Toàn huyện Định Hóa hiện có khoảng 14 nghìn con trâu, 4,2 nghìn con bò, được nuôi tập trung chủ yếu ở các xã miền núi phía Bắc. Lâu nay, hầu hết người dân vẫn giữ hình thức chăn nuôi thả rông và dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Trước thông tin về thời tiết mùa đông năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nên huyện Định Hóa đã đưa ra nhiều biện pháp để chủ động chống rét cho đàn gia súc.
Ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện Định Hóa đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động phòng, chống rét trong chăn nuôi. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyên đã tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để vận động, tuyên truyền người dân tích cực thực hiện các biện pháp chống rét như: Củng cố lều lán trong rừng để che chắn gió lùa, chống rét bằng các tấm đan từ tre, nứa hoặc bạt vây quanh; chuẩn bị trấu, củi để sưởi ấm cho trâu bò khi cần thiết; dự trữ nguồn thức ăn rơm, rạ, cỏ khô đối với gia súc già, yếu; bổ sung thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô, sắn...) và các chất khoáng vào khẩu phần ăn; không để trâu, bò ngủ trong rừng khi nhiệt độ xuống dưới 120c... Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tăng cường công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trâu, bò như: Lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, các bệnh về đường hô hấp...
Từ sự chỉ đạo tích cực của huyện, hầu hết các gia đình chăn nuôi đã ý thức được tầm quan trọng và chủ động trong công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc. Với đàn gia súc gần 50 con trâu, bò, ông Ma Công Sự, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc là người hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm của những ngày giá rét. Đã chăn thả đàn trâu bò ở vùng giáp ranh giữa Định Hóa và huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) hàng chục năm nay, tuy chưa năm nào trâu, bò bị chết rét, nhưng ông Sự nhận thấy nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế, thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông là nguyên nhân dẫn đến trâu, bò thường gầy yếu, chậm phát triển và hay có dịch bệnh. Do vậy, mùa đông năm nay, ông đã chủ động trồng hơn 2 sào cỏ voi, dự trữ thêm nguồn thức ăn tinh để cung cấp cho trâu, bò trong nhưng ngày rét hại. Ông cho biết thêm: Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, tôi thường nhốt gia súc trong chuồng đã được bịt kín, hun trấu hoặc củi để giữ ấm và giảm bớt sương muối khi về đêm.
Cũng như ông Sự, để chủ động chống rét, ông Hoàng Văn Sằm, xóm Đồng Chua, xã Thanh Định đã chuyển đàn trâu của gia đình mình từ trên núi về nuôi nhốt, quây lá cọ xung quanh chuồng. Trong niềm vui được mùa lúa vừa rồi, ông Sằm không quên tận dụng phơi khô rơm để làm nguồn thức ăn dự trữ. Ông Đoàn Viết Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Với tổng số gần 700 con trâu và 550 con bò, chăn nuôi đại gia súc là thể mạnh của xã Điềm Mặc. Để chủ động chống rét, xã tập trung chủ yếu vào hướng dẫn bà con cách thức dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc. Hiện, xã có hơn 10 ha cỏ voi, hầu hết các gia đình đều chủ động phơi và dự trữ rơm, rạ để vừa có nguồn thức ăn, vừa có thể dùng để che chắn cho chuồng trại trong mùa đông.
Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia súc của Định Hóa không chỉ dừng lại ở mục đích lấy sức kéo trong nông nghiệp mà còn là sản phẩm hàng hóa; định hướng người dân chuyển từ chăn thả tự do sang nuôi nhốt tập trung, nhất là sau khi huyện triển khai Đề án Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa giai đoạn 2006-2010. Chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc sẽ góp phần để chăn nuôi của huyện phát triển hiệu quả và bền vững.