Từ một nông dân có số vốn ít ỏi cùng với tấm bằng sơ cấp chăn nuôi thú y, nhưng nhờ chăm chỉ và dám chấp nhận rủi ro, bà Nguyễn Thị Cương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình) đã trở thành tỷ phú nhờ mô hình ấp nở gia cầm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Cương còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều hộ dân trong vùng cùng phát triển kinh tế.
Trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Cương (người bên trái) hiện đang nuôi 26.000 con gà. |
Chúng tôi đến tham quan trang trại của bà Cương vào đúng lúc gia đình đang hoàn thiện việc mở rộng chuồng nuôi, lò ấp gia cầm. Bà Cương cho biết: Đến nay, gia đình đã "đổ" vào trang trại hàng tỷ đồng vốn đầu tư, lợi nhuận trung bình trong 5 năm trở lại đây đạt xấp xỉ 7 tỷ đồng. Trang trại đang có 26.000 con gà, trong đó có 10.000 gà mái đẻ, 16.000 gà hậu bị; 12 lò ấp, công suất 18.000 quả/ lò. Cứ hai ngày, trang trại xuất từ 3.500-4.500 con gà giống ra thị trường các tỉnh phía Bắc.
Nhớ lại thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà Cương kể: Lúc đó, việc tiêu thụ con giống rất khó khăn, gia đình tôi rất hoang mang bởi gà thì vẫn phải cho ăn, mà hàng lại không bán được. Với 7.000 con gà, trung bình mỗi ngày cho ra 4.000 trứng. "Giữ đàn hay bán thanh lý sớm? Cho gà ăn đủ hay giảm khẩu phần?" Là những câu hỏi mà tôi phải cân nhắc, tính toán.
Thế rồi, bà quyết định giảm sản lượng trứng cho vào lò ấp, một phần rút trứng lộn, một phần bán trứng trắng. Để bán trứng gà, bà Cương liên hệ để cung cấp hàng cho các nhà máy của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và một số công ty ở Khu công nghiệp Điềm Thụy. Trong 2 năm dịch COVID-19, để duy trì sản xuất, gia đình bà Cương phải tận dụng mọi nguồn vốn từ người thân, bạn bè và vay ngân hàng. Trong khi các hộ ấp nở con giống chọn giống gà Ta lò để sản xuất, thì bà Cương lại kiên quyết gắn bó với giống gà lai Hồ. Đây là giống gà được lai giữa bố là gà Hồ và gà mẹ Lương Phượng. Giống gà này dễ nuôi, mẫu mã đẹp, nhanh lớn, sau khoảng 100 ngày cho trọng lượng từ 2,5-2,8kg/con.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, từ năm 2017 đến nay, trang trại của bà Cương đã xuất bán ra thị trường khoảng 8,5 triệu quả trứng và 6,8 triệu con gia cầm. Đặc biệt, trang trại của bà là một trong những cơ sở tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. Điều này đã giúp tỷ lệ trứng nở đạt từ 85-95%, cao hơn từ 15-20% so với cách phối giống truyền thống.
Anh Bùi Văn Ngần, lao động tại trang trại của bà Cương, chia sẻ: Tôi làm việc tại đây đến nay đã được 10 năm. Công việc vừa sức lại có mức thu nhập ổn định với mức 10 triệu đồng/tháng. Tôi xác định gắn bó lâu dài với công việc. Hiện, ngoài tôi, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và trên 30 lao động thời vụ, chủ yếu là người địa phương, với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà liên tục từ năm 2017 đến nay, bà Cương còn hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, con giống cho nhiều hộ dân trong vùng, với trị giá trên 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Là hộ được nhận sự hỗ trợ của bà Cương, ông Nguyễn Văn Thực, ở cùng xóm Việt Ninh, phấn khởi: Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng sau đó được bà Cương giúp đỡ về con giống, cách chăm sóc, cách phòng dịch bệnh, hỗ trợ thức ăn, tôi đã phát triển đàn gà của gia đình lên hơn 1.000 con. Thu nhập nhờ vậy cũng tăng đáng kể.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình, đánh giá: Gia đình bà Cương là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Với những nỗ lực của bản thân và đóng góp cho cộng đồng, bà đã 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được công nhận là Nông dân xuất sắc toàn quốc. Hiện, Hội Nông dân tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất để Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với hội viên Nguyễn Thị Cương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin