Sáng 24-5, tại TP. Việt Trì (Phú Thọ), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ ba.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng. |
Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Hội đồng điều phối vùng) được thành lập theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch. Hội đồng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía Bắc. |
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg, ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo các sở, ngành của Thái Nguyên tham dự Hội nghị. |
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Mục tiêu tổng quát là phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có khung kết cấu hạ tầng cơ bản kết nối nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng Bắc Trung Bộ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản, xanh, tuần hoàn; kinh tế cửa khẩu, du lịch… Phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.
Lãnh đạo các sở, ngành của Thái Nguyên tham dự Hội nghị. |
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân đạt 8,5-9,0%/năm; quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12-13%, công nghiệp, xây dựng chiếm 45-46% và dịch vụ chiếm 37-38%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 140 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng kinh tế số chiếm 20%-30% tổng sản phẩm vùng (GRDP)… Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5-8,0 %/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 15.000-18.000 USD…
Theo quy hoạch vùng, tỉnh Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng quan trọng của toàn vùng. Cùng với Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên là khu vực động lực phát triển, là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng, với định hướng phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn; phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, có bước đột phá, phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Ngoài ra, Thái Nguyên cũng được quy hoạch trở thành trung tâm chế biến chè; trung tâm thể dục - thể thao; trung tâm nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao của toàn vùng. Khu vực Hồ Núi Cốc được đưa vào danh mục các địa điểm phát triển thành Khu du lịch Quốc gia; Khu xử lý chất thải sông Công, TP. Sông Công, với quy mô khoảng 40ha được quy hoạch là khu xử lý chất thải cấp vùng… Về định hướng phát triển đô thị, TP. Thái Nguyên được quy hoạch là một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng và vùng Thủ đô Hà Nội; có vai trò kết nối, hỗ trợ và lan tỏa sự phát triển từ vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa và đào tạo lao động chất lượng cao của vùng. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tham luận tại Hội nghị. |
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi, định hướng quy hoạch cho Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư mang tính chiến lược, bền vững. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng nêu một số đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả Quy hoạch vùng, như: Tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông kết nối các tỉnh giáp ranh; nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hoàn thành các dự án quan trọng của vùng theo Quy hoạch đã được phê duyệt; sớm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng phát biểu. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận Hội nghị. |
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị thành viên Hội đồng, lãnh đạo bộ, ngành và địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo động lực phát triển vùng; điều phối trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của vùng, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin