Xuất hiện virus lùn sọc đen phương Nam trên cây ngô

14:55, 05/01/2011

Hiện nay, tại 4 xã của huyện Đồng Hỷ và Phổ Yên đã xuất hiện virus lùn sọc đen phương Nam trên cây ngô, với diện tích trên 17ha, tỷ lệ bệnh trung bình từ 2-5%.

 

Huyện Đồng Hỷ có diện tích nhiễm nhiều hơn với 16,75 ha, ở các xã: Minh Lập (4,5ha), Hoá Thượng (0,25ha) và Linh Sơn (12ha). Virus được phát hiện chủ yếu ở các giống ngô LVN 45, NK 4300, B 06, LVN 10, ngô nếp. Bệnh lùn sọc đen hại trên cây trồng là bệnh nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc trừ bệnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là rất quan trọng. Ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra đồng ruộng, thống kê nhanh diện tích cây ngô có biểu hiện triệu chứng của bệnh lùn sọc đen trên địa bàn, báo cáo nhanh về Chi cục.

 

Riêng đối với 2 huyện đã xuất hiện dịch bệnh, Chi cục yêu cầu phải hướng dẫn bà con nông dân thực hiện ngay các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh như: nhổ hết cây ngô bị bệnh, sau đó chôn vùi hoặc đốt; tiến hành kiểm tra tình hình rầy trên diện tích ngô bị bệnh, hướng dẫn bà con phun thuốc trừ rầy cho khu vực nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh; sau khi thu hoạch ngô, cần vệ sinh đồng ruộng, thu gom cây ngô, dọn sạch cỏ bờ ruộng, tàn dư thực vật để tiêu diệt nguồn bệnh; đối với những ruộng ngô bị hại nặng không có khả năng cho năng suất, cần tiêu huỷ cả ruộng bằng cách chặt bỏ, thu gom và tiêu huỷ tàn dư cây bệnh, trước khi tiêu huỷ phải phun thuốc trừ rầy nếu thấy có rầy lưng trắng; không gieo mạ trên những diện tích trồng ngô đông bị bệnh và xung quanh, gần những nơi có nguồn ánh sáng thu hút rầy vào ban đêm; xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học, sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy, thực hiện che ni lông cho mạ xuân...

 

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các loại rầy qua hệ thống bẫy đèn và điều tra thu thập rầy sống để giám định, làm cơ sở cho công tác phòng, trừ bệnh lùn sọc đen trên cây lúa vụ xuân. Được biết, năm 2010, virus lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện tại 3 huyện là Phú Lương, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên.