Từng bước thực hiện lộ trình của Chính phủ điện tử

17:47, 14/12/2010

Thực hiện lộ trình cải cách hành chính theo hướng Chính phủ điện tử do Trung ương chỉ đạo, trong những năm gần đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp về công tác cải cách hành chính, trong đó có nội dung thành lập Cổng thông tin điện tử. Nhân sự kiện khai trương Cổng thông tin điện tử của tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí, Cổng thông tin điện tử có ý nghĩa như thế nào trong sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Cổng thông tin điện tử có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong sự điều hành quản lý Nhà nước của UBND tỉnh vì đây là dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như giải quyết các chế độ chính sách cụ thể của từng ngành, địa phương trong tỉnh. Do đó, Cổng thông tin điện tử sẽ giúp cho lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản, nghị quyết của tỉnh để phục vụ cho công tác điều hành trên tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Thiếu thông tin thì việc lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác nêu trên sẽ không sát với thực tiễn và không thúc đẩy được sự phát triển của tỉnh. Với những tính năng như vậy nên Công thông tin điện tử của tỉnh sẽ khác biệt so với các tờ báo, trang thông tiện tử ở chỗ có sự bảo mật, tính cụ thể, thiết thực và phục vụ cho từng thành viên trong hệ thống chính quyền, hệ thống chính trị của tỉnh. Đây cũng là kho dữ liệu quan trọng, phong phú để các cơ quan Nhà nước, nhân dân tra cứu lấy thông tin thường xuyên và lâu dài.

 

PV: Thưa đồng chí, với những tính năng đặc biệt như vậy thì Cổng thông tin điện tử của tỉnh sẽ được triển khai như thế nào?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Viêc duy trì Cổng thông tin điện tử là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ công chức làm việc tại các quan cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thông tin trên Cổng phải được trích dẫn, đăng tải từ các cơ quan có thẩm quyền và số liệu phải xuất phát từ các dự án, đề án nên nó sẽ có tính kế hoạch, điều hành rất cao. Để duy trì được Cổng thông tin điện tử, lãnh đạo tỉnh đã bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn sâu về một số lĩnh vực làm công tác biên tập nguồn thông tin để các tổ chức, cá nhân khi truy cập có được nguồn tin chính xác, hữu ích. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại cho Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm đảm bảo truy cập nhanh, lưu giữ thông tin an toàn trong nhiều năm. Tuy nhiên, để Cổng thông tin điện tử hoạt động ổn định, hiệu quả thì ngoài sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh còn phải có tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ Trung tâm thông tin tỉnh và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các ngành, địa phương trong tỉnh để đưa thông tin lên Cổng kịp thời, chính xác, có tính định hướng .

 

PV: Xin đồng chí đánh giá đôi nét về hoạt động của Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời gian hoạt động thử nghiệm vừa qua?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Mặc dù đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện và chạy thử nghiệm nhưng thời gian qua, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã khẳng định được vị thế, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt là trong năm 2010, Cổng thông tin điện tử đã tham gia tích cực vào các hoạt động lớn của tỉnh như: Thông tin thường xuyên, đầy đủ về các chủ trương của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh thần thứ XVIII; giới thiệu tiềm năng của tỉnh… Năm 2011 được tỉnh ta xác định là năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì Cổng thông tin điện tử càng có ý nghĩa, tầm quan trọng. Tôi hy vọng, cán bộ, công chức công tác tại Trung tâm thông tin tỉnh cần tiếp tục nỗ lực để đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ đắc lực cho lãnh đạo tỉnh và các cơ quan hành chính Nhà nước, các địa phương trong tỉnh.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!