Sáng 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Viên chức, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Khoáng sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám.
Theo quy định của luật, viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngoài 4 hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật liên quan.
Luật Viên chức cũng quy định cụ thể các điều kiện chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức như viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp…
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra quy định đáng chú ý như: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh; cấm việc tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; cấm các hành vi quấy rối người tiêu dùng gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến công việc và đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng…
Ngoài ra, Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 6 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Cũng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày1/7/2011, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung 48 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 38 điều của Luật Khoáng sản năm 1996. Những điểm mới của luật này được thể hiện ở quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản. Thời hạn tối đa cho một giấy phép thăm dò khoáng sản cũng điều chỉnh từ 4 năm lên 8 năm để phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với thăm dò khoáng sản kim loại.
Đồng thời, luật này cũng điều chỉnh quy định theo hướng tăng cường sự quản lý của Trung ương trong việc cấp phép: đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ chỉ phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp phép (thăm dò, khai thác khoáng sản) ở các khu vực đã được Bộ Tài nguyên Môi trường khoanh định và công bố.