Các chính sách về tăng lương tối thiểu, chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, sử dụng hóa đơn điện tử, phí chứng khoán... có hiệu lực từ hôm nay (1/5).
Tăng lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng
Bắt đầu từ hôm nay (1/5/2011), mức lương tối thiểu chung được quy định là 830.000 đồng/tháng, tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức 730.000 đồng trước đó.
Theo Nghị định 22/2011/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung trên được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo hoạt động của Luật Doanh nghiệp.
Mức lương này cũng được dùng làm cơ sở để tính trợ cấp từ 1/5/2011 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ.
Theo Nghị định 23/2011/NĐ-CP, cũng kể từ 1/5/2011, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng thêm 13,7%, áp dụng cho 6 nhóm đối tượng.
Chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng
Theo Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác, kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết.
Thông tư cũng nêu rõ tổ chức tín dụng không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.
Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1/5/2012.
Tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác. Đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền phải tất toán chậm nhất là ngày 30/6/2011.
Tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu thêm 1%
Ngày 29/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 929/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn 14%/năm; lãi suất tái chiết khấu 13%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 14%/năm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/5.
Hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch
Từ ngày 1/5, Thông tư 03/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản có hiệu lực.
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là tổ chức tín dụng được giao thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Việc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện dưới hai hình thức: Cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.
Chính thức sử dụng hóa đơn điện tử
Ngày 14/3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được áp dụng từ ngày 1/5/2011.
HĐĐT gồm các loại hóa đơn xuất khẩu; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng; hoá đơn khác gồm tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…; phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trước khi sử dụng HĐĐT, tổ chức khởi tạo HĐĐT phải lập Thông báo phát hành HĐĐT gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Áp dụng mức phí môi giới chứng khoán mới
Theo Thông tư 38/2011/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 29/3, phí môi giới mua, bán chứng khoán (áp dụng cho cả chứng khoán đăng ký giao dịch tại UPCOM) đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ mà các công ty chứng khoán thu là từ 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch, với trái phiếu là 0,02% đến 0,1% giá trị giao dịch.
Ngoài mức phí trên, Thông tư 38/2011/TT-BTC cũng quy định mức phí bảo lãnh phát hành mà các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại được thu là từ 0,5% đến 2% tổng giá trị bảo lãnh phát hành đối với cổ phiếu.
Còn với các công ty quản lý quỹ chỉ được thu tối đa 2%/giá trị vốn uỷ thác bình quân/năm đối với phí quản lý danh mục đầu tư và tối đa 2%/giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) hoặc giá trị tài sản ròng của danh mục/năm với phí quản lý quỹ đầu tư.