Phát huy lợi thế đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh, bền vững

13:58, 31/12/2010

Tiếp tục chương trình công tác, sáng 31/12 đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng cùng các thành viên Đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

 

 

 

 

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Về phía tỉnh có các đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành.

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Kim đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong gần 20 năm qua, trọng tâm là từ Đại hội X của Đảng và Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh. Trong gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh và triển khai nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, trong đó lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Riêng trong nhiệm kỳ 2001-2005 và 2006-2010, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 5 chương trình, 17 đề án, 20 công trình trọng điểm. Hằng năm, lựa chọn những vấn đề quan trọng, bức xúc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

 

Cụ thể năm 2005 được tỉnh chọn là năm “tập trung phát triển công nghiệp, doanh nghiệp”; năm 2009 là năm “xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó lấy hạ tầng giao thông là khâu đột phá để thu hút đầu tư”. Nền kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá cao. Giá trị GDP năm 2009 đạt 5.732 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp. Trong quá trình phát triển đã có sự thay đổi về tư duy và nhận thức về CNH-HĐH. Thái Nguyên là tỉnh sớm hoàn thành việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Đã tiến hành sắp xếp, đổi mới 54 doanh nghiệp Nhà nước địa phương.

 

Đảng bộ tỉnh vừa tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, vừa chú trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên, chống lại các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu. Qua đánh giá hàng năm cho thấy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên. Số cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh tăng từ trên 70% trong nhiệm kỳ khóa XV lên 80% trong nhiệm kỳ XVII.

 

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được là những tồn tại: Hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh các năm cao nhưng không ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức được một cách đầy đủ, thống nhất về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường còn lúng túng. Một số cơ chế, chính sách thực hiện công bằng xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh làm rõ một số nội dung như: Việc khai thác nguồn lực tài nguyên đất đai; giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; cơ chế để chọn người có đức, có tài?; tình hình tư tưởng trong Đảng, trong cán bộ; việc xây dựng giai cấp công nhân trong tình hình mới… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phát biểu làm rõ những vấn đề mà Đoàn công tác quan tâm.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng những chuyển biến ở Thái Nguyên trên các lĩnh vực đều rất toàn diện. Thái Nguyên đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào địa phương, tạo ra hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Quốc hội cũng rất tâm đắc với việc mỗi năm tỉnh chọn 1 chủ đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Những chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đều theo định hướng của TW, nhất là việc đổi mới tư duy về CNH-HĐH, quan tâm phát triển các thành phần kinh tế. Tư tưởng chỉ đạo Cương lĩnh 1991 đã vào thực tiễn ở Thái Nguyên rất sinh động, tạo lòng tin trong nhân dân. Về những định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục thảo luận, tổng kết các mô hình đã thực hiện, từ đó xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể nhằm phát huy lợi thế so sánh, để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh và bền vững, khẳng định vai trò của trung tâm vùng Việt Bắc. Với các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, những vấn đề thuộc tầm chiến lược tiếp tục thảo luận và là cơ sở để có những quyết sách lâu dài.

 

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thị ủy Sông Công, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh.

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Xuân Hựu, Bí thư Thị ủy đã báo cáo tóm tắt kết quả 25 năm xây dựng và phát triển của thị xã. Trải qua 25 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,28% so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm trên 77%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,03%. Hằng năm có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban quản lý các KCN đã báo cáo hoạt động của Ban. Ban quản lý các KCN của tỉnh được thành lập năm 2000. Tháng 4/2001, chi bộ Đảng của Ban được thành lập. Cùng với đó là các tổ chức đoàn thể như công đoàn, chi đoàn. Tuy cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định còn thiếu, nhưng tập thể lãnh đạo Ban và cán bộ công chức đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với các khu, cụm công nghiệp. Ngoài KCN Sông Công I, KCN Sông Công II, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định đưa 4 KCN vào danh mục KCN Việt Nam. Bên cạnh đó là 25 điểm công nghiệp và cụm công nghiệp nằm ở các huyện, thành, thị. Mặc dù Ban quản lý các KCN rất tích cực trong vận động thu hút đầu tư, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến Sông Công, song do hệ thống giao thông còn hẹp, mặt đường xấu, quá tải; hạ tầng KCN chưa được xây dựng đồng bộ, thậm chí chưa có quỹ đất sạch dẫn tới hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, cụm CN rất hạn chế. Ban đề nghị TW tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và nâng cấp Quốc lộ 3. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho Thái Nguyên được hỗ trợ từ ngân sách TW xây dựng hạ tầng 2 KCN theo Quyết định 43 của Chính phủ.

  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của thị xã công nghiệp trẻ. Đồng chí nhấn mạnh Sông Công cần tiếp tục quan tâm quy hoạch đô thị cả hạ tầng xã hội, có tầm nhìn dài hơi, xây dựng đô thị Sông Công xứng tầm vóc của nó. Đối với Ban quản lý các KCN của tỉnh cần tránh tình trạng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bằng mọi giá mà không quan tâm đến môi trường và các vấn đề xã hội khác. Nhân dịp năm mới, đồng chí Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn thị xã. Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã đến thăm Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.