Phản ứng của Mỹ về ý tưởng đưa lực lượng NATO tới Ukraine của Pháp

Theo TTXVN 08:40, 28/03/2024

Dẫn nguồn tin trong Chính phủ Mỹ, trang tin Bloomberg cho biết giới chức Washington đã bất bình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau khi ông cho rằng để ngăn Nga chiến thắng, có thể cần đến lực lượng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine.

NATO chưa có sự đồng thuận về việc trực tiếp đưa quân tới chiến trường Ukraine
 
NATO chưa đạt được sự thỏa thuận về việc trực tiếp đưa quân tới chiến trường Ukraine

Sau cuộc họp tại Paris vào cuối tháng 2, ông Macron nói rằng các thành viên NATO không thể loại trừ bất cứ điều gì, kể cả việc triển khai bộ binh tới Ukraine. Tổng thống Pháp dự đoán thay đổi theo hướng có lợi cho lựa chọn đó có thể xảy ra trong tương lai.

Sau đó, ông lập luận rằng Chính phủ Nga nên tính đến mức độ ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.

Tuyên bố của ông Macron đã gây ra làn sóng phản đối từ lãnh đạo các nước thành viên NATO. Một số nhà lãnh đạo khẳng định họ không có kế hoạch điều quân tới Ukraine.

Bloomberg cho biết trong các cuộc thảo luận nội bộ của NATO, một số người đã lập luận rằng phát biểu này có thể gây ra hiệu ứng ngược. Cụ thể, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Washington dường như lo ngại tuyên bố của ông Macron có thể châm ngòi xung đột với Nga. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 8/3 nhắc lại tuyên bố không quốc gia nào thực sự muốn có mặt trên thực địa ở Ukraine. Ông cho rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này nên dừng lại.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết việc triển khai quân tới Ukraine là quyết định có chủ quyền của các nước thứ ba, song cả Mỹ và NATO trước đó đều nói rõ rằng họ không có kế hoạch đó.

“Đó là một quyết định có chủ quyền mà mọi đồng minh NATO sẽ phải tự đưa ra. Tổng thống Joe Biden đã nói rõ ràng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột rằng sẽ không có binh sĩ Mỹ nào đóng vai trò chiến đấu ở Ukraine”, ông Kirby nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: “Những gì đã được thỏa thuận ngay từ đầu giữa chúng ta sẽ được áp dụng trong tương lai, cụ thể là các nước châu Âu hoặc thành viên NATO sẽ không điều bất cứ binh sĩ nào đến Ukraine”.

Các nguồn tin của Bloomberg nhận định động thái của nhà lãnh đạo Pháp có thể chưa sáng suốt, xét từ góc độ an ninh tác chiến, vì một số quốc gia phương Tây đã có một số lượng nhỏ binh sĩ ở Ukraine. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ là bí mật mở.

Thủ tướng Đức Scholz đã giải thích việc từ chối gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine bằng cách nói rằng không giống như Anh và Pháp, Đức chưa sẵn sàng cử binh sĩ đến giúp Ukraine phóng loại vũ khí này.

Moskva cho rằng cuộc xung đột Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu nhằm vào mình. Các quốc gia phương Tây đã thừa nhận cung cấp thông tin mục tiêu và hỗ trợ lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự của Ukraine. Các nhà lãnh đạo Nga cũng bác bỏ lập trường của phương Tây rằng Kiev tự đưa ra quyết định về cách tiến hành chiến sự. Giới chức Điện Kremlin cho biết Ukraine quá phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài nên không thể hành động độc lập.