Ngày mai (7/12), kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ 7 năm của HĐND tỉnh khóa XI. Sẽ có nhiều nội dung quan trọng được thông qua tại Kỳ họp. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân muốn được gửi gắm tại Kỳ họp với mong muốn được các đại biểu, ngành chức năng quan tâm xem xét, giải quyết. Báo Thái Nguyên điện tử xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến đại diện ở những ngành, lĩnh vực khác nhau.
Cần quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng Trường mầm non
Bà Khúc Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phú Thượng (Võ Nhai)
Trường Mầm non xã Phú Thượng (Võ Nhai) được thành lập từ năm 1998. Đến nay, Trường có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ ở các xóm: Đồng Mó, Phượng Hoàng, Mỏ Gà, Ba Nhất, Đồng Lạng, Cao Biền với tổng số 220 cháu. Cơ sở vật chất của Nhà trường còn rất thiếu thốn. Điểm trường chính mới chỉ được đầu tư xây dựng 2 lớp học, 1 phòng làm việc trong khuôn viên rộng 458m2. Với quỹ đất hạn hẹp như thế, Nhà trường khó có thể quy hoạch xây dựng cảnh quan môi trường lớp học, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập, vui chơi, giải trí. Do chưa có phòng học, các cháu ở 6 điểm trường lẻ còn lại vẫn phải học nhờ nhà văn hoá xóm. Điều đáng nói là, các điểm trường này thường nằm cách xa điểm trường chính, đường đi rất khó khăn, nhất là ở xóm Cao Biền. Đến được điểm trường xóm Cao Biền, giáo viên phải mất hơn 2 giờ leo bộ. Do đó, giáo viên dạy ở điểm trường này phải ngủ nhờ nhà dân do chưa có nhà công vụ cho giáo viên.
Xuất phát từ những khó khăn đó, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm quy hoạch mở rộng quỹ đất, đầu tư kinh phí để xây dựng nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, nhằm đảm bảo được môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn cho các cháu trong độ tuổi mầm non học tập, vui chơi giải trí; các cô giáo có chỗ ăn, ở để yên tâm công tác...
Gần nhà máy nước sạch nhưng không được sử dụng
Ông Mai Chính Hỷ, tổ 5 xóm Trung Lương, xã Tích Lương (T.P Thái Nguyên)
Xóm Trung Lương chúng tôi có 5 tổ, với tổng số 240 hộ gia đình sinh sống. Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của bà con trong xóm đều dùng từ nguồn giếng đào và giếng khoan. Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi biết Nhà máy nước Tích Lương được xây dựng tại xóm. Tuy nhiên, khi Nhà máy đưa vào hoạt động thì lại có một nghịch lý xảy ra: Cùng trong một xóm nhưng chỉ có 225/240 hộ được sử dụng nước sạch, còn 15 hộ của tổ 5 lại không được sử dụng. Trước sự việc trên, tôi và các hộ dân trong tổ đã có đơn gửi UBND xã Tích Lương và Ban quản lý Nhà máy nước đề nghị được mua nước của Nhà máy. Sau khi có đơn đề nghị, cán bộ Nhà máy nước đã đến để khảo sát tình hình và thông báo với chúng tôi là sẽ lập kế hoạch để mua vật tư lắp đường trục chính vào tổ. Nhưng từ năm 2008 đến nay, 15 hộ dân chúng tôi vẫn chờ đợi và chưa được sử dụng nguồn nước sạch của Nhà máy mà không biết thêm lý do nào khác ngoài lý do chưa có đường trục chính đưa vào tổ 5 (trong khi, các hộ dân chỉ cách Nhà máy nước hơn 100m). Trong khi chờ đợi được dùng nước máy, các hộ vẫn phải sử dụng nước giếng khơi, nhưng phần lớn nước từ các giếng đều bị ô nhiễm. Chỉ cần để thau nước qua đêm sẽ nhìn thấy váng màu vàng nổi lên mặt nước, ngửi có mùi hôi và tanh. Mặc dù biết là bẩn, là ô nhiễm, sử dụng lâu dài rất dễ mắc bệnh nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng. Chúng tôi mong muốn Ban quản lý Nhà máy nước Tích Lương, các cấp, ngành chức năng xem xét để bà con tổ 5 chúng tôi sớm được mua nước sạch sinh hoạt.
Cần có quy định cụ thể về đám tang và quy hoạch khu nghĩa địa ở vùng nông thôn.
Ông Hoàng Văn Duyên, thôn Đồng Rọ, xã Phúc Chu, Định Hóa.
Hiện nay, ở các vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi, người dân vẫn giữ tập tục làm ma chay cũ. Mỗi đám tang, dân làng thường góp gạo, tiền; gia chủ mổ lợn và tổ chức làm chay, ăn uống từ 2-3 ngày rất phiền hà và tốn kém. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa có quy hoạch về nơi chôn cất tập trung, mà thường là đất nhà ai thì nhà ấy đặt phần mộ của người thân (nhiều gia đình chôn cất người thân ngay cạnh nhà). Điều này vừa làm mất mỹ quan nông thôn, vừa khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Tôi đề nghị, chính quyền các cấp cần có biện pháp tuyên truyền và đưa ra quy định cụ thể đối với việc tổ chức đám tang và có quy hoạch đối với khu nghĩa địa của từng xã, thị trấn.