Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, lúa mùa sớm đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng, lúa mùa trung giai đoạn đẻ nhánh, lúa mùa muộn (Bao Thai) đang cấy. Theo đó, diễn biến sâu bệnh trên lúa mùa khá phức tạp.
Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh dự báo: Trong thời gian tới, sâu non lứa 5 sẽ nở rộ từ ngày 3 đến 10-8, gây hại trên diện rộng ở trà lúa mùa sớm, mùa trung của các huyện Phổ Yên, Phú Bình, T.X Sông Công; bướm lứa 5 sẽ nở rộ từ ngày 3 đến 10-8, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 10 đến 16-8, gây hại trên trà lúa mùa sớm của các huyện phía Bắc.
Để phòng, trừ sâu bệnh kịp thời cho lúa mùa, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ Thực vật các huyện, thành, thị phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả. Ở các huyện phía Nam, phun thuốc trừ sâu từ ngày 3 đến 10-8, ở các huyện phía Bắc phun thuốc từ ngày 10 đến 16-8. Cụ thể, giai đoạn lúa làm đòng phun thuốc cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên; giai đoạn lúa đẻ nhánh phun thuốc cho những nơi có mật độ sâu từ 50 con/m2 trở lên; những ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 100 con/m2, bắt buộc phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3-4 ngày. Các loại thuốc sử dụng phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hiệu quả là Padan 95SP, Virtako 40WG, Regent 800WG, Finico 800WG, Dylan 2EC…
Không chỉ nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, lúa mùa còn bị nhiễm nhẹ các loại bệnh hại như sâu đục thân và rầy nâu, rầy lưng trắng, tập trung ở các huyện Phổ Yên, Phú Bình và T.X Sông Công. Tỷ lệ nhiễm bệnh sâu đục thân trung bình 0,5%/dảnh, nơi cao 1,5 đến 2%/dảnh; mật độ rầy trung bình khoảng 100 con/m2. Tuy mức độ nhiễm bệnh nhẹ, nhưng Chi cục cũng đã chỉ đạo các Trạm Bảo vệ Thực vật tích cực theo dõi để làm tốt công tác dự thính, dự báo để hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời.