Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên làm việc với tỉnh Thái Nguyên

09:07, 25/12/2010

Ngày 24/12, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do đồng chí Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành T.W Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh). Cùng làm việc có các đồng chí Thứ trưởng, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ TN&MT. Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh có đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ngành liên quan.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt với Đoàn về những kết quả đã đạt được; những mặt còn tồn tại, khiếm khuyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh, Quốc phòng của tỉnh trong năm 2010. 

 

Đồng chí Dương Văn Khanh, Giám đốc Sở TN&MT đã báo  với Đoàn về tổ chức bộ máy hiện tại của ngành; kết quả quản lý Nhà nước về TN&MT   thuộc tỉnh quản lý. Trong đó nêu rõ những kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính địa chính; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; định giá đất và giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đặc biệt, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản đã được ngăn chặn và đi vào hoạt động có nề nếp;công tác quản lý nhà nước về môi trường khá tốt… Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại  như: hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của các cấp chưa được thiết lập đầy dủ, thiếu đồng bộ;  một số cơ sở sản xuất không xử lý hoặc không đạt tiêu chuẩn đã xả thải gây ô nhiễm môi trường; tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản ở một số nơi vẫn còn xảy ra với quy mô nhỏ…Qua đó, ngành cũng đề nghị với Bộ trưởng xem xét một số nội dung về việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành; tăng cường và bố trí đủ kinh phí cho tỉnh để có điều kiện lập hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tạo điều kiện về kinh phí để điều tra, đánh giá tiềm năng một số khoáng sản  và giúp công tác điều tra, khoanh định các khu vực có nguy cơ xảy ra biến động địa chất; Bộ nên có hướng dẫn thống nhất để xử lý những vướng mắc trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Bộ tạo điều kiện giới thiệu các dự án  thu hút đầu tư vào sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường; để Thái Nguyên được tham gia các dự án về môi trường và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản của các nước Nga, Ba Lan, Chương trình hợp tác môi trường ASEAN…

 

Các đồng chí Thứ trưởng, đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ TN&MT đã có ý kiến đánh giá, ghi nhận những cố gắng của ngành TN&MT trên 6 lĩnh vực, song cũng chỉ ra những vấn đề tỉnh cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới như: có giải pháp tích cực chống biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng  phát triển kinh tế; công tác đo đạc, cấp GCNQSDĐ; điều tra khoanh định các khu vực sụt, lún; quan tâm đến công tác môi trường, nhất là môi trường các khu, cụm công nghiệp…

 

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ ,Viện, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ thêm một số nội dung và mong muốn Bộ quan tâm đến các lĩnh vực, trọng tâm là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cùng giúp Thái Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội. 

 

Đồng chí Bộ trưởng đã ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của công tác quản lý Nhà nước về TN&MT của tỉnh. Đồng chí đề nghị, những vấn đề lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, tỉnh nên phối hợp tích cực với Bộ để giải quyết kịp thời. Đồng thời, tạo điều kiện, ủng hộ Sở TN&MT để cùng toàn ngành TN&MT thực hiện thành công chiến lược 10 năm phát triển TN&MT, trong đó sẽ thu từ TN&MT để đóng góp cho ngân sách Nhà nước đến 30%. Rất mong tỉnh hợp tác và sau buổi làm việc này cần có thông báo chung để nêu rõ những nội dung làm việc, các cam kết và thực hiện làm việc theo định kỳ để có sự kiểm điểm, đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được và đề ra những công việc tiếp theo. Đồng chí cũng nhất trí với những kiến nghị của tỉnh và yêu cầu các Cục, Vụ, Viện giúp tỉnh có điều kiện phát triển. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần “tăng tốc” trong công tác đo đạc, quản lý hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ. Về môi trường, lưu ý môi trường các khu công nghiệp, môi trường thuộc lưu vực Sông Cầu; về khoáng sản và khai thác khoáng sản, cần rà soát lại quy hoạch; đảm bảo cân đối đất đai để Thái Nguyên đảm bảo cho phát triển các lĩnh vực…