minh Tâm lý giải: Có thể hiệu lực của riêng một loại thuốc đã không còn tác dụng đối với chủng rầy hiện nay. Bởi lẽ đó, ngày 6/9, thị xã đã có Công văn chỉ đạo sản xuất phòng trừ rầy nâu trên lúa, trong đó yêu cầu, bà con nông dân cần phun kết hợp thuốc trừ rầy và phải rẽ lúa ra để phun thuốc.
Không chỉ riêng Sông Công mà ở các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, rầy nâu đã bùng phát ra diện rộng, một số diện tích lúa đã bị rầy làm cháy toàn bộ. Đúng vào thời điểm những ngày nghỉ lễ thì rầy nâu bùng phát mạnh và bất thường nên việc chỉ đạo của các cấp, ngành chức năng chưa theo kịp với diễn biến của tình hình sâu bệnh. Do đó, bà con nông dân đã rất lúng túng khi đối phó với hiện tượng rầy hại lúa. Nhiều diện tích lúa bị hại khi đã bắt đầu đỏ đuôi hoặc đã vào chắc hạt khiến bà con băn khoăn không biết có nên thu hoạch chạy rầy hay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nếu phun thuốc vào đúng thời điểm lúa đang trong thời kỳ làm hạt thì bà con lại sợ dư lượng thuốc BVTV sẽ tồn dư trong hạt gạo, gây nguy hiểm. Hơn nữa, nếu phun thuốc mà không được chỉ đạo đồng loạt thì sẽ không hiệu quả. Việc gặt lúa “chạy rầy” như một số hộ dân áp dụng cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi nếu những diện tích lúa bị nhiễm rầy đã được thu hoạch thì rầy sẽ tiếp tục di trú đến những thửa ruộng còn lại. Vì rầy bùng phát mạnh nên bà con nông dân đổ xô đi mua thuốc đã dẫn tới tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc BVTV cục bộ tại một số nơi như thị xã Sông Công...
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, hiện Thái Nguyên có gần 3.000 ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ 1.500 con/m2 trở lên. Trong đó, có trên 800 ha lúa nhiễm nặng; gần 4.100 ha lúa nằm trong diện tích phòng trừ, tập trung tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên. Trong số các địa phương kể trên, huyện Phú Bình đang bị rầy nâu tàn phá với diện tích lớn nhất: 2.000 ha.
Trước tình hình rầy nâu diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, ngày 4/9, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã ra Thông báo khẩn. Theo đó, ngày 6/9, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh ra Công điện khẩn về việc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Trong đó, yêu cầu bức thiết nhất là các cấp, ngành liên quan phải vào cuộc tích cực, quyết liệt và ra quân đồng loạt để tạo thành chiến dịch phòng, trừ rầy. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo các đơn vị trong ngành cử cán bộ đến các cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ rầy kịp thời và hiệu quả bảo vệ lúa, tránh phun thuốc tràn lan, gây tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể, những diện tích có mật độ rầy từ 50-60 con/khóm cần tiến hành phun phong trừ ngay bằng các loại thuốc như Actara 25 WG; Rigell 800 WG… Với những diện tích lúa đã chín cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc như Bassa 50EC, Dibacide 50EC, Nibas 50 ND… khi phun thuốc cần phải rẽ luống nhỏ từ 0,5-0,6m. Theo đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV ở các địa phương, xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, kém chất lượng và lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc...