Kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII

09:16, 18/06/2013

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XII, UBND tỉnh đã nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc nhiều lĩnh vực: Chế độ, chính sách xã hội; văn hóa - giáo dục - y tế; tài nguyên và môi trường, quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư xây dựng cơ bản; nông nghiệp, phát triển nông thôn; nội chính và một số lĩnh vực khác. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu, xem xét và đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước, của địa phương và điều kiện cụ thể của tỉnh để giải quyết; đồng thời có kế hoạch và giải pháp thực hiện những kiến nghị đó. Để kịp thời phục vụ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII (tổ chức cuối tháng 7 tới), Báo Thái Nguyên điện tử lược đăng Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII.

 

I. Nhóm ý kiến về chế độ, chính sách xã hội:

 

1. Cử tri các phường trên địa bàn T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc dành quỹ đất và ưu tiên đầu tư xây dựng nhà văn hóa tại các khu dân cư để đảm bảo cho các hoạt động chung của cộng đồng.

Trả lời:

Việc dành quỹ đất cho các hoạt động chung của cộng đồng và đặc biệt là quỹ đất để xây dựng Nhà văn hoá tại các khu dân cư là một trong những nội dung trong việc phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, cụ thể tại Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 tỉnh đã phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020, trong đó bao gồm tiêu chí xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, xóm.

Căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu sử dụng đất xây dựng nhà văn hoá và đảm bảo diện tích đất xây dựng nhà văn hoá theo đúng quy định, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xem xét, cập nhật diện tích đất xây dựng nhà văn hoá vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); đồng thời, khi quy hoạch xây dựng các khu dân cư, khu đô thị phải dành quỹ đất cho xây dựng Nhà văn hoá.

2. Cử tri ngành Y tế, cử tri các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa đề nghị tỉnh cần có chế độ ưu đãi, thu hút đội ngũ giáo viên, đội ngũ y bác sỹ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hiện nay. Nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật, thực hiện tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ y tế đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn hiện nay để họ yên tâm công tác.

Trả lời:

* Về chế độ ưu đãi, thu hút đối với đội ngũ giáo viên, y bác sĩ nói riêng và đội cán bộ công chức, viên chức nói chung: Ngày 24-9-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 1237-QĐ/TU ban hành quy định về “Cơ chế ưu đãi đặc thù đối với người tốt nghiệp thủ khoa đại học, tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc và người có trình độ cao tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên". Căn cứ vào khoản 5, Điều 9, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký nhu cầu về số lượng, ngành nghề cần thu hút trước ngày 31/12 hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh để ra thông báo danh mục ngành, nghề tỉnh cần thu hút để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

* Việc tuyển dụng vào Viên chức đối với đội ngũ cán bộ y tế hiện đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn: Hiện nay Luật viên chức và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện có liên quan đã quy định rõ đối với các trường hợp như ý kiến, kiến nghị của cử tri; trường hợp có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức được xem xét thực hiện theo phương thức xét tuyển đặc cách.

3. Cử tri huyện Phú Bình, huyện Định Hóa, huyện Đồng Hỷ, thị xã Sông Công và T.P Thái Nguyên đề nghị HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thông báo kịp thời kết quả giải quyết đối với các trường hợp dừng trợ cấp để kiểm tra.

Trả lời:

Về các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1/9/2012.

- Ngày 17/9/2012 Cục Người có công có công văn số 3282/LĐTBXH-NCC hướng dẫn việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; ngày 26/9/2012 ngành Lao động - TBXH của tỉnh đã có văn bản số 1473/LĐTBXH-NCC triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, gửi các huyện, thành phố thị xã trên địa bàn tỉnh.

- Ngày 09/4/2013 Chính phủ đã có Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2013. Như vậy, việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng chính sách ưu đãi người có công sẽ được tiếp tục thực hiện khi văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Nghị định được ban hành.

