Quan tâm thực hiện các mô hình khảo nghiệm

11:43, 06/12/2010

Trong những năm qua, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới đã được đưa vào sản xuất đại trà tạo những chuyến biến tích cực về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở huyện Định Hóa. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, nhân viên Trạm Khuyến nông huyện thông qua việc triển khai thực nghiệm các mô hình trình diễn.  

 

Chỉ tính trong 11 tháng của năm 2010, Trạm đã xây dựng được 9 mô hình trình diễn với hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Cùng với đó, các cán bộ khuyến nông huyện đã tổ chức được 117 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu hại cho cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

 

Trong các mô hình, đáng chú ý là mô hình nhân rộng giống lúa DS1 trong vụ mùa năm nay được triển khai thực hiện tại 8 xã là: Quy Kỳ, Tân Dương, Tân Thịnh, Bảo Cường, Phúc Chu, Đồng Thịnh, Sơn Phú và Phú Đình, có 1.112 hộ dân tham gia, với quy mô diện tích 124,5ha. Thực hiện mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 100% về giống và 40% phân bón theo quy trình kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện đã trực tiếp theo dõi, hướng dẫn các hộ dân gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh qua các thời kỳ sinh trưởng và phát triển. Theo đánh giá, giống lúa DS1 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chịu thâm canh và cho năng suất cao, chất lượng ngon, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với đồng đất Định Hóa. Hay việc tổ chức xây dựng mô hình sử dụng phân bón sinh học NEB-26 trên quy mô 5ha chè và 10ha lúa Bao thai tại 2 xã Sơn Phú và Bảo Cường. Kết quả thực nghiệm cho thấy phân bón NEB-26 được sử dụng giúp giảm chi phí sản xuất từ 5 đến 7%, trong khi sản lượng lúa và chè lại tăng gần 10%. Phân bón NEB-26 còn giúp cải tạo đất và thân thiện với môi trường.

 

Cùng với đó, Trạm Khuyến nông huyện cũng triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm đáng chú ý khác như: Xây dựng và nghiệm thu 180 công trình Biogas tại 19 xã, thị trấn trong toàn huyện; phối hợp với Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên thực hiện mô hình nuôi cá quy mô 4.000m2 mặt ao và 30.000m2 mặt hồ tại 3 xã: Trung Lương, Phúc Chu và Trung Hội; triển khai mô hình dự án hỗ trợ máy nông nghiệp cho 9 gia đình tại 2 xã Bảo Cường và Trung Lương; hỗ trợ phân bón cho dự án trồng rừng phân tán, chăm sóc cây mây nếp… Những mô hình này đã giúp người nông dân bước đầu tiếp cận với phương thức canh tác khoa học mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

 

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, một số mô hình khảo nghiệm ở Định Hóa có hiệu quả chưa cao và khó có khả năng nhân rộng sau khi kết thúc. Ví dụ như mô hình cấy giống lúa lai DS1 vừa qua có năng suất chưa cao (trung bình mới đạt 47,5 tạ/ha), một số địa phương bị mất mùa, độ cao thân lúa và thời gian trổ bông của lúa không đồng đều. Ông Triệu Văn Viện, ở xóm Nà Lom, xã Phúc Chu nhận xét: Gia đình tôi  cấy 2 sào giống lúa DS1, năng suất chỉ đạt khoảng 1,6 tạ/sào, thấp hơn so với các giống lúa khác ở địa phương như Khang dân 18, Q5… Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông huyện thì chất lượng của nguồn thóc giống chưa đảm bảo, việc chọn lọc giống để đưa ra gieo cấy đại trà chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, thời vụ gieo cấy giống lúa DS1 thích hợp nhất vào vụ xuân chứ không phải vụ mùa. Các mô hình khác như: Dự án trồng cây nhân dân, hỗ trợ phân bón chăm sóc cây keo, mây… tại các xã Trung Hội, Trung Lương và Lam Vỹ có quy mô còn nhỏ, kinh phí hỗ trợ thấp. Bên cạnh đó, số lượng các mô hình, dự án thực hiện trong năm nay còn ít và khả năng nhân rộng khi mô hình kết thúc bị hạn chế. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các mô hình triển khai thực hiện còn manh mún, dàn trải, thiếu định hướng để phát triển thành quy mô sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, việc thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức, nông dân thường gặp khó khăn khi mua giống sản xuất và bán nông sản. Nhiều hộ nông dân tham gia các mô hình khuyến nông cốt để được nhận hỗ trợ, sau khi kết thúc chương trình thường không đầu tư vốn để tiếp tục sản xuất theo kỹ thuật mới đã được hướng dẫn.

 

Theo ông Bùi Gia Huệ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện: Khó khăn trong thực hiện các mô hình, dự án ở huyện là thiếu nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ nên chưa xây dựng được nhiều mô hình mới để tuyên truyền, khuyến cáo cho nhân dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông và phụ trách khuyến nông ở xã còn mỏng nên việc kiểm tra, tư vấn kỹ thuật cho bà con nông dân còn hạn chế. Thiết nghĩ, để các mô hình, dự án khuyến nông đạt hiệu quả ngày càng cao và tiếp tục được nhân rộng thì cần củng cố hệ thống cán bộ khuyến nông cơ sở về số lượng và trình độ chuyên môn. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế. Tăng cường kiểm tra quá trình thực hiện các mô hình khuyến nông ở cơ sở, phân công rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách mô hình, đồng thời tuyên truyền để người dân quan tâm hơn nữa tới những mô hình sản xuất mới…