Trở lại Lam Vỹ

10:36, 28/01/2022

Những ngày cuối năm Tân Sửu, chúng tôi về xã Lam Vỹ (Định Hóa) gặp nhiều người dân đi chợ phiên sắm Tết. Hàng hóa từ các đồ điện tử, nội thất đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nông sản phong phú. Trong xã, những con đường bê tông mới đổ uốn lượn vào tận nhà dân, nhiều ngôi nhà mới xây như nổi bật hơn giữa những tán rừng keo, mỡ, vạt chè  xanh ngắt chờ ngày thu hoạch...

Đồng chí Ma Thị Đồng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lam Vỹ nhanh nhẹn mở lời: Lam Vỹ có nhiều thay đổi so với 5 năm trước, nổi bật nhất là ở Cà Đơ… Tôi hiểu ý của chị Đồng, bởi lâu nay Cà Đơ được nhắc đến nhiều vì đây là xóm người Dao cách xa trung tâm xã, nằm cheo leo trên núi, đường đi lại, đời sống của bà con rất khó khăn.

Nhớ cách đây 5 năm, tôi vào Cà Đơ, trên đường đi ngã dậm dụi bởi đường dốc trơn. Nhưng nay đường cũ đã được thay bằng đường bê tông mới dài 2,5km, uốn lượn quanh các sườn núi. Sau 20 năm sinh sống ở vùng đất này, đây là niềm vui lớn thứ hai của người dân (kể từ lần được đóng điện lưới quốc gia đầu năm 2015).

Anh Triệu Văn Đạo, người dân Cà Đơ bảo: Vui lắm, bao nhiêu năm chúng tôi mong mỏi, ngóng trông nay được thỏa ước nguyện, giờ bà con chỉ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành.

Cà Đơ được hình thành từ năm 1994 khi có vài hộ dân đầu tiên từ huyện Tràng Định (Lạng Sơn) về đây sinh sống, đến nay có 16 hộ dân. Trước là một xóm nhỏ, nay Cà Đơ được sáp nhập vào xóm Bình Sơn.

Những ngày đầu, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sự quan tâm của Nhà nước: Đầu tư mở điểm trường cho học sinh, xây dựng đường điện lưới quốc gia và mới đây là đổ đường bê tông… nên cuộc sống của các hộ dân đã thay đổi.

Nhiều hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã vươn lên có kinh tế khá như gia đình anh Triệu Văn Tới, từ 2ha rừng, 1 mẫu ruộng, 3 ao thả cá nay đã sắm được xe máy, tủ lạnh, ti vi và lo 3 người con ăn học; gia đình anh Triệu Văn Tiến, Triệu Văn Chung phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê kết hợp trồng rừng.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Trưởng xóm Bình Sơn cho biết: Với 50ha rừng được giao khoán từ trước, nay xóm đã họp bàn, thống nhất phân chia để đảm bảo ai cũng có đất rừng sản xuất nên nhiều người hăng say lao động hơn. Cùng với đó, bà con cũng phát triển chăn nuôi thủy sản, gà, vịt, lợn để từng bước cải thiện cuộc sống.

Là xã miền núi, cách trung tâm huyện Định Hóa 12km về phía Bắc, Lam Vỹ hiện có trên 1.115 hộ với hơn 4.200 nhân khẩu, gần 90% người dân là dân tộc thiểu số.

Đây là xã vùng sâu, vùng xa, có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt đan xen với những ruộng đồng, khe suối. Nghề nghiệp của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế, dân trí không đồng đều. Điều này khiến công tác chỉ đạo, lãnh đạo về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, trở lại Lam Vỹ lần này, chúng tôi được nghe nhiều về những nét mới. Đó là chuyện cây lúa và một số cây lương thực diện tích gieo trồng có giảm nhưng năng suất, sản lượng tăng từ 4-5 tạ/ha so với 5 năm trước; diện tích chè trồng mới tăng 4ha nâng tổng số diện tích chè toàn xã lên 13ha. Tại xóm Làng Háng và Văn La, người dân đang bắt đầu triển khai mô hình cánh đồng một giống…

Đặc biệt, việc trồng rừng sản xuất ngày càng được người dân chú trọng. Trong năm, diện tích trồng rừng mới của toàn xã đạt trên 204ha/100ha, chủ yếu là các loại cây keo, mỡ, bạch đàn. Công tác kiểm tra khai thác và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc.

Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, chế biến lâm sản có sự phát triển cả về quy mô và loại hình, khối lượng hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ, thương mại đạt 26 tỷ đồng (năm 2016) nay tăng lên 31 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, người dân đã có tư duy mới trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên.

Về xây dựng cơ bản, trong giai đoạn 2016 – 2020, xã đã huy động mọi nguồn lực với trên 67 tỷ đồng, xây dựng được 53 công trình, vận động nhân dân hiến 16.154m2 đất, cán bộ và nhân dân đóng góp, đối ứng trên 3 tỷ đồng. Riêng năm 2021, xã huy động đầu tư  thực hiện 7 công trình đường, điện, nổi bật là đường Cà Đơ và đường giao thông về các xóm Văn La 1, Văn La 2, đường liên gia với tổng chiều dài hơn 8km.

Đồng chí Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: Dẫu có nhiều đổi mới, song so với bình quân chung toàn huyện, Lam Vỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn xã có 278 hộ nghèo, chiếm hơn 24%, 224 hộ cận nghèo, chiếm hơn 20%. Thời gian tới, xã sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế, chú trọng nuôi trồng thủy sản; khuyến khích phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp; trồng rừng gỗ lớn; huy động mọi nguồn lực để lồng ghép xây dựng nông thôn mới...