Đến thời điểm này, số người chết và mất tích trong lũ tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là 17 người, hàng chục nghìn ha diện tích hoa màu, ao nuôi thủy sản bị ngập úng, hư hỏng hoàn toàn.
Sau chuyến thăm và kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại tỉnh Ninh Thuận, chiều 3/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa. Cùng đi với Chủ tịch nước có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và các Bộ, ngành Trung ương.
Ngay sau khi đến tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến kiểm tra tình hình mưa lũ ở xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh. Thăm bà con xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ân cần thăm hỏi, chia sẻ với những mất mát do thiên tai gây ra. Chủ tịch nước dặn dò bà con, đây mới là trận lũ đầu tiên ở khu vực Nam Trung bộ, sắp tới khả năng tỉnh Khánh Hòa có thể còn tiếp tục hứng chịu mưa lũ. Vì vậy, bà con cần giữ gìn sức khỏe để đối phó với thiên tai. Chủ tịch nước khẳng định Đảng và nhà nước sẽ hỗ trợ đồng bào vùng lũ khôi phục sản xuất và đời sống.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thiệt mạng, mất tích do mưa lũ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những nỗ lực chủ động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc đối phó với mưa lũ, nhờ đó hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Hiện nay, lũ ở Khánh Hòa đã rút, Chủ tịch nước yêu cầu Chính quyền tỉnh Khánh Hòa không được chủ quan, cần tranh thủ thời gian dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ các trường học, khu dân cư dọn dẹp bùn lũ, sớm hoạt động dạy học trở lại.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho Khánh Hòa ổn định sản xuất, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa 30 tỷ đồng, 500 tấn gạo để Khánh Hòa khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo báo cáo của UBNDtỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 8/10 hồ chứa nước đồng loạt xả lũ, làm các địa phương vùng hạ lưu chìm trong biển nước, đặc biệt là vùng thấp trũng ven thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, thị xã Cam Ranh, huyện Ninh Hòa…
Hiện, mực nước trên các sông ở Khánh Hòa đang xuống chậm và trời đã tạm thời tạnh mưa, nhưng các lực lượng chức năng và người dân vẫn tổ chức ứng trực cả ngày lẫn đêm, đề phòng mưa to, nước lũ dâng trở lại.
Đêm 2/11, tại tỉnh Khánh Hòa trời ngớt mưa, nhưng tình trạng ngập lụt vẫn còn diễn ra trên diện rộng. Tại tỉnh Phú Yên, do các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn nên nhiều huyện ven sông Ba bắt đầu lâm vào cảnh ngập lũ, nhiều huyện tiếp tục di dời dân.
** Chiều tối 3/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về tình hình mưa lũ và công tác phòng tránh lũ tại Phú Yên.
Báo cáo của ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Các địa phương đã tổ chức sơ tán dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng cửa sông đến nơi an toàn với 982hộ/3.460 khẩu.
Mưa lũ đã làm 4 người chết và 1 mất tích, 2.083 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; 3 ngôi nhà sập hoàn toàn và nhiều nhà bị hư hỏng, xiêu vẹo. Mưa lũ cũng đã làm 850 ha lúa bị ngập, gần 1.500 ha mía, sắn bị ngập, đổ. Hiện nhiều vùng còn ngập sâu trong nước nên chưa thể đánh giá hết mức độ thiệt hại.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo cứu đói cho dân, 1 tấn hạt giống rau màu để nhân dân khôi phục sản xuất sau lũ và 30 tỷ đồng giúp Phú Yên khắc phục hậu quả lũ lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Chủ tịch nước và Chính phủ chỉ đạo Bộ giao thông Vận tải sớm thẩm định dự án tái định cư hầm đường bộ Đèo Cả để Phú Yên sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng công trình; Đề nghị Chính phủ cho dừng dự án do Tập đoàn Sama Dubai đầu tư tại tỉnh này.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ những khó khăn với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn của nhân dân trong tỉnh, qua đó hạn chế thiệt hại về người và của.
Chủ tịch nước cho rằng những biến đổi phức tạp của thời tiết ngày càng nghiêm trọng hơn và xảy ra trên diện rộng hơn, do đó, Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết cùng vượt qua khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý, một hình thái thời tiết xấu đang tiếp tục xảy ra và có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến tỉnh Phú Yên. Toàn tỉnh phải chuẩn bị các phương án phòng tránh cụ thể, huy động tổng lực để đảm bảo tối đa an toàn cho người dân, ít thiệt hại nhất về tài sản của nhà nước và nhân dân.
Mặc khác, nước rút đến đâu tiến hành dọn vệ sinh môi trường đến đó, không để xảy ra dịch bệnh; tiến hành chăm sóc sức khoẻ của người dân, tuyệt đối không để thiếu lương thực, chăn màn để dân đủ ấm và đảm bảo sức khỏe để vượt qua những khó khăn, tập trung khắc phục nhà cửa, sớm ổn định đời sống.
Nước rút phải tập trung phục hồi sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ đảm bảo giống theo yêu cầu cần thiết cho dân, thuốc khử trùng nước sạch cũng phải đảm bảo tối đa, hướng dẫn người dân xử lý nước sạch. Về gạo cứu đói, Phú Yên cần đến đâu Chính phủ sẽ cấp đến đó.
Ông Đào Tấn Lộc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tiếp thu những chỉ đạo của Chủ tịch nước và cho biết, điều lo nhất hiện nay chính là áp thấp nhiệt đới có khả năng gây lũ lụt trong những ngày tới và tiếp tục đe doạ Phú Yên.
Tại buổi làm việc, Bộ Công an cũng đã hỗ trợ Phú Yên 100 triệu đồng, giúp tỉnh khắc phục khó khăn do mưa lũ.
Tại tỉnh Phú Yên, ngày và đêm 2/11, 3 thuỷ điện là Eakrông Năng, Sông Ba Hạ và Sông Hinh tiếp tục xả lũ cùng lúc với tổng lưu lượng 11.500m3/s đã làm các vùng ven sông Ba tiếp tục bị ngập sâu. Huyện Sơn Hoà phải di dời 300 hộ dân vùng trũng thấp, huyện Phú Hoà cũng di dời khẩn cấp 60 hộ ngay trong buổi chiều.
Trong khi đó, thành phố Tuy Hoà nằm cuối nguồn sông Ba, lũ đã vượt kè Bạch Đằng và tràn vào trung tâm thành phố, các đường phố chính như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Duy Tân, Nguyễn Công Trứ... ngập trên 0,5m, toàn thành phố lâm vào cảnh mất điện. Điều bức xúc hiện nay của tỉnh Phú Yên là một số thủy điện không thông báo với lãnh đạo tỉnh về tình hình xả lũ, làm vùng hạ du ngập lụt quá nhanh.
Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra nhà dân an toàn, theo chỉ đạo của Chính phủ có đơn vị thực hiện tốt, như thủy điện sông Ba Hạ, không báo cáo với tỉnh. Chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng kiểm điểm nghiêm khắc đơn vị không thực hiện nghiêm túc xả lũ”.
Còn tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, nước sông Kỳ Lộ vượt mức báo động 3 trên 1m, nhiều vùng dân cư đã bị ngập sâu. Việc di dời nhân dân cũng tiến hành khẩn trương ngay trong đêm. Riêng huyện Đồng Xuân, gần 600 hộ dân ven sông Kỳ Lộ đã được di dời đến nơi an toàn trước 21h đêm 2/11.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay nhân dân thực hiện rất tốt công tác di dời người và tài sản. Huyện đang triển khai các phương án bố trí lực lượng tại các vùng xung yếu để không cho người qua lại tránh trường hợp tai nạn đáng tiếc..
Do mưa lớn kéo dài, tuyến đường từ Nha Trang đi Đà Lạt bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông ách tắc, từ đêm 1/11 đã có 10 xe ô tô với hơn 100 hành khách mắc kẹt trên đèo Hòn Giao, cách khu dân cư hơn 10km. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn của huyện Khánh Vĩnh và người dân địa phương đã ngày đêm đi bộ lên cứu trợ. Công an huyện, UBND xã Sơn Thái, UBND huyện Khánh Vĩnh đã tập trung phương tiện san ủi bớt đất đá.
Đêm 2/11, lực lượng cứu hộ đã đưa người bị nạn về thị trấn Khánh Vĩnh, bố trí ăn nghỉ, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh hiện, trên đỉnh đèo vẫn còn 20 người là chủ xe, tài xế ở lại giữ xe và hàng hóa./.