Các địa phương tích cực chống rét cho gia súc

12:39, 12/01/2011

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp huyện Định Hóa, toàn huyện hiện có 14 nghìn con trâu và hơn 4 nghìn con bò, chủ yếu chăn thả tự do, tập trung tại các xã vùng cao như: Điềm Mặc, Lam Vỹ, Thanh Định, Quy Kỳ…

 

Để chủ động chống rét cho đàn gia súc trong đợt lạnh kéo dài hiện nay (có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 60c), UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ cho đàn gia súc. Cụ thể: chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với cán bộ các xã, thị trấn trực tiếp đến các gia đình chăn nuôi để hướng dẫn người dân cách thức vệ sinh chuồng trại, đốt lửa giữ ấm, che chắn gió và lót rơm rạ cho gia súc nằm; không thả rông trâu bò; bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc để tăng sức để kháng; đối với những con gia súc nhỏ và già yếu cần sử dụng chăn, bạt cũ choàng lên thân để chống rét. Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp với Trạm Thú y huyện mở nhiều buổi tập huấn tại các xã hướng dẫn nhân dân chủ động chống rét cho trâu bò…

 

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay, toàn bộ đàn trâu, bò của Định Hóa đã được nuôi nhốt tập trung, đảm bảo đủ ấm và nguồn thức ăn, chưa có trâu bò bị chết  rét.

 

* Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có 11.659 con trâu, 2.195 con bò, 60.713 con lợn và 630 nghìn con gia cầm. Dù đã trải qua 10 ngày giá rét nhất từ đầu mùa đông nhưng đến thời điểm này (ngày 12/1), đàn vật nuôi của huyện vẫn được đảm bảo.

 

Ngay từ đầu mùa rét, UBND huyện đã có sự chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; chỉ đạo Trạm Khuyến nông, Thú y và các xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi diến biến thời tiết, khí hậu để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; chỉ đạo các hộ nông dân tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lá lạc, sắn, bã mía... chế biến bằng phương pháp phơi khô, ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong vụ đông - xuân.

 

Do huyện Võ Nhai, Phú Bình và Phổ Yên đã xuất gia súc mắc bệnh lở mồm long móng (trong đó có huyện Phú Bình và Võ Nhai giáp ranh với Đồng Hỷ) nên huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tai xanh ở lợn; lở mồm, long móng ở gia súc và dịch cúm gia cầm.

 

* Tính đến ngày 12/1, trên địa bàn thành phố đã có 2 con nghé của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng và Trần Văn Vinh ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại này.

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết còn diễn biến phức tạp, để chủ động việc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiệt hại thấp nhất cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã, các đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền, kiểm tra các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn trâu, bò trên địa bàn; người chăn nuôi nên chủ động thức ăn thô xanh; tăng lượng thức ăn tinh trong khẩu phẩn ăn; nâng cấp chuồng trại, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, và chuyển đổi phương thức chăn nuôi, đặc biệt không thả rông trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C; khi có trâu, bò ốm, yếu cần cách ly, tăng cường vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng để hạn chế mầm bệnh lây lan rộng…