Chiều 13/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người vì tính chất quy mô và thủ đoạn của loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức xuyên quốc gia.
Thảo luận về Dự án Luật này các đại biểu tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Giải tthích từ ngữ (Điều 2) và Điều 3 mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người; Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân; Các biện pháp về phòng ngừa mua bán người tại chương II Dự án Luật; Tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước và biện pháp bảo vệ nạn nhân; Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của mặt trận trong phòng chống mua bán người.
Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người vì tính chất quy mô và thủ đoạn của loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức xuyên quốc gia.
Đồng tình với bố cục chương điều và phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, đại biểu Vi Trọng Lễ (đoàn Phú Thọ) cho rằng, khái niệm mua bán người quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 của Dự thảo Luật là phù hợp với cuộc đấu tranh với tệ nạn này hiện nay, phù hợp với hành vi mà Bộ Luật hình sự điều chỉnh, đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng theo các đại biểu, việc quy định về phòng ngừa mua bán người bao gồm các giải pháp: thông tin, giáo dục, tư vấn, truyền thông trong nhà trường, gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trong Dự thảo là phù hợp và là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế loại tội phạm này.
Các đại biểu đồng ý với nội dung về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hoạt động phòng ngừa mua bán người và cho rằng đây là kênh rất quan trọng trong tư vấn giáo dục truyền thông cho các thành viên của tổ chức mình để kiến nghị với cơ quan nhà nước, giám sát cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện Luật này. Tuy nhiên, theo đại biểu Vi Trọng Lễ, điều này mới chỉ nói đến một vế vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên còn trách nhiệm của cơ quan nhà nước như thế nào trong tiếp nhận xử lý kiến nghị của MTTQ và các thành viên có liên quan đến phòng, chống mua bán người, nhất là các kiến nghị giám sát do các cơ quan này thực hiện. Cơ quan nhà nước sẽ tạo điều kiện như thế nào (cung cấp thông tin, tạo điều kiện cơ sở vật chất…) để các tổ chức hoạt động có hiệu quả vẫn chưa được thể hiện trong điều Luật này.
Cũng theo đại biểu Vi Trọng Lễ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại chương 6 trong Dự thảo Luật cũng chưa nói tới trách nhiệm này. Vì vậy, đại biểu đề nghị tại điều 18, chương 2 nên quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với MTTQ và các tổ chức thành viên.
Về Điều 24 khoản 2 và Điều 38 khoản 1 đều nêu trách nhiệm của UBND cấp xã hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người điều kiện về ăn mặc, các vật dụng cá nhân thiết yếu khác và tiền tàu xe đi lại. Đại biểu Vi Trọng Lễ cho rằng, quy định này là không khả thi vì phần lớn các xã nhất là các xã vùng nông thôn chủ yếu hoạt động do ngân sách nhà nước hỗ trợ do đó không có khả năng hỗ trợ các nạn nhân cho dù số nạn nhân này không nhiều. Đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu lại quy định này sao cho thiết thực và phù hợp với nguồn ngân sách của các xã hiện này.
Điều 28, quy định về lực lượng giải cứu bảo vệ khẩn cấp cho nạn nhân mua bán người bao gồm: Công an, quân đội, các đại biểu cho rằng phù hợp. Tuy nhiên đại biển còn băn khoăn, khi tình trạng khẩn cấp xảy ra nhất là ở các vùng sâu, vùng xa chưa thể huy động lực công an, quân đội thì ai sẽ là người giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Đại biểu cho rằng không thể thiếu vai trò của lực lượng công an, dân quân xã. Vì thế, đại biểu đề nghị cần bổ xung lực lượng công an, dân quân xã để thực hiện nhiệm vụ giải cứu và bảo vệ khẩn cấp cho nạn nhân.
Đại biểu Vi Trọng Lễ cũng đề nghị cần nghiên cứu việc bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở học tập, làm việc của nạn nhân (Điều 29 điểm b khoản 1) liệu có khả thi hay không? Vì khó có thể bố trí lực lượng canh giữ 24/24h đối với nạn nhân. Về nhiệm vụ của cơ quan bảo trợ xã hội (Điều 39) và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đại biểu đồng ý giao nạn nhân về cho cơ quan bảo trợ tại nơi nạn nhân lưu trú và hỗ trợ điều kiện cần thiết cho nạn nhân trước khi đưa nạn nhân về với gia đình. Tuy nhiên, đại biểu còn tỏ ra băn khoăn trước thực tế hiện nay chỉ một số tỉnh có trung tâm bảo trợ xã hội, việc trong Luật quy định như trên có nghĩa là sẽ phải thành lập ở các tỉnh chưa có trung tâm bảo trợ thì điều này có khả thi hay không vì số nạn nhân không nhiều? Đại biểu cũng cho rằng việc cho phép thành lập các cơ sở hỗ trợ trực thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp là không nên vì đã có những bài học trong việc thành lập các tổ chức nhân đạo đã lợi dụng danh nghĩa này đề quyên góp, kêu gọi ủng hộ.
Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Kạn), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đề nghị Luật cần bổ sung giải thích rõ từ ngữ, khái niệm nêu trong Luật như vận chuyển, thế chấp…
Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu trên, Đại biểu Nguyễn Hữu Trí (đoàn Lạng Sơn) cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, theo đại biểu quy định chưa đầy đủ, rõ ràng nhất là với các nạn nhân là trẻ em. Đối với trường hợp nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên hoặc người bị khiếm khuyết thì họ chưa thể đứng ra yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các yêu cầu và nghĩa vụ của mình một cách độc lập. Do đó, cần bổ sung thêm điều này nội dung về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân và người đại diện hợp pháp. Trong nghĩa vụ của nạn nhân cần ghi rõ, cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến việc mua bán người cho cơ quan tổ chức người có thẩm quyền. Nạn nhân phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thẩm quyền, nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp nạn nhân chết người bảo vệ được hưởng quyền này của nạn nhân.
Cho ý kiến về quy định trợ gúp pháp lý cho nạn nhân, điều 35 quy định: Một là, nạn nhân được trợ giúp pháp lý tại các trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; hai là, phạm vi hình thức thủ tục đề nghị trợ giúp pháp lý được thực hiện theo các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, đại biểu Trần Thị Lộc (Băc Kạn) có ý kiến: Đối chiếu với quy định Điều 10 của Luật, trợ giúp pháp lý thì người trợ giúp bao gồm 4 đối tượng: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa cuối cùng là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng nếu là nạn nhân bị buôn bán thì phải thuộc 4 nhóm đối tượng trên mới được trợ giúp pháp lý nhưng thực tế có những trường hợp bị buôn bán nhưng không thuộc 4 nhóm trên. Vì vậy, khi họ là nạn nhân bị buôn bán sẽ không được trợ giúp pháp lý theo quy định của Dự án Luật này. Mặt khác, họ là nạn nhân thuộc 4 nhóm đối tượng nêu trên thì bắt buộc phải có giấy tờ minh chứng rằng họ thuộc 4 nhóm đối tượng đó mới được trợ giúp. Như vậy, nạn nhân sẽ phải chờ đợi, trong khi rất cần trợ giúp pháp lý kịp thời như thế có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần, đời sống của nạn nhân. Đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại quy định này để bổ sung đối tượng trong Luật.
Cho ý kiến về trách nhiệm nhà nước trong việc phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống buôn bán người, đại biểu cho rằng việc quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều 41 Luật này. Theo đó, Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc việc phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn bán người nếu quy định như trên sẽ chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước trong phổ biến giáo dục pháp luật đã giao cho Bộ Tư pháp theo điểm a khoản 5 Điều 2 tại Nghị định 62/NĐ-CP 2003 về quy định chức năng quyền hạn nghĩa vụ về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Do đó, đề nghị nên giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật phòng chống buôn bán ngườicho Bộ Tư pháp vì hiện nay ngành tư pháp đang chịu trách nhiệm cơ quan thường trực hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ.