KỲ HỌP THỨ TƯ, QUỐC HỘI KHÓA XV:
Đẩy mạnh phân cấp, phòng ngừa sai phạm trong thanh tra

Theo nhandan.vn 13:57, 25/10/2022

Sáng 25-10, báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đa số các đại biểu tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo 3 cấp hành chính như hiện nay trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm ngay từ cơ sở.

Quang cảnh phiên họp sáng 25-10 tại Hội trường Diên Hồng.
Quang cảnh phiên họp sáng 25-10 tại Hội trường Diên Hồng.

Bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, tại Kỳ họp trước, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trình bày tờ trình, dự thảo Luật được thảo luận tại tổ và hội trường và cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu giải trình gửi đại biểu Quốc hội. Thời gian qua, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Giải trình về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay, gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện để bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với thanh tra cấp huyện.

Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.

Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động thanh tra và quy định rõ việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với dự thảo kết luận các cuộc thanh tra liên quan đến an ninh quốc phòng, các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp, thì cơ quan thanh tra phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến của thủ trưởng cơ quan nhà quản lý nhà nước cung cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

Về thanh tra Sở, dự thảo Luật đã quy định rõ các trường hợp được thành lập thanh tra Sở. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn; đồng thời góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng các địa phương Sở nào cũng có thanh tra nhưng không bảo đảm biên chế cho tổ chức và hoạt động thanh tra.

Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vào cuối Kỳ họp thứ tư

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua các ý kiến phát biểu của Quốc hội cho thấy, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Ý kiến của các đại biểu cũng đã phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể, thể hiện sự nghiên cứu rất cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm, góp ý cụ thể, trí tuệ, thẳng thắn vào nhiều nội dung, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức, của hoạt động hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, đồng bộ giữa các hoạt động thanh tra với nhau và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán và các hoạt động quản lý nhà nước khác.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận bằng văn của các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối Kỳ họp này.