Khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

15:34, 01/10/2010

Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 - 2010) đã diễn ra hoành tráng, trọng thể sáng nay (1/10) tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Hôm nay, ngày đầu của chuỗi 10 ngày Đại lễ có các hoạt động triển lãm các tác phẩm văn học - nghệ thuật qua các thời kỳ, triển lãm Ảnh nghệ thuật Hà Nội, triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội, khai mạc Tuần lễ phim lịch sử, cách mạng. Tối nay sẽ diễn ra cầu truyền hình “Cả nước với Hà Nội” trên Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Ngay từ sớm, các trục đường chính xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã tấp nập. Người dân Hà Thành dường như cũng dậy sớm hơn thường ngày để đón chào sự kiện này. Có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, chúng tôi được hòa mình với không khí của Đại lễ. Có lẽ chưa khi nào, Hà Nội – Thủ đô yêu dấu của chúng ta lại đẹp đẽ, lung linh đến thế. Trước ngày chính thức diễn ra Lễ Khai mạc, tối 30/9, khắp các phố, phường của Hà Nội rực rỡ với ánh đèn, cờ hoa, thảm hoa, băng rôn khẩu hiệu. Chúng ta vinh dự và tự hào vì có thủ đô nghìn năm tuổi - một trong những thủ đô lâu đời nhất của thế giới. Kể từ khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô, từ Hoa Lư ra thành Đại La (mùa thu năm Canh Tuất - 1010), gặp điềm “rồng vàng” bay lên liền đặt kinh đô là Thăng Long. Mốc son này đã đặt nền móng văn hiến cho vùng đất địa linh nhân kiệt.

 

Suốt chặng đường lịch sử nghìn năm, Thăng Long – Hà Nội luôn là nơi hội tụ của các tài hoa, trí tuệ, văn vật của mọi miền đất nước, từ đời này qua đời khác. Lịch sử con người, cảnh vật của Thăng Long – Hà Nội luôn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Cốt cách văn hóa Thăng Long luôn là mẫu hình để người thủ đô và cả nước hội nhập với thế giới bên ngoài. Hà Nội hôm nay đã trở thành “Thủ đô vì hòa bình”, trở thành niềm tự hào chung của cả nước.

 

Trong ngày khai mạc, với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội: Thành phố lịch sử của truyền thống Anh hùng”, phần lễ và phần hội diễn ra trong không khí trang trọng, tưng bừng và hoành tráng. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng đông đảo bạn bè quốc tế đã đến dự buổi lễ.

 

Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài diễn văn ôn lại truyền thống 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, Anh hùng dân tộc đã có công xây dựng Thủ đô Thăng Long – Hà Nội. Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời của Thăng Long cùng với những tác phẩm bất hủ. Hà Nội mang trong mình tiềm năng, sức mạnh tinh thần và vật chất. Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Diễn văn cũng nhấn mạnh “Con cháu Lạc Hồng của thời đại Hồ Chí Minh đang ra sức tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng to đẹp”. Hà Nội đang từng ngày đi lên, khẳng định vị trí Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế, xứng đáng với lòng tin yêu và là niềm tự hào của nhân dân của cả nước.

 

Nhân dịp này, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được tổ chức Liên hợp quốc UNESCO trao bằng công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bà Irina Bocova, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định: Rất ít nước trên thế giới giữ được di sản qua nghìn năm mà không bị mai một theo thời gian. Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, là vinh dự và cũng là một cam kết của Việt Nam. Chúng ta phải có trách nhiệm với nhân loại, bảo vệ và quảng bà di sản này cho các thế hệ tương lai. Không có biểu tượng nào về hòa bình lại hơn một di sản. Bà Irina Bocova cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, để hôm nay, Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng trên thế giới.

 

Sau phần Lễ, trên sân khấu được trang trí với 2 gam màu chủ đạo là đỏ và vàng, là chương trình nghệ thuật hoành tráng của hàng trăm nghệ sỹ, tái hiện lịch sử và con người Hà Nội qua các giai đoạn.

 

Cùng với sân khấu tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm còn có 4 sân khấu khác để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật với các chủ đề: Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô văn hiến; Thăng Long – Hà Nội, thành phố vì hòa bình; Hà Nội – trái tim của cả nước. Một điều đặc biệt thú vị, trong buổi sáng diễn ra khai mạc Đại lễ, cụ rùa Hồ Gươm nổi lên nhiều lần trong sự reo hò của đông đảo người dân

 

Ngày khai mạc Đại lễ đã mở màn cho trên 50 hoạt động khác nhau trong 10 ngày diễn ra Đại lễ. Đêm 10/10, được hứa hẹn là đêm nghệ thuật hoành tráng, được kết thúc bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật tại nhiều điểm khác nhau trên toàn thành phố.