Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn

22:39, 07/07/2011

Đã nhiều lần đến xứ Nghệ, xuôi dòng sông Lam tìm về Nam Đàn, mảnh đất sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - bậc vĩ nhân kiệt xuất của nhân loại, vị "cha già" của dân tộc Việt Nam, song đối với những người làm báo Đảng chúng tôi lần này có ý nghĩa rất đặc biệt, đó là báo công dâng lên Bác Hồ kính yêu những thành quả lớn lao mà tập thể cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phấn đấu trong suốt quá trình xây dựng trưởng thành gần 50 năm qua.

Xứ Nghệ, hai tiếng thiêng liêng ấy đã từ lâu là lời mời gọi, mong mỏi của du khách muôn phương khi muốn tìm đến vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Thời tiết những ngày đầu tháng 7 ở Nghệ An thật biết chiều lòng người. Bầu trời trong xanh đến lạ kỳ. Những dải nắng vàng óng, lấp lánh bao phủ lên cả vùng Núi Đụn, sông Lam và trải rộng khắp xứ Nghệ thân thương. Du khách hành hương về đây cũng cảm nhận được sự diệu kỳ và khác biệt đến khó ngờ này khi đến xứ Nghệ vào đầu mùa mưa bão. Chúng tôi về Làng Sen, Nam Đàn trong mạch âm hưởng thiêng liêng của những ngày lễ trọng đại: Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 30 năm tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen. Và ý nghĩa nhất với chúng tôi là hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Báo Thái Nguyên.

Lên xe, tất cả chúng tôi lại cùng hát vang: "Con từ Thái Nguyên đến đây xứ Nghệ. Con về đất Mẹ thăm nhà Bác đó, như ở chiến khu xưa là Việt Bắc. Hát mãi tên người Bác Hồ Chí Minh…"

Địa điểm mà Đoàn đặt chân đầu tiên trong chuyến hành trình về thăm quê Bác chính là làng Kim Liên (còn gọi là Làng Sen), quê nội của Bác. Đã từ lâu, mảnh đất này trở thành quê chung của mỗi người dân Việt Nam và mỗi lần đặt chân đến đây chúng ta lại càng thêm yêu quê hương, Tổ quốc mình, yêu con người Việt Nam anh dũng, kiên cường. Sau những lần như thế nỗi nhớ Bác Hồ dường như lại trào dâng và da diết hơn trong tâm khảm mỗi chúng ta. Với lòng thành kính của những người con đến từ mảnh đất ATK lịch sử, nơi từng ghi dấu những năm tháng Bác Hồ, TW Đảng, Chính phủ sống, làm việc và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, chúng tôi kính dâng lên Người những đoá hoa tươi thắm và thành tâm thắp nén nhang trầm thơm ngát tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quần thể khu di tích Kim Liên. Trước Anh linh Người, thay mặt anh chị em cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Bí thư Đảng bộ, Tổng Biên tập đã báo công dâng lên Bác Hồ kính yêu những thành quả mà tập thể cán bộ, phóng viên đã nỗ lực phấn đấu trong suốt chặng đường gần 50 năm qua: “Từ khi ra đời đến nay, Báo Thái Nguyên đã trưởng thành cả về đội ngũ lẫn số lượng kỳ phát hành và số lượng báo phát hành mỗi kỳ. Hiện tại Báo đã đổi mới rất nhiều về nội dung, hình thức với công nghệ sản xuất hiện đại, cập nhật thông tin kịp thời. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Báo đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, 2 Cờ thi đua của Chính phủ cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác… Tiếp bước thế hệ cha, anh, trước anh linh Người chúng con xin hứa đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tiếp tục phấn đấu cho tâm sáng, trí bền, lòng trong, bút sắc, xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trên tư tưởng, văn hoá của Đảng, là nhịp cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên thăm nhà Bác ở Làng Sen

 

 

Men theo lối nhỏ dọc hai bên bờ ao sen sát cạnh khu trung tâm của quần thể di tích Kim Liên, chúng tôi đến thăm ngôi nhà Bác ở thời niên thiếu. Mùa này, sen trắng, sen hồng đua nhau nở, toả hương thơm ngào ngạt tô điểm thêm vẻ đẹp thuần khiết của làng quê Kim Liên.

“Chiều chiều ra đứng cồn sen

Bạch liên trắng bạch, hồng liên đỏ hồng”

- Bỗng nhiên chúng tôi lại nhớ đến hai câu ca dao đó và thấy trong lòng ấm áp, thư thái hơn trước cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây.

Vẫn vòm cổng và hàng rào râm bụt nở hoa đỏ rực năm xưa, vẫn nếp nhà lá đơn sơ, giản dị, nơi Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sinh ra và lớn lên. Dường như mỗi lần đến thăm nơi này chúng tôi lại có thêm những cảm nhận mới, thiêng liêng và thấm đẫm xúc cảm về một vùng quê đã sinh ra bậc vĩ nhân của thế giới. Bác đã từng lớn lên trên vùng đất nghèo khó, nhưng can trường và hiếu học này. Trước vận mệnh sống còn của Tổ quốc, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, để rồi mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.

Nếp nhà Bác ở năm xưa giờ đây ngày nào cũng đông vui con cháu trên mọi miền Tổ quốc cùng nhiều du khách nước ngoài đến thăm viếng. Hôm nay cũng vậy, hoà chung không khí đó chúng tôi xếp thành hàng ngay ngắn nối nhau vào thăm nhà Bác. Ai ai cũng xúc động và bày tỏ cảm xúc của mình. Ông An Văn Thành, du khách đến từ tỉnh Hải Dương rưng rưng: Tôi vô cùng hãnh diện và tự hào vì từng được khoác lên mình chiếc áo “lính cụ Hồ”. Đây là lần thứ 5 tôi đến thăm quê Người. Lần nào tôi cũng xúc động, nhớ Người da diết không cầm nổi nước mắt. Nói rồi giọng ông như nghẹn lại. Đối với ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên thì được trông coi, gìn giữ và quản lý di tích quê Bác là một vinh dự và trách nhiệm lớn. Ông rất vui mừng khi khu di tích ngày càng được đón nhiều đoàn khách đến thăm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống với các thế hệ con cháu, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Hòa cùng dòng người đến thăm Khu di tích mộ thân mấu Bác Hồ

 

 

Một địa điểm không thể không tới thăm trên mảnh đất địa linh này chính là Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn. Thật là phấn khởi khi đầu tháng 6 vừa qua, Khu di tích này đã được khánh thành sau một thời gian tôn tạo, làm mới, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đông đảo những người con đất Việt. Khu mộ có diện tích 65,2ha gồm các hạng mục như: Cổng đón, cổng kết cùng hệ thống các chòi nghỉ và bậc thang đá lên xuống. Phần mộ được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, bên ngoài ốp đá hoa cương và đá cẩm thạch, phần trên mộ xây theo hình khung cửi cách điệu, phía sau là bức phù điêu bằng đá trắng khắc hoạ những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà. Đoàn của chúng tôi đã thành kính dâng hoa và thắp nhang tưởng nhớ đến những người đã khuất tại phần mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội Hồ Chủ tịch) và mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong cùng khuôn viên khu di tích.

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên trò chuyện với các chiến sĩ Đảo Ngư

 

 

Cũng trong chuyến vô thăm xứ Nghệ đầy ý nghĩa này, với tinh thần hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc và tấm lòng của những người làm báo Đảng tỉnh nhà với cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm phải chống chọi với sóng to, bão dữ để giữ vững chủ quyền lãnh hải đất nước, chúng tôi đã có buổi ra thăm, tặng quà và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) tại Đảo Ngư, hòn đảo có độ cao 133m so với mực nước biển. Đây là hòn đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước. Nơi đây đang được quy hoạch trở thành điểm du lịch biển lý thú, được ví như hòn ngọc thứ hai của Việt Nam sau Vinpearl-Khánh Hoà.

Đến thăm xứ Nghệ lần này, đối với chúng tôi quả thực có rất nhiều ý nghĩa. Được thăm lại những di tích, di vật, đọc những dòng lưu niệm về Bác và gia đình của Người, một lần nữa chúng tôi lại có dịp hiểu thêm về công lao trời biển của Người. Từ đó hun đúc thêm tinh thần, sức mạnh cho những người làm báo Đảng chúng tôi có thêm nhiều ý chí và nghị lực, quyết tâm và lòng dũng cảm để có thể tạo ra những tác phẩm báo chí hay phục vụ bạn đọc xa gần, nhất là những tác phẩm viết về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước tươi đẹp như Người từng mong ước.