Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại với ngành chăn nuôi, thủy sản, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và áp dụng mọi biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là trâu, bò, cá giống.
Các địa phương cần thành lập ngay các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống rét, đặc biệt là các huyện vùng cao, khu vực nhiều núi đá. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ; bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống rét, đói cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo quy định; báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy định và hướng dẫn của cấp trên; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã để phòng, chống và có các giải pháp kịp thời khôi phục phát triển chăn nuôi bền vững sau đợt rét kéo dài này.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính có kế hoạch bố trí ngân sách kịp thời để phục vụ cho công tác phòng, chống rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị chết, nhất là những hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.