Chuyển đổi số (CĐS), phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp. Chủ động tham gia CĐS giúp phụ nữ bắt kịp xu hướng mới, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chị Dương Bảo Ngọc (thứ 2 từ bên trái) giới thiệu trang bán hàng thương mại điện tử của mình cho các hội viên phụ nữ. |
Tận dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok, Shopee..., chị Dương Bảo Ngọc ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã phát triển thành công cơ sở may mặc, gia công quần áo. Cơ sở hiện áp dụng hình thức kinh doanh chủ yếu là bán hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử; đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng. Cơ sở của chị Ngọc tạo việc làm cho 20 chị em với mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Ngọc chia sẻ: Tôi lựa chọn hình thức bán hàng online vì gần như không mất chi phí, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Nhờ tận dụng triệt để các nền tảng online mà có những thời điểm cơ sở của tôi xuất đi cả nghìn đơn hàng mỗi ngày.
Cũng như chị Ngọc, chị Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Hợp tác xã trà Thái Minh, xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), cho hay: Thông qua việc bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website, Facebook, sàn thương mại điện tử..., Hợp tác xã đã tận dụng được cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kênh tiêu thụ phù hợp. Vì thế, 2 năm qua tuy dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Hợp tác xã vẫn kinh doanh ổn định...
Có thể thấy, CĐS và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, công cụ hữu dụng giúp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm... Vì vậy, việc trang bị cho phụ nữ các kiến thức và kỹ năng số cơ bản sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh, kết nối, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong giai đoạn hiện nay.
Để đẩy mạnh CĐS trong phụ nữ, tạo ra phong trào CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh... Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về CĐS.
Các đơn vị trực thuộc, tổ chức thành viên và hội LHPN cấp cơ sở đã lập được các trang Facebook và website giúp hội viên tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời hơn. Đã có gần 26 nghìn phụ nữ được tiếp cận kiến thức về CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội; có 4 nghìn cán bộ, hội viên là thành viên của hơn 2 nghìn tổ công nghệ số cộng đồng.
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, tập huấn cho hội viên về khởi sự kinh doanh, năng lực quản lý, hỗ trợ và tiếp cận các chính sách; tham gia các hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp; nâng cao nhận thức về CĐS...
Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngày càng đa dạng và hiệu quả. Hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng được 511 mô hình phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về công nghệ số cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin