Tăng cường các giải pháp Bảo vệ môi trường

17:11, 08/12/2010

Ngày 8/12, tại Trung tâm Học Liệu Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/1/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

 

Dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo của hơn 100 đơn vị thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các sở giáo dục & đào tạo các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ Giáo dục & Đào tạo) chỉ đạo Hội nghị.

 

Trong 1 ngày làm việc, các đại biểu đã được nghiên cứu, học tập một số văn bản, chỉ thị, nghị quyết liên quan tới công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Trong tiến trình CNH-HĐH đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân cũng đã được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đạt được những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh; có nơi, có lúc đã đến mức báo động: Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên nhiều nơi bị khai thác quá mức…

 

Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh thực hiện triệt để các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng vào các nhiệm vụ như: Tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, nhân dân; tăng cường nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các giải pháp chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp kinh tế, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường…

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Đức Thịnh nhấn mạnh: Sau Hội nghị này, các đại biểu cần tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về bảo vệ môi trường tới cán bộ, viên chức, công chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, tổ chức xây dựng được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tham gia bảo vệ môi trường phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.