- Về việc thông báo kịp thời kết quả giải quyết đối với các trường hợp dừng trợ cấp để kiểm tra. UBND tỉnh có ý kiến sau: Trong quá trình kiểm tra, rà soát hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, một số trường hợp do giấy tờ, tài liệu gốc phải qua giám định của Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh. Do vậy việc thông báo kết quả đến đối tượng phụ thuộc vào kết luận của Cơ quan Công an.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm: Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Nguyên đã xử lý hình sự, bắt tạm giam, khởi tố điều tra, truy tố xét xử đối với một số đối tượng mua bán giấy tờ giả liên quan đến chế độ chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Điển hình tại bản án số 03/2013/HSST ngày 22/1/2013 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Quyết định tuyên bố bị cáo Hà Tiến Mạnh 03 năm tù và Đoàn Đức Lai 18 tháng tù cho hưởng án treo, đều phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động- TBXH tham mưu ban hành Quyết định cắt và thu hồi trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với 173 trường hợp.

3.1 Cử tri huyện Phú Bình cũng phản ánh việc tặng quà cho thương binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ trong dịp 27/7 được thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên đề nghị bổ sung đối tượng thăm hỏi vợ liệt sỹ; việc tìm hài cốt liệt sỹ mang về quê hương chưa được thống nhất, đề nghị tỉnh quan tâm.

Trả lời:

- Ngày 2/7/2012 Chủ tịch nước có Quyết định số 948/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp ngày thương binh, liệt sỹ; Ngày 10/7/2012 Cục người có công có văn bản số 692/NCC-KHTC hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước nhân dịp ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7/2012, tại Mục 2, khoản II, Điều 1 của Quyết định quy định “Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sỹ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ) là một đại diện duy nhất trong toàn bộ thân nhân chủ yếu còn sống được nhận 01 suất quà”. Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn đối với việc tặng quà cho Thương binh, thân nhân của liệt sỹ.

- Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được quy định tại Thông tư số 14/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/5/2009 của Bộ Lao động- TBXH- Bộ Tài chính quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ; việc di chuyển hài cốt liệt sỹ được quy đinh tại Thông tư số 01/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 29/1/2008 hướng dẫn thủ tục và mức hỗ trợ thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sỹ.

Trên cơ sở những hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định này.

4. Cử tri các địa phương trong tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, tăng mức phụ cấp đối với Phó Công an, Phó Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã vì hiện nay mức phụ cấp quá thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Quan tâm triển khai thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với Trưởng Công an xã có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên.

Trả lời:

* Việc đề nghị tăng phụ cấp đối với chức danh Phó Công an xã, Phó chỉ huy trưởng Quân sự: Tại khoản 1, Điều 14, Nghị định số 92/2009/NĐ- CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định: "Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định với mức không vượt quá 1,0 mức lương tối thiểu chung". Hiện nay HĐND tỉnh đã quy định mức phụ cấp cho chức danh Phó trưởng Công an xã và Phó Chỉ huy trưởng Quân sự là 1,0 mức lương tối thiểu chung, mức cao nhất theo khung quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, ngày 08/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ- CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, trong đó phân cấp cho HĐND tỉnh quy định số lượng chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách trên cơ sở tổng khoán quỹ phụ cấp do Chính phủ quy định. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét quyết định số lượng chức danh và mức phụ cấp cụ thể đối với những người hoạt động không chuyên trách, trong đó có chức danh Phó Công an xã, Phó chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã.

* Đối với Trưởng công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh Công an xã: Tại khoản 9, Điều 18, Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ Công an đã quy định: "Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về Công an xã; tham mưu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về các vấn đề có liên quan đến tổ chức, hoạt động và các chế độ, chính sách cho Công an xã;...". Vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện chế độ chính sách đối với Công an xã theo quy định tại Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ.

5. Cử tri huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình, huyện Định Hóa, thị xã Sông Công đề nghị tỉnh có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế và tăng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm, bản, tổ dân phố; Quyết định mức hỗ trợ hoạt động cho Chi hội Trưởng chi hội Người cao tuổi, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hội đặc thù cấp xã.

Trả lời:

5.1 Về đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế: Tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của liên Bộ Nội vụ, Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, quy định: “…những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT”.

Theo quy định trên cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Song đến nay mới có huyện Đại Từ, huyện Võ Nhai thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng này. Để thực hiện đúng chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện ngay việc đăng ký tham gia BHYT cho các đối tượng là cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, bản, tổ dân phố: Theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010, người hoạt động không chuyên trách ở xóm, bản, tổ dân phố không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, do vậy đối tượng này có thể tham gia BHYT theo hình thức khác như BHYT tự nguyện.

