Giúp Việt Nam chuyển sang nấc thang mới

09:19, 07/12/2010

Sáng 7/12, tại Hà Nội, khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG 2010). Hội nghị lần này tập trung vào chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững”. Sẽ có nhiều vấn đề được đặt trên bàn của các nhà tài trợ, như cải cách hành chính; ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; cải cách việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật; tăng cường bảo vệ trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái; và cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Tại Hội nghị năm nay, các chủ đề được tập trung thảo luận là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, với vị trí là nước có thu nhập trung bình. Nhóm các nhà tài trợ cũng sẽ phân tích và đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2010 và định hướng cho năm 2011.

 

Bên cạnh đó, vấn đề quản trị công cũng như minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế Nhà nước, Quản trị và phòng, chống tham nhũng là những nội dung được thảo luận tại hội nghị lần này. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh cùng những kiến nghị của các doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức trước đó 5 ngày sẽ được trình bày tại hội nghị.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Nâng cao năng suất cũng như hiệu quả của nền kinh tế, giúp cho Việt Nam có thể chuyển sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tất cả những điều này đòi hỏi Việt Nam phải có môi trường kinh doanh hiệu quả hơn cho các hoạt động của khu vực tư nhân và của doanh nghiệp. Đó là môi trường thuận lợi cho cạnh tranh và nâng cao hiệu quả. Điều đó cũng đòi hỏi Việt Nam phải có cơ sở hạ tầng cứng cũng như cơ sở hạ tầng mềm. Đó chính là những quy định, những chính sách và khuôn khổ điều tiết, quản lý của Chính phủ. Nó sẽ dẫn dắt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, của khu vực kinh tế tư nhân. Tôi tin tưởng là các đều muốn quy định này rõ ràng, minh bạch, đơn giản và có khả năng tiên liệu”.

 

Các ưu tiên cho phát triển bền vững nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững nói chung cũng như ưu tiên cho khu vực nông thôn; Cách tiếp cận chiến lược hơn về huy động tài chính cho biến đổi khí hậu là những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị.

 

Bên cạnh đó những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tới tình hình đói nghèo, tăng cường bảo trợ và an sinh xã hội cũng như tương lai của chương trình mục tiêu quốc gia về nghèo đói cũng được các nhà tài trợ quan tâm.

 

Một trong những nội dung lớn của Hội nghị lần này là đánh giá về tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.  Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Công ty Tài chính Quốc tế chia sẻ: “Việt Nam đang ở vị thế mới, vị thế của quốc gia có thu nhập trung bình thấp sau một thời gian dài là quốc gia có thu nhập thấp. Thành tích này cũng phản ánh nỗ lực của tất cả mọi người, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam không còn thách thức hay ít thách thức hơn. Trên thực tế những thách thức này ngày càng nhiều hơn vì Việt Nam phải xây dựng dựa trên những thành tựu của mình và phải đối mặt với thách thức lâu dài hơn, đó chính là chất lượng tăng trưởng, làm sao nâng cao chất lượng tăng trưởng và phải tiếp tục khẳng định rằng, khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước”.

 

Bản tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp về những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp sẽ được gửi tới Hội nghị CG 2010 để các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam thảo luận. Đề xuất những thay đổi để tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng cho các thành phần doanh nghiệp, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM cho biết: “Đó là yêu cầu chung cho tất cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng đối với khu vực kinh tế tư nhân hay kinh tế Nhà nước. Đó là nhu cầu chung của toàn xã hội. Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân không cần ai phải nhắc nhở, cũng không cần phải có chiến lược thì họ mới làm, về nguyên tắc, tất cả các loại doanh nghiệp khi có điều kiện, khi  họ được tạo điều kiện tốt, công bằng và khuyến khích phát triển một cách hợp lý, họ sẽ luôn luôn cố gắng phát triển mạnh hơn, rộng hơn”.

 

Còn ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Việt cho rằng: “Đó là môi trường rất tốt để doanh nghiệp và Chính phủ có thể đối thoại với nhau, trao đổi với nhau những vướng mắc. Để cải thiện được những vướng mắc đó, phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không thể giải quyết ngay được”.

 

Hội nghị CG 2010 là diễn đàn thảo luận hữu ích và thẳng thắn giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển về những cơ hội và thách thức đối với nước ta. Như thông lệ, kết thúc hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ sẽ đưa ra cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong năm tài khoá mới. Đây luôn là nguồn lực quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế.

 

Tại Hội nghị cuối kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2009, con số mà các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam là hơn 8 tỷ USD. Đây là mức cam kết viện trợ kỷ lục từ trước tới nay cho Việt Nam. Khoản tài trợ này nhằm giúp Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng và tiếp tục công cuộc xoá đói giảm nghèo. Với mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện, để có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược và kế hoạch 5 năm đặt ra, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hiệu quả để xây dựng một môi trường kinh doanh hoàn thiện, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.