Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa đông

10:54, 03/11/2010

Tỉnh ta hiện có trên 140 nghìn con trâu bò, gần 600 nghìn con lợn và hơn 6 triệu con gia cầm. Dịch bệnh luôn là mối đe doạ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, thời tiết chuyển mùa với những diễn biến phức tạp sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có ngay những biện pháp chủ động nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn đàn gia súc gia cầm, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.

 

Theo số liệu Chi cục Thú y Thái Nguyên cung cấp, 10 tháng qua, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Ngay từ tháng 1-2010, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên. Đến tháng 5, tháng 6, dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện ở xã Đồng Bẩm và phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên). Theo thống kê của ngành Thú y, tại các ổ dịch trên, tổng số gia cầm mắc bệnh buộc tiêu hủy là 7.089 con và 25.116 quả trứng. Không chỉ xuất hiện cúm gia cầm, Thái Nguyên còn là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước có lợn mắc bệnh tai xanh. Ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên được phát hiện vào ngày 3-4. Với mức độ lay lan nhanh, dịch tai xanh đã làm 3.811 con lợn của 428 hộ dân ở 132 xóm của 32 xã thuộc các huyện Phú Bình, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên bị mắc bệnh. Trong đó, số lợn chết, ốm nặng buộc tiêu hủy là 2.908 con. Sau hơn 3 tháng nỗ lực mới dập tắt được dịch lợn tai xanh thì từ ngày ngày 2 đến 24-9, dịch tụ huyết trùng trâu, bò lại xảy ra ở các xã Thanh Định (Định Hóa), Minh Tiến (Đại Từ), Yên Lạc (Phú Lương) làm 107 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó số chết buộc phải tiêu hủy là 54 con...

 

Bởi vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông này, theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, trước hết, các hộ chăn nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng việc bảo đảm đủ khẩu phần ăn, dinh dưỡng cần thiết, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống rét trong mùa đông. Về phía đơn vị, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngoài việc tổ chức lực lượng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại, các khu vực chăn nuôi không để dịch bệnh lây lan, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành, thị trong tỉnh triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ đông. Kết quả, đã triển khai tiêm phòng vắc - xin chống bệnh lở mồm long móng cho gần 60% tổng đàn trâu bò, tiêm phòng vắc - xin các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn lợn đạt hơn 50% tổng đàn, vượt trên 80% so với kế hoạch năm; tiêm phòng cúm gia cầm mũi 2 đạt gần 70% tổng đàn...

 

Theo đó, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y tại chợ, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ, nhất là vào thời điểm giáp Tết; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, nhập lậu gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận của cơ quan Thú y nhằm phòng, chống dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời khi có dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; khống chế, ngăn chặn không để xảy ra dịch lở mồm long móng gia súc, bệnh dại chó và tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh trên đàn lợn.

 

Song song với đó là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị lực lượng, vật tư, máy móc, phương tiện nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có dịch xảy ra; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; triển khai kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt II năm 2010...