5 điều không nói quá nhiều khi trả lời phỏng vấn

TNĐT 09:47, 02/08/2024

Trả lời phỏng vấn quyết định phần lớn đến khả năng được tuyển dụng của ứng viên. Một số nội dung bạn sẽ cần tập trung chia sẻ nhiều, nói sâu để nhà tuyển dụng hiểu hơn về năng lực hay những ưu điểm của bạn. Nhưng cũng có những vấn đề bạn không nên nói quá nhiều khi được hỏi đến, thậm chí nói sâu sẽ làm xấu đi ấn tượng của nhà tuyển dụng dành cho bạn, điển hình là 5 điều sau. 

 

Sở thích cá nhân

Sở thích, đam mê của bạn là điều bạn cần chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn với các công ty tuyển dụng có lượng thời gian quý giá, nhà tuyển dụng không quá quan tâm đến sở thích. Đó chỉ như là một thông tin phụ có tác dụng tham khảo, góp phần thêm để đánh giá bạn có thích hợp với công việc hay không. Vì vậy, khi được hỏi về sở thích, đam mê bạn nên chọn những điều có liên quan đến vị trí ứng tuyển và trình bày một cách ngắn gọn.  

 

Thất bại hoặc thành công của bản thân

Có thể khi ứng tuyển công việc hiện tại, bạn đã làm việc và có nhiều trải nghiệm gồm cả thất bại và thành công. Thất bại giúp bạn có thêm kinh nghiệm, học hỏi được nhiều thứ và trưởng thành hơn; thành công giúp bạn nâng cấp bản thân lên tầm cao hơn, tự tin và bạn tự hào vì những trải nghiệm đáng quý đó. Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn, bạn nên hạn chế nói quá nhiều về thất bại hay thành công của bản thân. Lí do là nó như một “con dao hai lưỡi”, nếu bạn không biết sử dụng sẽ “cứa” ngược lại bạn một cách vô hình.
Nói quá nhiều về thành công bạn sẽ dễ bị rơi vào tình trạng khoe khoang thậm chí bị coi là khoác lác. Ngược lại nói về thất bại nhiều giống như việc bạn tự vạch trần điểm yếu của mình và nhấn mạnh vào nó, khiến bạn yếu hơn trước các đối thủ khác. Điều này sẽ tạo ấn tượng tiêu cực với nhà tuyển dụng, khiến họ hoài nghi về năng lực của bạn. 

 

Môi trường làm việc ở công ty cũ

Các câu bắt đầu như: ở công ty cũ của tôi/ sếp cũ của tôi/ ngày xưa em làm ở chỗ cũ thế này thế kia… vô tình tạo ra một không khí phỏng vấn không được thoải mái.

Nếu bạn nhắc về công ty cũ với những lời ngợi khen, kể ra những điều tốt thì nhà tuyển dụng sẽ thắc mắc: công ty cũ tốt như vậy thì tại sao bạn phải nghỉ việc? bạn rời đi vì lí do gì, bạn bị buộc cho nghỉ việc hay bạn vẫn chưa hài lòng với công ty cũ và chủ động nghỉ, liệu bạn đòi hỏi ở công việc mới này như thế nào và có gắn bó lâu dài?. 

Trong trường hợp bạn nói nhiều về chỗ làm cũ với những lời tiêu cực thì chắc chắn nhà tuyển dụng không đánh giá cao về bạn. Ví dụ bạn kể lể về sếp cũ, đồng nghiệp cũ, môi trường làm việc hay công việc ở đó không hài lòng… Tất cả những điều này nói lên thái độ tiêu cực của bạn và không có nhà tuyển dụng nào chấp nhận một nhân viên hay phàn nàn và thiếu lòng biết ơn cơ bản.

Mục tiêu trong tương lai

Nếu bạn có mục tiêu và mục tiêu đó có liên quan đến công việc hiện tại thì có thể đề cập trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên bạn nên lưu ý chỉ chia sẻ ở mức độ vừa đủ. Nhà tuyển dụng đôi khi đặt ra câu hỏi về mục tiêu chỉ để ngầm xem xét liệu bạn có khả năng gắn bó lâu dài với công ty hay không. 

Thay vì nói nhiều về mục tiêu – dự định chưa xảy ra và chưa đạt được, bạn nên dành thời gian chia sẻ sâu hơn về kỹ năng hoặc kinh nghiệm trong công việc thì cuộc phỏng vấn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Các mối quan hệ 

Một số ứng viên nghĩ rằng nói nhiều về các mối quan hệ xã hội mà họ xây dựng được sẽ giúp “nâng tầm” bản thân hơn khi đi phỏng vấn. “Tôi quen thân với anh A là chủ tịch công ty X …” hay “Chị C là đối tác/ khách hàng trước đây của tôi…”… là điều bạn không nên nói đến. Bởi, thực tế nhà tuyển dụng không quá quan tâm đến các mối quan hệ xung quanh ứng viên. Họ có xu hướng tập trung vào chính bản thân ứng viên đó với các tiêu chí như kỹ năng, chuyên môn và thái độ làm việc thay vì những yếu tố “hành lang”. Do vậy nếu kể quá nhiều về các mối quan hệ như một cách khoe khoang sẽ làm hình ảnh bạn xấu đi trong mắt nhà tuyển dụng và làm mất thời gian để chia sẻ những điều quan trọng hơn trong cuộc phỏng vấn.

Kỹ năng trả lời phỏng vấn quyết định ấn tượng và đánh giá của nhà tuyển dụng về ứng viên. Vì vậy, bạn nên tập trung chia sẻ những vấn đề có giá trị; hạn chế nói nhiều về những nội dung ít được quan tâm như đã đề cập ở trên. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn được kết quả như ý trong cuộc phỏng vấn sắp tới.