Vụ xuân 2011, huyện Định Hóa có gần 200ha đất nông nghiệp bị khô hạn không thể gieo cấy lúa do không chủ động được nước tưới. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, vấn đề về nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn là thách thức không nhỏ. Trước tình hình đó, ngay khi kết thục vụ mùa 2010, huyện đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để chủ động nước tưới, đảm bảo sản xuất đúng kế hoạch.
Vụ xuân năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch gieo cấy 3.600ha lúa, trong đó có khoảng 15% diện tích lúa lai. Nét mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện vụ này là thay đổi cơ cấu trà lúa và giống lúa theo hướng tăng tỷ lệ trà lúa xuân muộn để đối phó với tình trạng rét đậm, rét hại và tăng các giống lúa có khả năng cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon. Các biện pháp canh tác mới như: sử dụng các loại máy nông nghiệp, gieo mạ bằng khay, sạ mạ theo hàng bằng máy kéo... tiếp tục được huyện khuyến khích người dân áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất, công lao động và tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, một khó khăn không nhỏ trong vụ này là nguy cơ thiếu nước cao, một số diện tích sẽ không thể gieo cấy được hoặc gieo cấy nhưng không đủ nước để tưới dưỡng.
Theo báo cáo của Trạm Khai thác công trình thủy lợi huyện Định Hóa, toàn huyện hiện có 27 hồ chứa và 101 đập, kênh dẫn nước, có thể phục vụ tưới nước cho 3.357ha lúa và cây mầu. Phần diện tích cấy lúa còn lại trong kế hoạch người dân phải tự chủ động hoặc phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Điều đáng chú ý, một số công trình thủy lợi trọng điểm như: hồ Bảo Linh, hồ Bản Piềng, đập Bó Vàng, hồ Nà Tấc... có mực nước thấp, chỉ đảm bảo đủ nước cho việc cầy ải, cấy lúa và tưới dưỡng 1-2 lần. Một số hồ có khả năng cung cấp nước cho cả vụ nhưng với điều kiện phải có mưa sớm vào cuối vụ. Tình trạng hạn hán kéo dài trong năm nay cũng khiến cho lượng nước ở các sông, suối trên địa bàn bị hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống mương máng, kênh dẫn nước chưa đồng bộ cũng là những trở ngại không nhỏ để người dân chủ động nước tưới nông nghiệp.
Thời gian qua, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động tích trữ nước tại các hồ, đập và khu vực ruộng trũng, nạo vét hệ thống kênh mương và sử dụng nước tưới tiết kiệm cho cây trồng vụ đông. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng khuyến cáo người dân chuyển những diện tích khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây mầu và cây ngắn ngày như: ngô, đỗ, lạc, rau mầu các loại... Ông Ma Văn Lộc, Trưởng Trạm Khai thác các công trình thủy lợi huyện cho biết: Với nhiệm vụ được giao, trạm đã sớm xây dựng phương án bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân 2010- 2011. Theo đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức điều hành, phân phối và sử dụng nguồn tưới theo lịch, dẫn ép nguồn nước cho khu vực cuối mương máng và tận dụng triệt để nguồn nước từ các ao, hồ, sông, suối. Trong trường hợp các hồ đập xuống tới mực nước chết, không tháo được qua cống điều tiết sẽ sử dụng máy bơm để bơm nước vào hệ thống kênh mương.
Hiện nay, nhân dân trong huyện về cơ bản đã hoàn thành cày ải, chủ động nguồn giống, vật tư phân bón, chỉ chờ có nước để hoàn thiện khâu làm đất phục vụ cấy lúa và trồng mầu. Với những diện tích mạ gieo trước Tết Nguyên đán kém chất lượng hoặc bị chết do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, bà con đã chủ động nguồn giống để bổ sung bằng cách gieo sạ trực tiếp. Chị Nguyễn Thị Thanh, xóm Bình Định 2, xã Trung Lương chia sẻ: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi không lo nguồn nước do kênh mương Lê Lợi dẫn nước từ hồ Bảo Linh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đối với một vài thửa ruộng cao, gia đình tôi đã có kế hoạch chuyển sang trồng ngô lai".
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Việc chủ động động được nguồn nước tưới, vật tư nông nghiệp cùng với thời tiết ấm lên sau Tết Nguyên đán, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất vụ xuân đúng kế hoạch về diện tích và thời vụ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy vụ xuân trong thời gian từ nay đến đầu tháng 3.