Ban Dân tộc HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo

16:58, 26/11/2010

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI, sáng 26-11, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức họp thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh thuộc về lĩnh vực dân tộc và miền núi trình tại Kỳ họp. Đồng chí Triệu Minh Thái, Trưởng ban Dân tộc chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; Tờ trình dự thảo về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 (về lĩnh vực dân tộc và miền núi); báo cáo kết quả rà soát, thẩm định việc quản lý, phối hợp theo dõi quá trình đào tạo và sử dụng sinh viên được tỉnh xem xét cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển từ năm 2000 đến nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác dân tộc, tôn giáo đã được quan tâm đúng mức. Năm 2010, tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như: Trợ cước, trợ giá, định canh định cư, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức thực hiện tốt Chương trình 134, 135, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc miền núi, tập trung phát triển hạ tầng giao thông khu vực này; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc trong việc vươn lên thoát nghèo; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của TW và sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

 

Về thực hiện chính sách cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, từ năm 2001-2010, tỉnh đã cử 245 học sinh theo học chế độ cử tuyển, trong đó Bộ GD & ĐT phân bổ giai đoạn 2001-2007 là 209 chỉ tiêu, số còn lại do UBND tỉnh đăng ký với Bộ GD & ĐT. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục - đào tạo sinh viên cử tuyển, thì giai đoạn 2001-2007, toàn bộ số sinh viên cử tuyển của Thái Nguyên nói riêng và toàn quốc nói chung chất lượng thấp. Ngoài nguyên nhân chính là do chưa có quy định hướng dẫn giữa các cơ sở giáo dục – đào tạo có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền về học sinh, sinh viên đang theo học vào mỗi học kỳ, do đó chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục - đào tạo với cơ quan quản lý người học theo chế độ cử tuyển. Giai đoạn 2008-2010, việc đào tạo học sinh cử tuyển theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh, do vậy, việc lựa chọn để cử học sinh theo học, cũng như ngành nghề cần đào tạo về địa phương được sàng lọc kỹ hơn, đảm bảo chất lượng hơn. Tuy nhiên, việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Trong số 137 sinh viên đã tốt nghiệp mới có 39 sinh viên được bố trí việc làm sau khi thi tuyển, xét tuyển viên chức….

 

Tại cuộc họp, các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với các đánh giá trong báo cáo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các thành viên của Ban Dân tộc cũng cho rằng qua giám sát, tiếp xúc cử chi một số lĩnh vực vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục như: tiến độ giải ngân, hỗ trợ các chính sách thuộc lĩnh vực dân tộc miền núi còn chậm; chất lượng học tập của sinh viên cử tuyển không cao. Theo quy định, việc tuyển dụng công chức và viên chức phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển nên nhiều sinh viên dự thi nhưng không  đủ điều điểm xét tuyển. Việc bố trí vào các chức danh công chức cấp xã thì trình độ chuyên môn không phù hợp… Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Triệu Minh Thái đã tiếp thu các ý kiến phát biểu của các ngành, các đại biểu để Ban tổng hợp trình trong Kỳ họp tới.