Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020

18:09, 07/12/2010

Ngày 7/12, tại T.P Thái Nguyên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020.

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed] 

 

 Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Về phía các bộ, ngành TW có các đồng chí Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo; Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục dạy nghề, UBND tỉnh, các sở Kế hoạch & Đầu tư 14 tỉnh miền núi phía Bắc, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

  

 Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng ở vùng trung du phía Bắc; chức năng đào tạo cho các tỉnh vùng núi phía Bắc của các trường đại học, cao đẳng ở Thái Nguyên; Tổng cục dạy nghề trình bày quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh và cấp vùng ở vùng núi phía Bắc; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh đã tham luận xoay quanh vấn đề quy hoạch phát triển nguồn lực ở địa phương.

 

Theo thống kê, vùng trung du miền núi phía Bắc có khoảng hơn 11 triệu người (chiếm 13% dân số của cả nước), trong đó có 6,1 triệu người trong độ tuổi lao động; tỷ lệ lao động có kỹ thuật thấp, nhất là công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế (năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ sơ cấp trở lên mới đạt 18%). Công tác dạy nghề chưa phát triển và chậm được mở rộng, nhiều tỉnh mới có 1 trường trung cấp nghề với quy mô nhỏ, nhiều huyện không có trung tâm dạy nghề… Tại Hội thảo, các đại biểu có chung kiến nghị cần đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực để nâng cao vị thế kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc. Muốn làm được điều đó thì trong thời gian tới phải có quy hoạch xây dựng mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng; phát triển đa dạng các loại hình đào tạo nghề, xây dựng các trường đại học đa ngành; tăng dần tỷ trọng đầu tư cho giáo dục – đào tạo. Đối với vùng dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách, phải đảm bảo đủ trường, lớp và đội ngũ giáo viên. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; đẩy mạnh thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; rà soát lại năng lực đào tạo nội vùng; mở rộng liên kết đào tạo, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học với địa phương…

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các tỉnh cần bổ sung số liệu vào quy hoạch phát triển nhân lực của mình cụ thể, rõ ràng như: Xây dựng biểu đồ hình tròn về cơ cấu GDP, về trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của từng địa phương, vùng và cả nước trong từng giai đoạn để thấy được mức chuyển dịch của tỉnh mình so với vùng và cả nước. Cùng với đó, các địa phương cần bổ sung số liệu vào các bảng báo cáo (9 bảng) cụ thể: số lượng và trình độ cán bộ công chức ở tỉnh, huyện, xã; cơ cấu lao động của địa phương; năng suất lao động; hiện trạng về nhân lực địa phương; nhu cầu nhân lực cụ thể của ngành, nhóm ngành, dự kiến năng suất lao động…. Phó Thủ tướng khẳng định: Vai trò của quy hoạch nhân lực là vì sự phát triển của địa phương. Do đó, cần có sự đột phá về xây dựng thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng… Điều này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, địa phương, nhà trường, người học và người sử dụng lao động. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong xây dựng đề án quy hoạch phát triển nhân lực cần quan tâm đến nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam; xây dựng quy hoạch cung - cầu, có chiến lược giáo dục và phát triển gia đình Việt Nam bền vững.

 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đến kiểm tra công tác xây dựng nhà ở cho sinh viên tại Đại học Thái Nguyên. Phó Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng như Đại học Thái Nguyên trong việc chuẩn bị mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi theo kế hoạch đề ra, các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, mỹ quan, tạo điều kiện để nhiều sinh viên được ở trong môi trường tốt nhất, yên tâm tu dưỡng, học tập.