Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y nhận định: Dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) ở đàn gia súc đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nay, Chi cục Thú ý tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Được biết, ổ dịch LMLM đầu tiên được phát hiện trong năm nay vào ngày 27/12. Nơi phát hiện đầu tiên là hộ ông Nguyễn Văn Giảng, ở xóm An Long, xã Bình Long (Võ Nhai). Tiếp đó, ngày 28/12, một ổ dịch mới lại được phát hiện tại gia đình ông Hoàng Văn Bằng, ở xóm An Bình, xã Thành Công (Phổ Yên). Đến thời điểm này, dịch bệnh đã lây lan ra 34 hộ, của 4 xóm thuộc 2 xã trong tỉnh với tổng số 36 con trâu, bò và 25 con lợn mắc bệnh. Nguyên nhân xảy ra dịch LMLM được xác định là do việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc từ các địa phương khác vào địa bàn chưa được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, do tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin LMLM tại các xã có dịch đạt thấp hơn so với tổng đàn và sự chủ quan, lơ là của người chăn nuôi đã khiến cho dịch bệnh xuất hiện.
Ngay sau khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y đã triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng ổ dịch. Đồng thời, đề nghị các xã thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu các hộ chăn nuôi gia súc không chăn thả trâu, bò, nếu phát hiện trâu, bò ốm cần phải báo ngay cho lực lượng thú y để có biện pháp phòng, chống kịp thời; tuyệt đối không mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ốm ra khỏi vùng dịch; thường xuyên tổng vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi gia súc và đường làng ngõ xóm; thực hiện ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi; không được bán chạy, giết mổ trâu, bò, lợn ốm; thành lập tổ kiểm tra lưu động (gồm công an, dân quân, thú y) nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình giết mổ, buôn bán gia súc trong vùng có dịch; thống kê toàn bộ số gia súc trên địa bàn các xã có dịch và những xã giáp ranh để chủ động triển khai tiêm phòng vắc - xin bao vây ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều ngày 29/12, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị khẩn cấp chỉ đạo phòng, chống bệnh LMLM cho đàn gia súc trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó nêu rõ: Sở Nông nghiệp và PTNT phải phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc tại những vùng có dịch; huyện Võ Nhai và Phổ Yên triển khai ngay phương án phòng, chống dịch bệnh, trước mắt huy động ngay ngân sách dự phòng phục vụ công tác chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi; nếu địa phương nào không làm tốt công tác phòng, chống dịch, để dịch lây lan do phát hiện muộn, không dập dịch kịp thời thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Cũng như các tỉnh bạn, một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM hiện nay của tỉnh ta là tình trạng khan hiếm vắc–xin tiêm phòng bệnh LMLM. Ông Phạm Văn Quế, một hộ dân ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ), nơi tiếp giáp với huyện Phổ Yên lo lắng: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết dịch LMLM đã xuất hiện tại Phổ Yên. Tôi muốn có vắc–xin để tiêm phòng bệnh LMLM bổ sung cho đàn lợn con của gia đình. Tuy nhiên, không biết lúc nào, tỉnh ta mới tiếp tục có vắc – xin để cung cấp cho người dân? Lo lắng của ông Quế cũng là lo lắng của rất nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc trong tỉnh.
Dịch bệnh LMLM xuất hiện chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đây là lần thứ 2 trong năm 2010, người dân phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Cách đây hơn 8 tháng, dịch tai xanh trên đàn lợn đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi của tỉnh ta bị ảnh hưởng và ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người dân. Do đó, để chủ động đối phó với dịch bệnh LMLM gia súc, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan thì người dân trong tỉnh cũng phải nêu cao tinh thần tự giác và chủ động mọi biện pháp phòng, chống để dịch bệnh không lan ra các địa bàn lân cận.