Cải cách thể chế hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

15:59, 04/01/2011

Cải cách hành chính là một trong các giải pháp hữu hiệu để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và sau một nhiệm kỳ đẩy mạnh công tác này, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả trên các mặt: Cải cách thể chế hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách hành chính công; hiện đại hoá nền cải cách hành chính bằng khoa học và công nghệ. Trong đó, cải cách thể chế hành chính được xem là khâu đột phá đầu tiên của các cấp, ngành trong tỉnh...

 

Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trong tỉnh phải đảm bảo đúng nguyên tắc, phù hợp với Hiến pháp,  các bộ Luật và văn bản quy phạm dưới luật của cơ quan Nhà nước - đó là yêu cầu không thể thiếu của cải cách thể chế hành chính. Ví dụ như văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh ban hành phải phù hợp với Nghị quyết của HĐND tỉnh về cả hình thức, nội dung và thẩm quyền. Trong giai đoạn 2001-2010, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành một lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật nhưng đều thực hiện dựa trên quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Để từng bước chuẩn hoá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Kết quả là trong 10 năm qua đã có 1.007 văn bản được kiểm tra, rà soát, bao gồm: 64 nghị quyết của HĐND tỉnh; 769 quyết định, 128 chỉ thị của UBND tỉnh; 46 công văn của UBND tỉnh có chứa nội dung quy phạm pháp luật. Qua rà soát, bộ phận chuyên môn đã tổng hợp được: 503 văn bản hết hiệu lực thi hành; 504 văn bản còn hiệu lực thi hành; số văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung là 156 văn bản; văn bản đề nghị thay thế là 128 văn bản; văn bản đề nghị bãi bỏ là 72. Đặc biệt, từ kết quả kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã phát hiện trong số 52 văn bản quy phạm pháp luật (51 quyết định và 1 chỉ thị của UBND tỉnh) ban hành trong năm 2008, năm 2009 có 4 văn bản nội dung không phù hợp về hiệu lực hồi tố, 1 văn bản cần được đính chính để làm rõ nội dung điều chỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Qua việc thường xuyên rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật sẽ phát hiện được những hạn chế, tồn tại để kê chỉnh cho phù hợp, giúp văn bản có khả năng thực thi. Đây cũng là cơ sở để cơ quan hành chính Nhà nước cấp dưới kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc huỷ bỏ các văn bản do cơ quan mình ban hành nay không còn phù hợp với công tác chỉ đạo, điều hành của cấp trên…

 

Về thủ tục hành chính, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã thực hiện tổng rà soát, loại bỏ các thủ tục rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây nhũng nhiễu với nhân dân. Đồng thời, xây dựng và niêm yết công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời gian giải quyết, lệ phí của các thủ tục hành chính tại bộ phận liên quan trực tiếp đến các tổ chức, người dân. Giai đoạn 2007-2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thống kê các thủ tục hành chính và ban hành Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính áp dụng tại 18 sở, ngành là 933 thủ tục hành chính; áp dụng tại UBND cấp huyện là 179 thủ tục hành chính; áp dụng tại UBND cấp xã là 103 thủ tục hành chính. Thực hiện giai đoạn II, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát được 1.210 thủ tục hành chính và đề nghị giữ nguyên là 625 thủ tục; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đơn giản hoá đối với 528 thủ tục… Sau khi có kết quả rà soát giai đoạn II, các cơ quan trong tỉnh đã niêm yết công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với một số lĩnh vực như: Cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán các công trình xây dựng (Sở Xây dựng); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp ưu đãi đầu tư, thẩm định dự án đầu tư trong nước và nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư); giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường); giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ và tuất từ trần cho người có công với cách mạng, cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, xét duyệt dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể, cấp giấy phép xây dựng, đất đai, đăng ký hộ khẩu, chứng thực, chính sách xã hội theo thẩm quyền (cấp huyện); xây dựng nhà ở, đất đai, hộ tịch, chứng thực (cấp xã).

 

Với một số giải pháp nêu trên, nền thể chế hành chính của tỉnh từng bước công khai, minh bạch, góp phần giúp cho sự điều hành, chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh đạt hiệu quả; các tổ chức, cá nhân khi đến làm việc với cơ quan nhà nước được thuận lợi, dễ dàng hơn…