5.2. Về đề nghị tăng mức phụ cấp.

* Về phụ cấp đối với Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi: Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính- Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 15, khóa XI, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày 16/02/2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có chủ tịch Hội người cao tuổi cấp xã. Việc quy định này đã được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở hướng dẫn của Liên Bộ cũng như mức độ tương quan nội bộ đối với đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố; phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Thời gian thực hiện được hơn 02 năm, do vậy để tăng mức phụ cấp và quyết định mức hỗ trợ hoạt động cho Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi cần có thời gian và phải được đánh giá trong mối quan hệ tổng thể trên địa bàn cấp xã. Tuy nhiên về vấn đề này, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện tiếp tục rà soát đánh giá chi tiết, trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

* Về tăng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm, bản, tổ dân phố: Căn cứ Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh về việc xác định Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên, căn cứ Th«ng t­ sè 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 cña Bé Néi vô quy ®Þnh chi tiÕt thi hµnh NghÞ ®Þnh sè 45/2010N§-CP và Th«ng t­ sè 01/2011/TT-BTC ngµy 06/01/2011 của Bộ Tài chính quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho Hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho Hội.

6. Cử tri các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình, Phổ Yên đề nghị tỉnh xem xét, có chính sách cho các hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.

Trả lời: Nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, ngày 23/02/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để điều chỉnh, bổ sung vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo của địa phương làm cơ sở cho NHCSXH xem xét cho vay. Tính đến ngày 24/4/2013 tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh khoảng: 33.527 hộ, chiếm 11%, trong đó: hộ cận nghèo trước đây là hộ nghèo đang vay vốn NHCSXH là: 8.049 hộ, số hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn là:17.977 hộ; tổng số vốn để cho hộ cận nghèo vay ước tính: 506 tỷ, ngày 12/4/2013 Tổng giám đốc NHCSXH đã giao chỉ tiêu cho vay đối với hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 21 tỷ đồng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai cho vay trên địa bàn các huyện, thị xã.

 

II. Nhóm ý kiến về lĩnh vực văn hoá - giáo dục - y tế

1. Cử tri ngành giáo dục đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng thêm các ký túc xá, nhà ở cho sinh viên nhằm đáp ứng nguyện vọng của học sinh, sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các trường học thực hiện tốt hơn công tác quản lý học sinh, sinh viên.

Trả lời: Ngày 20/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1308/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt 09 dự án gồm 52 công trình nhà ở sinh viên từ 5 đến 7 tầng với tổng mức đầu tư là 923 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 23.959 sinh viên. Dự án được khởi công vào quý III năm 2009. Đến nay toàn bộ 09 dự án gồm 52 công trình đã được hoàn thành và được các chủ đầu tư bàn giao cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đưa vào khai thác sử dụng. Nguồn vốn được Chính phủ cấp đến hết năm 2012 là: 773 tỷ đồng; hiện nay số vốn còn thiếu để thanh quyết toán cho các nhà thầu thi công xây dựng là: 150 tỷ đồng.

Để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở của sinh viên. Trong năm 2012, một số đơn vị đã lập các dự án bổ sung như: Nhà ký túc xá sinh viên các trường thuộc Đại học Thái Nguyên (cụm số 2); Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc; Phân hiệu Trường Cao đẳng giao thông vận tải miền núi; Trường Vùng cao Việt Bắc. Các dự án trên đã được Chính phủ phê duyệt có tổng mức đầu tư 371 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh đang chờ Chính phủ phân bổ nguồn vốn để được khởi công trong năm 2013. Mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2015 sẽ đảm bảo cho khoảng 60% sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề được ở nội trú.

2. Cử tri huyện Đồng Hỷ và cử tri các địa phương trong tỉnh đề nghị tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện công tác chuyển đổi loại hình trường mầm non, kinh phí thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia, hỗ trợ tiền ăn, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú trên địa bàn huyện.

Trả lời:

- Về việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập: Thực hiện Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND ngày 28/4/2010 của HĐND tỉnh khoá XI và Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 15/6/2010 của UBND tỉnh về chuyển đổi 146 trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non công lập, dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh, Ngành Giáo dục, Nội vụ đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, T.P Thái Nguyên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh về việc chuyển đổi trên. Đến trước ngày 01/9/2012 toàn bộ 146 trường mầm non bán công đã được chuyển sang loại hình trường công lập theo đúng lộ trình (Từ 01/9/2010: 79 trường; từ 01/9/2011: 58 trường; từ 01/9/2012: 9 trường) với gần 2.200 cán bộ, giáo viên đang lao động theo hình thức hợp đồng trước đây nay trở thành viên chức nhà nước, được hưởng lương và các chế độ chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm, ngân sách tỉnh phải cân đối hàng trăm tỷ đồng để giải quyết chế độ chính sách cho số cán bộ, giáo viên nói trên và các hoạt động thường xuyên của 146 trường được chuyển đổi. Đây là sự quan tâm, cố gắng rất lớn của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung và đặc biệt là cấp học mầm non nói riêng. Cho đến nay trên toàn quốc rất ít tỉnh thực hiện được việc chuyển đổi 100% các trường mầm non bán công sang công lập như tỉnh Thái Nguyên .

- Về kinh phí thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng trường chuẩn Quốc gia: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 11/3/2011 về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 phấn đấu nâng tỷ lệ 50% từ năm 2010 lên 70% vào năm 2015; Quyết định số 1978/QĐ-UBND ngày 08/82011 về việc phê duyệt chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2014. Qua 2 năm thực hiện hai chương trình trọng điểm trên, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố có rất nhiều cố gắng đã đạt được những kết quả rất khả quan, cụ thể: Các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã dành: 58,3 tỷ đồng trong kinh phí chi thường xuyên để mua sắm thiết bị đồ chơi phục vụ phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi. So với kế hoạch đã duyệt cả 3 năm là 51 tỷ đồng đạt 114 %. Sở Giáo dục và Đào tạo đã dành 35 tỷ đồng từ kinh phí các chương trình mục tiêu Quốc gia để mua sắm thiết bị phục vụ phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi. So với với kế hoạch đã duyệt cả 3 năm là 24,85 tỷ đồng đạt 140,8%. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong 2 năm qua đã cân đối 209,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các phòng học, phòng chức năng cho các nhà trường để thực hiện hai chương trình trọng điểm trên.

Kết quả tính đến tháng 3/2013 tòan ngành đã có 410/652 trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 63% và bằng 90% so với mục tiêu đến năm 2015 (63%/70%). Toàn tỉnh đã có 97 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi và trong tháng 5/2013 sẽ tiếp tục công nhận thêm 67 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Trong tháng 5/2013 Ban chỉ đạo của tỉnh sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra công nhận 5/9 địa phương cấp huyện đã có tờ trình đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi là: TP Thái Nguyên, thị xã Sông Công, huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình và huyện Đại Từ. Như vậy, đến hết tháng 5/2013 dự kiến sẽ có 164/181 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, so với kế hoạch đến hết năm 2014 đạt 90%.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua (tính đến tháng 5/2013) ngân sách tỉnh mới cân đối được 19,6 tỷ đồng hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để ĐTXD các phòng học, phòng chức năng theo kế hoạch phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi đã được phê duyệt (Đạt 18,3% kế hoạch được duyệt: 19,6 tỷ đồng/107,2 tỷ đồng). Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cân đối số tiền 87,6 tỷ đồng của chương trình này trong những tháng còn lại của năm 2013 và cả năm 2014 cho các địa phương để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi theo đúng kế hoạch.

- Về việc hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em 5 tuổi: Thực hiện Thông tư số 29/2011/BGD ĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục - Đào tạo - Bộ Tài chính v/v hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo qui định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/2/2010 của Chính phủ v/v phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Hiện nay trẻ em 5 tuổi của tỉnh Thái Nguyên thuộc các xã núi cao, các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK, trẻ em 5 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em 5 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo qui định của nhà nước đã được nhà nước hỗ trợ tiền ăn với mức 120.000 đồng/ cháu/ tháng (Không quá 9 tháng cho một năm học).

Thực hiện Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT -BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Liên bộ Giáo dục - Đào tạo- Tài chính - Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giao viên mầm non theo qui định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ qui định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 (Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/4/2013), UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và các huyện, thành phố, thị xã thành phố lập dự toán kinh phí để thực hiện hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 120.000 đồng/tháng/cháu cho trẻ em 3-4 tuổi tại các xã núi cao, các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK, trẻ em 3-4 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em 3-4 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo qui định của nhà nước.

Hiện nay ngành Giáo dục và đào tạo đang tổng hợp, Báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Tài chính bổ sung kinh phí trong năm 2013 để thực hiện chế độ trên (Theo qui định các cháu được hỗ trợ tiền ăn tính từ tháng 9/2012).

- Về xây dựng cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú trên địa bàn huyện: Ba trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở (PTDTNT-THCS) ở 3 huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ được UBND tỉnh phê duyệt Dự án ĐTXD từ ngày 31/10/2009. Được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011 với tổng mức đầu tư của cả 3 trường khi phê duyệt là: 122 tỷ đồng với qui mô cả 3 trường là 24 lớp - 840 học sinh dân tộc. Sau hơn 2 năm xây dựng đến nay một số hạng mục chủ yếu phục vụ trực tiếp cho việc học tập các môn văn hoá và khu nội trú học sinh đã cơ bản hoàn thành như khối phòng học thông thường, nhà ăn, nhà bếp, ký túc xã, hàng rào, điện, nước, sân đường nội bộ. Trường PTDTNT-THCS Đại Từ đã chiêu sinh từ năm học 2012-2013 với 4 lớp- 120 học sinh. Năm học tới sẽ chiêu sinh đủ 8 lớp với 240 học sinh. Hai trường tại huyện Phú Lương và Đồng Hỷ dự kiến năm học 2013-2014 sẽ chiêu sinh mỗi trường 4 lớp với 120 học sinh. Đến thời điểm cuối tháng 4/2013 với những hạng mục công trình đã làm xong và những hạng mục đang làm, sẽ làm của cả 3 trường thì tổng mức đầu tư đã tăng từ 122 tỷ đồng lên 169 tỷ đồng (tăng 47 tỷ đồng). Số vốn đã cấp cho cả 3 Dự án trên từ khởi công đến hết kế hoạch năm 2013 là 81 tỷ đồng. Trong đó vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT là 76 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 5 tỷ đồng (tiền đến bù giải phóng mặt bằng của hai trường ở huyện Phú Lương và Đồng Hỷ). Như vây, số vốn còn thiếu tính đến cuối tháng 4/2013 cho cả 3 trường là 88 tỷ đồng (169 tỷ đồng- 81 tỷ đồng). Năm 2013 việc triển khai tiếp Dự án của 3 trường này gặp rất nhiều khó khăn về vốn, chỉ được cân đối 15,2 tỷ đồng so với năm 2012 là 34,5 tỷ đồng (thấp hơn 19,3 tỷ đồng) nên đến cuối tháng 4/2013 Sở GD-ĐT còn nợ các nhà thầu xây dựng khoảng 41,5 tỷ đồng. Hiện nay do khó khăn về vốn nên tiến độ thi công một số hạng mục chủ yếu phục vụ cho việc tuyển sinh năm học 2013-2014 (tháng 8/2013) của các trường này là rất chậm. Đặc biệt là 2 trường ở huyện Đồng Hỷ và Phú Lương.

Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét, cân đối bổ sung từ ngân sách địa phương cho 3 Dự án trên cùng với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT để phấn đấu hoàn thành việc ĐTXD 3 trường này vào cuối năm 2014.

3. Cử tri trường Cao Đẳng Y tế Thái Nguyên đề nghị tỉnh quan tâm, xây dựng, nâng cấp trường thành trường Đại học điều dưỡng theo lộ trình đã được phê duyệt vào năm 2015.

Trả lời:

Căn cứ kết luận số: 03-KL/TU ngày 26/7/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thông qua một số chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trong đó có chủ trương đến năm 2015 Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên có đủ điều kiện nâng cấp thành trường Đại học Điều dưỡng khu vực vùng Đông Bắc. Đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển của ngành Điều dưỡng Việt Nam (hiện nay cả nước mới có một trường ĐHĐD Nam Định, nếu Thái Nguyên nâng cấp được thì đây là trường Đại học Điều dưỡng thứ 2 của ngành y tế), đồng thời cũng phù hợp với nghị quyết 37 của Bộ chính trị, Thái nguyên sẽ là trung tâm vùng về y tế và giáo dục của vùng Đông bắc.

