Ngày 27/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (ĐBQHTN) do đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (UVBTVTU) làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách người có công (CSNCC) tại huyện Đồng Hỷ.
Tham dự còn có đồng chí Phan Văn Tường, UVBTVTTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đại diện HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Đồng Hỷ và các ban, ngành liên quan của huyện; đại diện các hộ gia đình chính sách.
Hiện nay, huyện Đồng Hỷ đang quản lý và chi trả cho 1.724 đối tượng CSNCC. Huyện đang thực hiện chi trả cho 442 thương binh, 119 bệnh binh; 6.189 người hoạt động kháng chiến (HĐKC), được tặng thưởng Huân, Huy chương; thực hiện khám chữa bệnh cho hơn 900 người và hỗ trợ mai táng phí kịp thời khi người HĐKC từ trần; giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần và các chế độ khác cho 22 người HĐKC bị địch bắt tù đầy. Trong 4 năm trở lại đây, thực hiện mua và cấp phát gần 7.400 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân đi khám chữa bệnh. Ngoài ra, còn thực hiện chi trả cho các đối tượng CSNCC; xây nhà tình nghĩa, chăm sóc gia đình thương bệnh binh… Từ đó đã phần nào giúp các gia đình có công và thân nhân họ cải thiện cuộc sống; tạo niềm tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số trường hợp chưa được giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân. Trong đó, đối tượng là cán bộ tiền khởi nghĩa còn 13 trường hợp chưa được nhận hỗ trợ cải thiện nhà ở (HTCTN) do chết trước thời hạn, đến nay con được hưởng nhưng vẫn chưa hỗ trợ; người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) còn tồn đọng 74 trường hợp… Nguyên nhân chủ yếu vẫn các đối tượng là thương binh thiếu thủ tục ban đầu, giấy tờ trước đây không đủ căn cứ do khách quan (dấu, chữ ký); hoặc những nạn nhân CĐHH chưa được hưởng chinh sách do liên quan đến mốc thời gian, quy định các loại bệnh tật còn khắt khe, trong khi di chứng kéo dài; việc giải quyết chế độ giữa các đối tượng chưa công bằng.
Đây là những vấn đề các ý kiến đại diện các hộ thương binh, CĐHH đã nêu tại cuộc giám sát và đề nghị Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng giải quyết cho các đối tượng trên không bị thiệt thòi. Các ý kiến đều mong muốn: Những trường hợp còn tồn đọng, các cấp, ngành chức năng cần nhanh chóng giải quyết đảm bảo sự công bằng. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, đồng bộ, sát thực tế; một số xã năng lực cán bộ bất cập, nên việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để giải quyết các vướng mắc còn hạn chế… Qua đó, huyện đã đề nghị với TW cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và ban hành danh mục bệnh tật dị dạng của người HĐKC bị nhiễm CĐHH; cần có chế độ cho con các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH; sớm xử lý những trường hợp làm man trá hồ sơ để hưởng chế độ CĐHH. Đối với tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm những hồ sơ còn tồn đọng; giải quyết HTCTN cho con người HĐKC; các ngành chức năng cần có văn bản hướng dẫn và có sự phối hợp để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng để làm căn cứ cho cơ sở triển khai thực hiện không vướng mắc…
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các đối tượng và lãnh đạo huyện để đề xuất đến cấp chức năng giải quyết.