TNĐT: Từ ngày 18 đến 20-7 diễn ra kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi đến kỳ họp này. TNĐT xin giới thiệu cùng bạn đọc
* Đề nghị giải quyết nhanh chế độ theo Quyết định 142
(Ông Nguyễn Bá Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Lương)
Nhằm tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chăm sóc những người có công, Chính phủ đã có Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Ngay sau khi có hướng dẫn, huyện Phú Lương đã chỉ đạo các xã phát tờ khai cho các đối tượng, sau đó hướng dẫn họ cách viết, cách khai. Theo số liệu khảo sát ban đầu và số lượng thực tế phát sinh là toàn huyện có 2.370 đối tượng. Trong đó, hưởng theo trợ cấp hằng tháng là 15 trường hợp, trợ cấp một lần là 2.355 đối tượng.
Đến nay, huyện đã trao chế độ cho 1.689 người, với tổng số tiền là 7.545.900.000 đồng, còn lại 678 trường hợp đã có hồ sơ nhưng chưa có quyết định hưởng chế độ. Trên thực tế, những người tham gia kháng chiến chống Mỹ đều đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, thậm chí có những trường hợp đã qua đời. Do vậy, đề nghị các cấp, ngành sớm có quyết định trao chế độ cho các đối tượng còn lại nhằm quan tâm kịp thời đến những người đã đóng góp công lao trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, sớm có hướng dẫn chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đối tượng có trên 15 năm công tác trong quân đội không có giấy tờ gốc và đối tượng có trên 15 năm công tác trong quân đội nhưng nay đã hưởng hưu xã.
* Đề nghị cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở khu Bãi Xả
(Cử tri Trương Tiến Lai, xóm Vinh Quang 1, xã Vinh Sơn, T.X Sông Công)
Năm 1991, Nông trường Bắc Sơn (Phổ Yên) giao khoán gần 34 ha đất (trên diện tích thường gọi là khu Bãi Xả) cho 27 hộ là công nhân của Nông trường quản lý, sử dụng. Năm 2003, tất cả các hộ sinh sống trên diện tích 34ha trên được bàn giao cho xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) quản lý về nhân khẩu. Đến nay, sau 20 năm, tổng số hộ dân sinh sống tại khu Bãi Xả đã tăng lên tới gần 50 hộ. Với diện tích đất được giao trước đây thì mỗi hộ ít nhất cũng có từ 3 nghìn m2 đất trở lên. Diện tích đất rộng như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phát triển kinh tế trang trại.
Tuy nhiên, đã 20 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài nên không thể yên tâm làm ăn, sinh sống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thể thế chấp đất để vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Ngoài ra, các hộ dân ở đây cũng không được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất, cụ thể: trên 1,5km đường giao thông chạy qua xóm chưa được làm kiên cố vì không được hưởng chính sách hỗ trợ làm đường bê tông của Thị xã; chưa được mua điện trực tiếp của Điện lực Sông Công và phải mua điện qua công-tơ tổng với chi phí đắt gấp từ 2 đến 3 lần so với các hộ được mua điện trực tiếp…
Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng xem xét, cấp quyền sử dụng đất lâu dài, hỗ trợ làm đường bê tông và xoá bán điện qua công-tơ tổng để chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và tích cực đóng góp cho địa phương.
* Cần có cơ chế phân cấp quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa
(Ông Trần Doãn Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa)
Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh và 109 di tích chưa xếp hạng. Trong số này, nhiều di tích đã được đầu tư tôn tạo, phuc dựng khang trang cho tương xứng với tầm vóc của lịch sử, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của người dân. Tuy vậy, tôi nhận thấy cơ chế phân cấp quản lý và bảo vệ các di tích này còn chưa hợp lý. Một số các di tích đã xếp hạng được giao cho tỉnh và các cơ quan cấp trên quản lý, bảo vệ.
Do ở xa, lại thiếu nhân lực nên các di tích này không thường xuyên được phát dọn, tu sửa dẫn đến tình trạng bị xâm hại, xuống cấp. Có thể kể ra một số trường hợp như: Di tích nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu); Khu di tích hội trường nhà 8 mái (xã Trung Lương)… Theo tôi, các cơ quan chức năng nên giao cho chính quyền cơ sở nơi có di tích chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng về văn hóa và chính quyền địa phương để cùng tôn tạo, bảo vệ và khai thác. Với các điểm di tích chưa được xếp hạng, cần sớm được thống kê, thẩm định để đánh giá, xếp hạng, qua đó xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ hợp lý.
* Có chính sách đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất
(Ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh, xã hội huyện Phú Bình)
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, huyện Phú Bình giải phóng hàng chục ha đất để thực hiện các dự án và xây dựng các công trình công cộng. Điều này đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều hộ dân lại đang phải đối mặt với tình trạng “thất nghiệp” do không còn hoặc còn rất ít đất sản xuất. Bởi vậy, nhu cầu được đào tạo nghề trong người dân ngày càng lớn, đặc biệt là những người ở độ tuổi lao động. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ, mỗi năm, Phú Bình chỉ được cấp kinh phí trên 200 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để đào tạo nghề cho 110 lao động. So với nhu cầu thực tế, số lượng này mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Một khó khăn nữa là giải quyết việc làm sau đào tạo. Do trên địa bàn huyện hiện có rất ít các cơ sở sản xuất nên người lao động muốn tìm được việc làm thì phải đi xa. Trong khi đó, mức thu nhập ở hầu hết các khu, cụm công nghiệp đều rất thấp, không có khả năng tích lũy nên nhiều người sau đó đã phải bỏ việc; một số khác thì lại do quá tuổi (ngoài 35 tuổi) nên cũng không có cơ hội tìm được việc làm…
Tôi đề nghị, Nhà nước cần tăng cường nguồn kinh phí để các địa phương có điều kiện đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo. Cũng cần có cơ chế ưu tiên đối với những đối tượng bị thu hồi đất đã ngoài 35 tuổi vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trực tiếp xây dựng dự án trên phần đất của chính các hộ dân này…
* Nên tăng mức phí vệ sinh môi trường để cải thiện đời sống công nhân
(Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Đình phùng, T.P Thái Nguyên)
Tôi được tiếp nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội vệ sinh môi trường (VSMT) của phường Phan Đình Phùng từ năm 2009, quản lý 17 công nhân phụ trách vệ sinh ở 40 tổ dân phố thuộc khu vực Phường. Trong quá trình làm công tác quản lý tôi thấy, việc thu phí VSMT cho các đối tượng theo quy định hiện hành nên điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Tôi xin lấy ví dụ: Nếu tính tổng thu phí VSMT trong 2 năm (2009 -2010) của phường Phan Đình Phùng là trên 300 triệu đồng, trong đó, 10% trích lại để trả cho người thu phí trực tiếp; 10% nộp ngân sách Nhà nước; còn 80% để chi trả cho các hoạt động như: lương công nhân; chi sửa chữa, mua phương tiện (xe vận chuyển rác), các vật dụng quét rác; trang thiết bị bảo hộ cho công nhân (ủng, gang tay, áo mưa chuyên dụng có phản quang). Ngoài ra, còn đóng bảo hiểm y tế, chi thăm hỏi công nhân khi có việc hiếu, hỷ; tổ chức đi tham quan nghỉ mát, tặng quà động viên người lao động nhân dịp lễ, tết….
Với nguồn kinh phí hạn hẹp trên làm cho Phường chưa biết làm cách nào để cải thiện đời sống cho đội ngũ công nhân làm công tác VSMT. Vì chị em đa phần là hộ nghèo, có nhiều người hoàn cảnh rất éo le. Mặc dù Phường đã có nhiều cố gắng để nâng mức lương cho chị em từ 800 nghìn đồng (năm 2009) lên 900 nghìn đồng (năm 2010) và từ đầu năm 2011 đến lên 1 triệu đồng/người/tháng - là mức cao nhất so với các phường khác trong khu vực thành phố - nhưng với giá cả các mặt hàng lên cao như hiện nay thì mức lương trên không cải thiện cho người lao động là bao. Bên cạnh đó, mọi chi phí để sửa chữa phương tiện vận chuyển cũng tăng. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn, tỉnh nên quan tâm hơn nữa đến những người làm công tác VSMT bằng việc tăng thu phí VSMT để các phường có điều kiện tăng thêm thu nhập cho công nhân và mua sắm, sửa chữa phương tiện làm việc phục vụ cho công việc tốt hơn. Đồng thời, mức thu phí đối với các cửa hàng, nhà hàng lớn cần tính mức thu phí phù hợp hơn, không nên để một mức thu như hiện nay. Đây cũng là cách để tăng nguồn thu phí VSMT sát với thực tế.
* Nâng phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông là hợp lý
(ông Lục Văn Hun, Đội trưởng Đội Bảo vệ Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên)
Mỗi ngày, tại các điểm trông giữ xe của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên nhận trông giữ hàng nghìn lượt ô tô, xe máy, xe đạp của những người đến thăm khám tại bệnh viện. Mức phí trông giữ xe cũng được chúng tôi thực hiện nghiêm túc theo giá đã được in trên vé do Cục Thuế tỉnh cấp. Theo đó, mức phí đối với mỗi lượt xe đạp, xe máy, ô tô dưới 12 chỗ ngồi, ô tô trên 12 chỗ ngồi lần lượt là: 500 đồng, 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng. Tiền thu phí được phân bổ thành nhiều khoản khác nhau bù các chi phí, trong đó có 20% tiền thuế, còn lại là các khoản chi phí mua vé, tiền điện nước, nhân công…
Thời gian qua, giả cả các mặt hàng tăng cao, mức phí trên khó có thể bù được các khoản chi. Do vậy, việc nâng mức phí trông giữ phương tiện giao thông lên mức 1.000 đồng/lượt với xe đạp; 2.000 đồng/lượt với xe máy; 10.000 đồng/lượt với xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi và 15.000 đồng/lượt với xe ô tô trên 12 chỗ ngồi là hợp lý, không ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân.
Cùng với việc nâng mức phí, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết, đồng thời tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tự ý nâng mức phí cao hơn so với quy định.