Sau khi có chủ trương trên Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên đã tích cực xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, không ngừng phấn đấu để đạt các tiêu trí của một trường Đại học Điều dưỡng cụ thể như sau:

3.1. Về Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ: Đã cử 6 cán bộ đi học nghiên cứu sinh (Tiến sỹ) và 3 cán bộ đi học Bác sỹ chuyên khoa cấp II (hỗ trợ 150 tr/người từ quỹ phát triển của nhà trường); cử 20 cán bộ đi học Thạc sỹ (hiện tại tỷ lệ thạc sỹ > 40%) và 10 cán bộ đi học Thạc sỹ Điều dưỡng ở nước ngoài (hỗ trợ 100 tr/người và cho vay 50 tr/người từ quỹ phát triển của nhà trường). Trong thời gian tới sẽ thu hút một số Bác sỹ có học hàm, học vị từ nơi khác về trường công tác.

3.2 Mở rộng khuôn viên đảm bảo diện tích của một trường Đại học theo qui định: Ngày 10/8/2012 UBND tỉnh đã có quyết định số 1764/QĐ-UBND về việc  phê duyệt quy hoạch mở rộng tổng mặt bằng xây dựng Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên. Diện tích mở rộng là 5,6 ha trong đó có diện tích tiếp nhận Bệnh viện y học cổ truyền là 0,62ha. Nhà trường đã phối hợp với UBND T.P Thái Nguyên, UBND phường Thịnh Đán và các đơn vị liên quan công bố qui hoạch theo đúng quy định.

- Ngày 07/5/2013 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số: 3720/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu tái định cư Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên, diện tích qui hoạch khoảng 6,8 ha.

3.3. Xây dựng cơ sở và tăng cường trang thiết bị học tập hiện đại: Nhà trường xây dựng mới nhà 5 tầng để làm phòng khám đa khoa chất lượng cao với tổng diện tích sử dụng là: 1866 m2 (Kinh phí gần 15 tỷ đồng từ nguồn học phí và tiết kiệm chi của nhà trường). Phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2012 đạt kết quả tốt, với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ giầu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao PGS,TS từ BVĐKTWTN và trường ĐHYD chuyển vào. Đây là cơ sở để HS, SV thực tập đồng thời là cơ sở khám chữa bệnh tin cậy cho mọi người dân. Mỗi năm Nhà trường giành 1-2 tỷ để mua mô hình học tập đảm bảo cập nhật và hiện đại củng cố cho các phòng skilab

Mặc dù trong những năm qua UBND tỉnh đã có chỉ đạo để nâng cấp Trường thành Đại học Điều dưỡng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương trên, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Nhà trường để thực hiện.

4. Cử tri thị xã Sông Công kiến nghị với tỉnh khi tiến hành xây dựng quy hoạch nâng cấp thị xã Sông Công lên thành phố cần tính toán, quy hoạch mạng lưới các trường học, nhất là các trường mầm non, vì hiện nay các trường học trên địa bàn thị xã đã quá tải.

Trả lời:

Năm 2011, thị xã Sông Công đã có Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và sự phát triển của thị xã Sông Công nói riêng. Đến nay, thị xã có 01 trường Trung học phổ thông, 01 phân hiệu trường Trung học phổ thông dân lập, 05 trường Trung học cơ sở, 10 trường Tiểu học, 11 trường Mầm non (10 trường công lập, 01 trường tư thục), trong đó: 19/26 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2012, thị xã đã thành lập thêm 2 trường Mầm non (Mầm non Tân Quang và Mần non Lương Châu). Trong giai đoạn 2013 - 2015 thị xã tiếp tục đề nghị cho thành lập thêm 01 trường Mần non và 01 trường Trung học cơ sở thuộc phường Thắng Lợi, nâng tổng số trường Mần non là 12 trường, Trung học cơ sở là 6 trường, đến năm 2015 thị xã phấn đấu 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Nhìn chung, mạng lưới trường lớp của thị xã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Để nâng cấp thị xã trở thành thành phố vào năm 2015, ngoài các nhiệm vụ đầu tư xây dựng các hạ tầng cơ sở khác, UBND thị xã đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư (5 khu), trong đó có các hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường Mầm non. Do vậy, việc tính toán, quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được dự tính trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2013-2015 đã tính toán đến phát triển thêm các hệ thống trường lớp đảm bảo với quá trình đô thị hóa.

