Đảm bảo nước tưới cho cây trồng vụ đông - xuân

10:56, 10/12/2010

Vào những ngày đầu tháng 12, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tại tế hồ Núi Cốc - nơi chứa nước lớn nhất của tỉnh, có khả năng cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha đất nông nghiệp của Thái Nguyên và Bắc Giang. Theo bà Trần Thị Dậu, một người dân ở xóm Đình, xã Bình Thuận (Đại Từ), sống gần khu vực hồ Núi Cốc thì hiện tại, mực nước hồ đã giảm khá nhiều so với cách đây 2 tháng.

 

Tình trạng mực nước bị giảm đi so với những tháng đầu mùa khô không chỉ xảy ra ở hồ Núi Cốc mà tại các hồ có sức chứa vừa và nhỏ của tỉnh. Đây là tình trạng đáng báo động khi Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương đã dự báo tỉnh ta và một số tỉnh lân cận sẽ không có mưa vừa, mưa to trong khoảng 2-3 tháng tới. Ngoài những diễn biến bất thường của thời tiết thì tình trạng một số công trình thuỷ lợi đang xuống cấp cũng gây khó khăn trong việc cung cấp nước tưới phục vụ người dân sản xuất vụ đông - xuân. Toàn tỉnh hiện có trên 1.150 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 70 công trình, các huyện, thành, thị quản lý trên 1.080 công trình. Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đã được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Do đã qua trên dưới 40 năm vận hành khai thác nên đến nay, đa số các công trình thủy lợi đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với các công trình hồ, đập do tỉnh quản lý thường xuyên được đầu tư kinh phí an toàn hồ chứa nên vẫn phát huy được hiệu quả. Còn lại phần lớn các công trình hồ, đập do địa phương quản lý hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, lòng hồ, cửa cống lấy nước bị bồi lấp làm giảm khả năng tích nước và dẫn nước, việc dùng máy bơm để tận dụng nguồn nước dưới cửa cống cũng không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh chưa được kiên cố hóa nên thường xuyên bị sạt lở, làm thất thoát nguồn nước tưới.

 

Trong khi đó, vụ đông - xuân năm 2010 và 2011, tỉnh ta có kế hoạch gieo trồng 40.100 ha (diện tích cấy lúa là 27.600 ha và diện tích trồng ngô là 12.500 ha). Tình hình thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, lượng mưa hàng tháng chỉ đạt 80-95%, thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm, đặc biệt là trong tháng 10 - tháng cuối mùa có lượng mưa thấp nhất, chỉ đạt 22% so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, các đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè đã làm cho nguồn nước trên các sông, suối, hồ đập cạn kiệt.  Đến thời điểm này, lượng nước ở các hồ lớn như hồ Núi Cốc, hồ Gò Miếu, hồ Quán Chẽ, hồ Bảo Linh... tích được trên 70% mức nước thiết kế, các hồ nhỏ hơn tích được 50-60% mức nước thiết kế, còn các phai, đập hầu hết đã cạn kiệt nước. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như hiện nay thì việc sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2010-2011 của tỉnh nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với hạn hán trên diện rộng, nhất là ở những khu vực chưa có công trình thuỷ lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Diện tích có khả năng thiếu nước tưới vụ đông - xuân năm nay sẽ vào khoảng 13.000 ha (bằng 32,4% diện tích gieo trồng). Trong đó, diện tích có thể sử dụng bơm điện là 2.790 ha, dùng bơm dầu là 6.309 ha, sử dụng các biện pháp khác là 966 ha và diện tích phải chuyển đổi sang cây màu là 2.604 ha. Bởi vậy, ngay từ lúc này, tỉnh ta đã xây dựng phương án chống hạn cho vụ đông - xuân.

 

Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, chúng tôi đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT các biện pháp phòng, chống hạn như: Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi; các địa phương thực hiện nghiêm túc 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Cụ thể, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Thái Nguyên ưu tiên cung cấp nước làm đất để gieo cấy vụ xuân, chủ động tích nước, quản lý chặt chẽ các nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước, đặc biệt là hồ chứa, tuyệt đối không được tháo nước để đánh bắt cá, phát điện gia đình; sau khi đã cấp nước đủ để cấy lúa, cần phải tiếp tục tích nước trong các hồ chứa, đập dâng, khi thực sự cần thiết mới mở cống để đảm bảo đủ nước dưỡng lúa; tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân sử dụng tiết kiệm nước, không lấy nước tràn lan, khi tưới nước phải xây dựng lịch cụ thể; các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, gia cố các phai đập, kênh dẫn, các trạm bơm điện, trạm bơm dầu, triển khai nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy. Riêng đối với những diện tích cấy lúa không có khả năng cung cấp nước tưới, Ngành chỉ đạo các địa phương cần tuyên truyền hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang.

 

Với việc chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng trong thời gian qua và những ngày sắp tới của tỉnh ta, sẽ mà một trong những yếu tố quan trọng để vụ đông - xuân 2010-2011tiếp tục đạt kết quả cao .