Bàn biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch lở mồm long móng trên gia súc

21:29, 07/01/2011

Chiều ngày 7-1, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp (ảnh). Tham dự còn có đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành, thị của tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan...

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc diễn biến rất phức tạp. Từ ngày phát hiện ra ổ dịch đầu tiên (27-12-2010) đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại 55 hộ gia đình thuộc 8 xóm của các xã Thành Công (Phổ Yên); Bình Long (Võ Nhai); Bảo Lý (Phú Bình). Tổng số gia súc mắc bệnh là 75 con trâu, bò, 98 con lợn, trong đó đã tiêu huỷ 2 con nghé, 4 con trâu và 67 con lợn. Nhằm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh, ngày 29-12-2010, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị khẩn cấp chỉ đạo về công tác này; ngày 31-12-2010, tỉnh ta đã công bố dịch LMLM trên địa bàn huyện Võ Nhai; ngày 5-1, tiếp tục công bố dịch bệnh này trên địa bàn huyện Phổ Yên. Theo đó, một số biện pháp cấp bách để đối phó với dịch đã được triển khai như: thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương; 7 chốt cấp huyện; 2 đội kiểm tra liên ngành; 2 đội xung kích nhằm ngăn chặn việc bán chạy gia súc mắc bệnh; tổ chức được 5 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh LMLM; cấp 696 lít hoá chất Benco Cid cho các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Võ Nhai; thành lập 4 đội phun khử trùng...

Hiện nay, tỉnh ta vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc ra vào vùng có dịch; xác định địa điểm có dịch để khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, có người trực 24/24 giờ; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện 5 không (không dấu dịch; không mua bán gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc và tự ý vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh bừa bãi); tổ chức tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở về các biện pháp, kỹ thuật giám sát và phòng, chống dịch... Tại cuộc họp, các địa phương, các ngành cũng đã đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch bệnh với lãnh đạo tỉnh...
 
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các ngành chức năng, các huyện, thành, thị đã vào cuộc tích cực để đối phó với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, tại các cơ sở xã, xóm, cán bộ, cũng như người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Do đó, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành chức năng phải tiếp tục vào cuộc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật các cấp, Đội kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra tại cơ sở... không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng và phấn đấu dập tắt dịch trước Tết Nguyên đán. Cùng với đó, các huyện, thành, thị phải khẩn cấp thông báo diễn biến dịch bệnh đến các xã, thị trấn trên địa bàn.