5. Cử tri T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ đề nghị ngành giáo dục, ngành văn hóa cần có nhiều chương trình tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh. Cử tri tiếp tục phản ánh hiện nay có rất nhiều trường Đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp nhưng chất lượng dạy học chưa cao, nhiều sinh viên ra trường nhưng không có việc làm. Đề nghị tỉnh có kiến nghị với Bộ Giáo dục và đào tạo có những giải pháp và chủ trương đào tạo những ngành, nghề phù hợp để sinh viên khi ra trường đặc biệt là sinh viên hệ cử tuyển có việc làm.

Trả lời:

- Về chương trình tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh: Trong những năm qua, công tác Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường công tác tập hợp đoàn viên, hội viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạnh, lối sống văn hóa cho thanh niên bằng nhiều hình thức: tổ chức các phong trào thi đua, các diễn đàn, các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, tọa đàm,… những hoạt động đó được tổ chức thường xuyên, liên tục và đạt được những kết quả thiết thực trong việc giáo dục lối sống văn hóa cho thanh niên. Đối với tầng lớp nhân dân tại cộng đồng dân cư đã được Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại các địa phương. Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; về vai trò của các tổ chức, lực lượng xã hội, của gia đình, các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình. phê phán sự xuống cấp của các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình, lối sống thực dụng, ích kỷ và tệ nạn xã hội như: ma tuy cờ bạc, rượu chè, mại dâm, tảo hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, thiếu sự quan tâm trẻ em và người già, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài... Tuyên truyền, giáo dục thông qua các buổi họp sinh hoạt CLB, sinh hoạt chuyên đề ở xóm,thôn, khu dân cư.

- Về vấn đề hiện nay có nhiều trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp nhưng chất lượng dạy học chưa cao, nhiều học sinh ra trường không có việc làm. Các giải pháp, chủ trương đào tạo ngành nghề phù hợp với sinh viên khi ra trường đặc biệt là sinh viên cử tuyển có việc làm:

Tại Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính ph về đổi mới quản lí giáo dục đại học 2010 - 2012 có nêu: Giáo dục đại học nước ta đã từng buớc phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo…, Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém: chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội của đất nước,...

Trước tình hình đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 và phương hương đến 2020, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.

Tiếp theo để triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 51/Kl-TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và đào tạo đã đề ra phương hướng triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

- Triển khai thực hiện quy hoạch nhân lực ngành giáo dục của mỗi địa phương.

- Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập các trường đại học, cao đẳng mới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật. Xây dựng các đại học trọng điểm, trường đại học và dạy nghề đạt trình độ khu vực và quốc tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; có tri thức chuyên môn và năng lực nghề nghiệp, xử lý tình huống và giải quyết vấn đề, có các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc theo nhóm. Đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ gắn kết với các doanh nghiệp.

- Xây dựng Đề án thí điểm về đặt hàng cung ứng dịch vụ đào tạo đối với một số ngành nghề khó tuyển sinh.

- Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kì 2011 - 2020

- Để thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành GD -ĐT theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2010 -2020, Bộ GD-ĐT có Chỉ thị yêu cầu các trường rà soát và đánh giá tác động của chuẩn đầu ra đối với việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, thi kiểm tra đánh giá và cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng trong nhà trường.

- Các trường mở ngành đào tạo, xác định quy mô đào tạo dựa theo nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, địa phương, khả năng cung ứng nhân lực trên địa bàn hoặc vùng lân cận.

- Củng cố và phát triển Trung tâm tư vấn sinh viên và quan hệ với doanh nghiệp để giúp đỡ sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề và giới thiệu miễn phí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; bố trí cán bộ phụ trách công tác quan hệ với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp và nắm bắt thông tin phản hồi từ doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, nhà trường để làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Về sinh viên hệ cử tuyển chưa có việc làm: Học sinh đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường được tỉnh tiếp nhận hồ sơ và chờ phân công công tác theo quy định tối đa là 6 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo. Trong quá trình tuyển dụng các cơ quan thực hiện theo Luật công chức vì vậy một số sinh viên được cử đi học sau khi tốt nghiệp ra trường dự thi công chức không đạt theo yêu cầu nên hiện nay chưa có việc làm.

