Ngày 24 /12, UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Cạn, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Cầu (BVMTSC) tổ chức phiên họp thứ 6 nhằm đánh giá kết quả công tác triển khai đề án sông Cầu giai đoạn 2007 -2010 của Ủy ban BVMTSC nhiệm kỳ thứ nhất (2007 – 2010) và chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban BVMTSC nhiệm kỳ (2011 – 2012).
Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban BVMTSC; các đồng chí Thứ trưởng, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ TN&MT; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và Sở TN&MT các tỉnh Bắc Cạn, Bắc Giang, Hải Dương và các tỉnh thành viên Ủy ban BVMTSC.
Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường, sinh thái cảnh quan lưu vực sông Cầu đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/-7/2006; ngày 14/11/2007, Ủy ban BVMTSC được thành lập. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban BVMTSC.
Quan điểm và mục tiêu của đề án sông Cầu là giải quyết tổng thể ô nhiễm môi trường nước, kết hợp giữa phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái môi trường với xử lý, khắc phục điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên toàn lưu vực sông; đẩy mạnh xã hội hóa, kết hợp các biện pháp tiên tiến và truyền thống để giữ sạch môi trường sống, thúc đẩy sự phát triển bền vững trên toàn lưu vực sông…
Trong 3 năm hoạt động, Ủy ban BVMTSC đã cùng UBND 6 tỉnh thuộc lưu vực và các Bộ, ngành Trung ương tích cực chủ động tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông Cầu (BVMTSC); tập trung chỉ đạo và ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, danh mục các dự án ưu tiên về BVMTSC; xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng trên lưu vực, góp phần giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm đến sông Cầu. Qua kết quả quan trắc cho thấy, thời gian gần đây, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Cầu tốt hơn. Tình hình ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực sông bước đầu được cải thiện, ý thức cộng đồng từng bước được nâng cao. Công tác thanh, kiểm tra ngày càng đạt hiệu quả tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp.
Một số vấn đề còn tồn tại trong giai đoạn 2007-2010 là: đề án sông Cầu chủ yếu được các địa phương thực hiện thông qua lồng ghép vào các hoạt động bảo vệ môi trường của các Sở, ngành; các tỉnh đều chưa hoàn thành 100% kế hoạch theo đúng lộ trình; cơ chế, chính sách về kinh phí đầu tư cho BVMTSC chưa sát tình hình thực tế của từng địa phương và chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý ô nhiễm. Một số địa phương chưa chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông cầu…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban BVMTSC đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm. Đồng chí đề nghị một số vấn đề cần được sự quan tâm chỉ đạo trong nhiệm kỳ thứ 2 là: Các địa phương cần gắn chương trình nội dung của Đề án BVMTSC vào chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; xây dựng kế hoạch theo mục tiêu cho từng giai đoạn trên cơ sở tính toán để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra cho năm 2020; Ủy ban cần ban hành quy chế thi đua, khen thưởng đối với các địa phương, đơn vị.
Cũng tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ thứ nhất 2007 – 2010 đã diễn ra lễ chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban BVMTSC nhiệm kỳ 2011 – 2012. Đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban BVMTSC nhiệm kỳ 2007-2010 đã ký biên bản bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban BVMTSC cho đồng chí Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn nhiệm kỳ 2011-2012.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã đánh giá cao và ghi nhận kết quả của Ủy ban BVMTSC trong nhiệm kỳ 2007 – 2010 và cá nhân đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban BVMTSC nhiệm kỳ 2007-2010. Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tiếp theo, các tỉnh trong lưu vực sông Cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, chủ động triển khai các chương trình của Dự án bằng nguồn vốn của tỉnh, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông báo chí; xây dựng được cơ chế phản biện giữa các tỉnh, công khai danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với trách nhiệm của Bộ TN&MT, đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ sẽ nâng cao năng lực củng cố hoạt động của Văn phòng Ủy ban BVMTSC; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương sử dụng đúng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ để thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả thực sự cho công tác bảo vệ môi trường trong đó có môi trường sông Cầu.