Thực hiện kế hoạch giám sát về quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề và cơ sở nghề, chiều 8-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tiến hành giám sát đối với Sở Tài nguyên & Môi trường; Sở Công Thương. Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn. Cùng đi có đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện các sở, ngành và địa phương.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 160 làng có nghề, trong đó 32 làng đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề với các nhóm nghề chủ yếu như: chế biến chè, dệt thổ cẩm, vật liệu xây dựng, mây tre đan…. Các làng nghề đã tạo việc làm ổn định cho trên 26.000 lao động. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tăng từ 271 tỷ đồng năm 2005 lên 1.300 tỷ đồng năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 36,8%/năm. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn, trong đó có các làng nghề đã được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được triển khai hiệu quả, góp phần kiềm chế gia tăng ô nhiễm, nhất là việc giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng nguồn nước lưu vực sông Cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì các làng nghề trên địa bàn còn một số hạn chế như: chưa xác định được các khu vực làng nghề bị ô nhiễm; phần lớn các làng nghề, cơ sở nghề chưa lập cam kết và đề án bảo vệ môi trường; chưa xin cấp phép khai thác nước, xả nước thải và nộp phí bảo vệ môi trường; các làng nghề cũng chưa có đơn vị tổ chức thu gom, xử lý rác thải…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Văn Vượng ghi nhận các ý kiến đề xuất của các ngành, địa phương. Đồng chí nhấn mạnh vấn đề môi trường nói chung và môi trường tại các làng nghề nói riêng giữ vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, cần được sự quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ của tất cả các cấp, ngành và địa phương. Để bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ sở nghề, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng chí cũng đề nghị các ngành, địa phương sớm nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, xây dựng tiêu chí để công nhận các làng nghề; tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường…
Trước đó, Đoàn đã kiểm tra hai cơ sở chăn nuôi tại huyện Đồng Hỷ là Trại lợn giống Tân Thái và cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Khánh, xóm Làng Phan, xã Linh Sơn.