Họp trực tuyến về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường

16:34, 06/10/2010

Ngày 6/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo UBND cấp tỉnh và Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan; đại diện một số doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về các giải pháp đảm bảo cân đối cung, cầu, bình ổn giá cả thị trường. Tham gia họp trực tuyến tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tại một số thành phố lớn đã báo cáo tổng hợp các biện pháp bảo đảm cân đối cung, cầu và bình ổn giá cả thị trường trong 9 tháng đầu năm 2010. Một số kinh nghiệm xây dựng và tổ chức triển khai chương trình bình ổn; công tác bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu, chính sách tài chính, tín dụng, các công cụ khác để thực hiện bình ổn thị trường  và thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ.

 

Qua đánh giá của lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là hai Bộ có nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan đang quản lý - cho thấy: Mặc dù từ đầu năm đến nay tình hình thị trường có diễn biến phức tạp, song do các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tốt các giải pháp theo Nghị quyết 18 của Chính phủ về đảm bảo kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao, đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010. Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với địa phương trong việc rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu; rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh kịp thời; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo đáp ứng tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông; tổ chức, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa; có chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả thị trường; tăng cường kiểm tra giám sát quản lý thị trường và thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa để ngăn chặn xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ, nâng giá, gian lận thương mại. Các ngành, địa phương đã xây dựng, phát triển được hệ thống phân phối hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận hộ nghèo; sử dụng quỹ bình ổn để dự trữ hàng hóa có hiệu quả. Nguồn cung hàng hóa đảm bảo, không có hiện tượng thiếu hàng ở các nhóm hàng thiết yếu.

 

Các ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã phân tích kết quả, dự báo khả năng sản xuất, tiêu thụ, tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu và kiến nghị, đóng góp ý kiến vào văn bản dự thảo Chỉ thị của Chính phủ về phân công các địa phương, bộ ngành liên quan đảm bảo cung cầu, bình ổn giá cả thị trường. Trong đó nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm nhằm tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp bình ổn giá, đáp ứng cung cầu hàng hóa từ nay đến cuối năm và đầu năm 2011 như: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành chỉ đạo các ngành liên quan đảm bảo đủ vốn cho DN; dành kinh phí cho các hoạt động kiểm soát dịch bệnh, chất lượng chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm; được ứng vốn để thực hiện các chương trình, dự án lớn; nên ổn định giá phân bón, xăng dầu, điện để bình ổn giá từ nay đến cuối năm; sử dụng chính sách thuế hợp lý; có quỹ bình ổn giá cho các doanh nghiệp có khả năng cung ứng hàng hóa tốt. Bên cạnh đó chỉ đạo thực hiện các biện pháp về tiết kiệm chi tiêu; công tác tuyên truyền đảm bảo chính xác; các địa phương nên coi trọng công tác thông tin dự báo và triển khai các chính sách mới… 

 

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  yêu cầu các ngành, địa phương cần có biện pháp tích cực để kiểm soát chỉ số tăng giá ở mức 6,46%. Đồng thời dự báo: Khả năng từ nay đến cuối năm xu thế giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng và thiên tai dịch bệnh còn phực tạp. Việc cân đối cung, cầu giữa 3 miền trong cả nước nhất là vấn đề điện, nước phục vụ sản xuất sẽ có sự thiếu hụt cần có giải pháp thực hiện tiết kiệm  điện, nước, vì  hai mặt hàng này sẽ liên quan đến cung cầu hàng hóa, giá cả.

 

Đối với nhóm 12 mặt hàng thiết yếu, cần lưu ý mặt hàng thịt lợn và muối. Phó Thủ tướng cũng thống nhất với các giải pháp mà các Bộ, ngành liên quan đã nêu và lưu ý: Các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát cung cầu, diễn biến hàng hóa vĩ mô (chủ yếu các nhóm hàng: xăng dầu, thực phẩm, lương thực) để có giải pháp đảm bảo cân bằng cung cầu, giá cả thường xuyên, kịp thời. Đồng thời giao nhiệm vụ cho từng ngành, tùy theo nhóm mặt hàng liên quan quản lý cần có giải pháp cụ thể đảm bảo cân đối cung, cầu và bình ổn giá cả thị trường…