Cho ý kiến vào các chương trình phát triển KT-XH

17:49, 28/03/2011

Trong 3 ngày từ 28 đến 30-3, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 3 để nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng. Dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Vụ địa phương Văn phòng TW Đảng, Ủy ban Kiểm tra TW, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào các báo cáo: đánh giá kết quả phát triển hạ tầng giao thông và tiến độ triển khai đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên; Đề án tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2011-2015; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề và Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2011-2015.

 

Sau khi nghe báo cáo của Ngành Giao thông về tiến độ triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội –Thái Nguyên và  tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: cần đề ra các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông phục vụ Festival trà Quốc tế. Có ý kiến cho rằng khi thực hiện một số dự án lớn, tỉnh phải quan tâm đặc biệt tới công tác quy hoạch phát triển giao thông.

 

Về Đề án tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW. Theo tinh thần của Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế của vùng Đông Bắc. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 37 tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

 

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí: việc tiếp tục triển khai nghị quyết này trong giai đoạn 2011-2015 là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương. Tuy nhiên, trong Đề án vẫn chưa đánh giá rõ nét sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 37 những chỉ tiêu cơ bản tỉnh đã thực hiện như thế nào, so sánh với các tỉnh trong khu vực. Đồng thời Đề án cần làm rõ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 5 năm tới; bổ sung những ý kiến kiến nghị đối với TW tiến hành tổng kết Nghị quyết và đề ra các nhóm giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 để Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng.

 

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Phạm Xuân Đương cho rằng: Trong Đề án cần đánh giá kỹ thực trạng, kết quả đóng góp của Thái Nguyên đối với vùng trong 7 năm qua. Phải nêu bật được những vấn đề trọng tâm đó là Thái Nguyên là trung tâm của công nghiệp luyện kim, trung tâm giáo dục, có năng lực về sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, tài chính ngân hàng…về những hạn chế trong quá trình thực hiện cần nhìn nhận sâu hơn đó là các nguồn lực của TW đầu tư trực tiếp còn hạn chế. Đề nghị Ban Chấp hành TW nâng thành nghị quyết của Ban Chấp hành TW để chỉ đạo các tỉnh trong vùng phối hợp đồng bộ trong thực hiện, trong đó quan tâm hơn nữa tới quy hoạch vùng.

 

Buổi chiều cùng ngày các đại biểu nghe lãnh đạo Sở Công thương trình bày Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2011 – 2015; Chương trình phát triển thương mại.

 

Đóng góp vào hai Chương trình, có ý kiến đề nghị cần bổ sung quan điểm phát triển đó là: tạo môi trường bình đẳng, thân thiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Đối với Chương trình phát triển thương mại, các đại biểu đề nghị cần phải xây dựng môi trường kinh doanh thương mại lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cần xây dựng thương hiệu cho ngành thương mại của Thái Nguyên.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: các chương trình xây dựng cần bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Phải dự báo được tình hình trong nước và quốc tế, từ đó có định hướng trong phát triển các ngành nghề của địa phương, nhằm phát huy lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp luyện kim, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ phần mềm… Cần rà soát và quản lý tốt quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật, ban hành các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Trong Chương trình phát triển thương mại cần bổ sung cả phần dịch vụ với quan điểm phát triển toàn diện, hội nhập quốc tế để thực hiện có hiệu quả lộ trình phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020.

 

Ngày mai (29/3), Hội nghị tiếp tục bàn thảo một số nội dung quan trọng khác.