Sáng nay (27/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Lễ khai mạc Đại hội (ĐH) Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong không khí trang trọng.
Đến dự có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCSVN; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thi đua Khen thưởng TƯ; đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và 1500 đại biểu về từ khắp mọi miền đất nước.
Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật ý nghĩa của ĐH Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII là ngày hội lớn của các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua. 1500 đại biểu về dự ĐH hôm nay là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua của cả nước.
Phát huy truyền thống thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, 62 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chung sức đồng lòng làm nên những thắng lợi của cách mạng VN qua các thời kỳ.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, công tác thi đua khen thưởng bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn. Những năm qua, phong trào gắn liền với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, đưa đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và ngày càng bền vững
Từ ĐH Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, công tác thi đua khen thưởng trong cả nước tiếp tục phát triển, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ĐH lần thứ 8 có nhiệm vụ đánh giá phong trào thi đua yêu nước và kết quả thực hiện chính sách khen thưởng của Nhà nước trong 5 năm qua. ĐH cũng là dịp tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu nhất của phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát động phong trào học tập các tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong phạm vi cả nước, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
ĐH cũng sẽ đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thi đua, khen thưởng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng giai đoạn 2011-2015
Sau diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đã trình bày báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2006-2010. Theo đánh giá chung, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy, động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy được sức sáng tạo, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành động lực, biện pháp quản lý hữu hiệu, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua và khen thưởng đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.
Tổ chức bộ máy và cán bộ thi đua, khen thưởng đã từng bước được kiện toàn, củng cố; đến nay mặc dù còn thiếu về cán bộ nhưng 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ban Thi đua - Khen thưởng (trực thuộc Sở Nội vụ), 35/67 các bộ, ban, ngành, Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể trung ương có cấp Vụ (Ban, phòng) Thi đua, khen thưởng; đa số đơn vị cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh bố trí được 1 cán bộ chuyên trách, số đơn vị còn lại phân công cán bộ kiêm nhiệm.
Đội ngũ cán bộ thi đua, khen thưởng đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; tham mưu cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải đáp những kiến nghị của công dân về chế độ, chính sách khen thưởng đã có những cố gắng tích cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng còn bộc lộ một số nhược điểm và hạn chế như mặc dù phong trào thi đua được các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, song mới tập trung ở khối các cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước.
Phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào. Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có bước đổi mới về nội dung, tiêu chí thi đua song, còn lúng túng về phương thức hoạt động và bộc lộ những hạn chế trong quản lý, tổ chức các phong trào thi đua.
Chất lượng thẩm định các hình thức khen thưởng cấp nhà nước tuy có được nâng lên, nhưng không ít các Bộ, ngành, địa phương vận dụng và đề nghị mức khen thưởng chưa theo đúng các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định của Chính phủ, tạo sự thiếu thống nhất trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong bình xét và suy tôn các danh hiệu thi đua còn biểu hiện nể nang, cào bằng, tỷ lệ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp còn cao, không phù hợp với thực tế và không đảm bảo tính tiêu biểu.
Giai đoạn 2011-2015 tới sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011–2020). Theo tinh thần đó, công tác thi đua, khen thưởng phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạnh to lớn của toàn dân tộc, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: "5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có bước tiến bộ rõ rệt; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm để sớm đề ra được các giải pháp khắc phục. Với tinh thần thi đua, đổi mới, ĐH chúng ta biểu thị tinh thần quyết tâm, phấn đấu đưa công tác thi đua, khen thưởng phát triển lên một tầm cao mới”.