Việt Nam tích cực tham gia cuộc chiến toàn cầu phòng, chống AIDS

09:54, 28/05/2011

Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nỗ lực toàn cầu trong phòng, chống AIDS.

 

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì cuộc gặp mặt báo chí với nội dung “Việt Nam và Cuộc họp cấp cao 2011 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về AIDS”.

 

Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm Nguyễn Quốc Triệu, đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc cơ quan UNAIDS  (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS tại Việt Nam)…

 

Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức từ ngày 8-10/6/2011. Đây là cuộc họp lần thứ 3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kể từ Cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức cách đây 10 năm; là sự kiện toàn cầu mang tính bước ngoặt, thảo luận và đề ra phương hướng cho phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn tiếp theo.

 

Năm 2011 đánh dấu 30 năm kể từ khi phát hiện ca AIDS đầu tiên, 10 năm kể từ Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS với kết quả là bản Tuyên bố cam kết và đánh dấu 5 năm từ khi toàn thế giới cam kết thực hiện tiếp cận phổ cập tại cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2006.

 

 Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn dầu sẽ tham dự Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Phó Thủ tướng là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương tham dự sự kiện này.

 

Việt Nam kiềm chế được AIDS

 

Cho biết một số kết quả chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, đến nay Việt Nam đã kiềm chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ, hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS.

 

Số người nhiễm HIV/AIDS phát hiện được đã có xu hướng giảm liên tiếp trong 3 năm gần đây, số người tử vong do HIV/AIDS đã liên tục giảm kể từ năm 2005. Năm 2010 đã đạt được mục tiêu quốc gia khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3 %.

 

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nỗ lực toàn cầu trong phòng, chống AIDS.

 

“Việc tham dự Hội nghị  vì cả một phong trào đang hối thúc các quốc gia trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói.

 

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đã triển khai điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone ở một số địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… và bước đầu đã đạt được những kết quả rất khả quan, góp phần quan trọng vào việc điều trị cai nghiện, giảm thiểu lây nhiễm HIV.

 

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, hiện nay có rất nhiều các tổ chức quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 

“Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự huy động tổng thể các nguồn lực, Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu từng bước ngăn chặn và đẩy lùi HIV/AIDS ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói.

 

Tiêm chích ma túy gây lây nhiễm HIV cao nhất

 

Trước câu hỏi của phóng viên báo chí về thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV, ông Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu giảm lây nhiễm HIV qua các con đường chính mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra vào năm 2015, như giảm 50% lây truyền HIV qua quan hệ tình dục; không để lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; giảm lây nhiễm qua đường tiêm chích.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Long, thách thức lớn nhất của Việt Nam vẫn là giảm lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy, bởi nhóm đối tượng này luôn biến động và là nhóm hiện có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở nước ta.