6. Cử tri thành phố phản ánh hiện nay tại một số trường có quá nhiều khoản thu ngoài quy định, dưới hình thức Hội cha mẹ học sinh. Cử tri kiến nghị tỉnh cần có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường học lạm thu trái với chính sách của nhà nước quy định.

Trả lời: Hiện nay trong các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thường có các khoản thu chủ yếu sau: Tiền học phí; tiền trông giữ xe đạp; tiền Bảo hiểm y tế; tiền Đoàn phí, Đội phí; tiền mua Đồng phục học sinh mang tên trường, sách giáo khoa, vở học sinh, thẻ học sinh, bảo hiểm thân thể học sinh; Quỹ Hội cha mẹ học sinh, quỹ khuyến học và các khoản thu khác do thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để phục vụ trực tiếp cho học sinh như: Tiền ăn, uống, tiền trông trưa, tiền mua sắm dụng cụ cho học sinh nghỉ tại trường, tiền học buổi hai, tiền học thêm theo đăng ký tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Những khoản thu chủ yếu như đã nêu là các nhà trường thực hiện theo quyết định của các cấp có thẩm quyền và sự thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để phục vụ trực tiếp cho học sinh.

Mặt khác hiện nay cơ sở vật chất của nhiều trường học được xây dựng từ nhiều năm trước đây hoặc còn thiếu, hoặc không đồng bộ, xuống cấp… từ tình hình thực tế trên thì việc thường xuyên phải tu bổ, sửa chữa CSVC, mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, thiết bị dạy học tối thiểu là rất khó khăn. Có những việc nhà trường không có đủ kinh phí đề khắc phục đảm bảo cho các hoạt động bình thường mà phải huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức viện trợ, tài trợ. Việc huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh phải luôn có sự thống nhất cao trong Hội đồng sư phạm, có sự nhất trí của cha mẹ học sinh, được chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp phê duyệt mới được thực hiện (Sở Giáo dục - Đào tạo đã có công văn số 2088/SGD&ĐT-KHTC ngày 14/9/2012 về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu khác và đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập).

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện có thể có những trường chưa thực hiện nghiêm túc các Quyết định, qui định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền hoặc quá trình sử dụng các nguồn vốn huy động không minh bạch gây lãng phí, thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích. Đề nghị cử tri phát hiện và phản ánh với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của đơn vị đó để kiểm tra, uốn nắn và xử lý các hình thức kỷ luật nếu có vi phạm.

7. Cử tri huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên phản ánh tình trạng hiện nay một số loại bệnh không được bảo hiểm y tế cấp thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh của người dân, nhất là người nghèo. Cử tri cũng phản ánh tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu khám qua loa, sơ sài, cấp ít thuốc cho người dân khám bệnh bằng chế độ bảo hiểm y tế. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận y bác sỹ chưa tốt, còn gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh.

Trả lời:

7.1. Về phản ánh tình trạng hiện nay một số loại bệnh không được bảo hiểm y tế cấp thuốc, cấp thuốc ít: Đúng như ý kiến phản ánh của cử tri, hiện nay Bộ Y tế có quy định Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, do vậy một số bệnh không được Bảo hiểm Y tế cấp thuốc là đúng quy định. Để người dân hiểu và thực hiện đúng, đề nghị ngành Y tế phối hợp với ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và thực hiện đúng quy định.

7.2. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận y bác sỹ chưa tốt, còn gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh: Qua kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tình trạng một số bệnh viện vẫn còn hiện tượng nhân viên y tế có tinh thần, thái độ không tốt trong giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như cử tri nêu là đúng. Tuy nhiên hiện tượng trên không phổ biến mà chỉ ở một số ít nhân viên y tế, thường là nhân viên hộ lý, y công, phục vụ. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế thường xuyên tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ nhân viên ngành Y tế, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong ngành Y tế... Ngày 19/9/2012, Sở Y tế đã ban hành công văn số 913/SYT-NVY về việc Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao tinh thần thái độ phục vụ trong khám chữa bệnh và cải tiến công tác phục vụ khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh.

8. Cử tri các địa phương đề nghị tại các bệnh viện phải có niêm yết, hướng dẫn quy định cụ thể đối với việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, tránh việc người bệnh phải đi lại nhiều lần mới hoàn chỉnh các thủ tục hành chính, đồng thời đề nghị tỉnh có ý kiến với cơ quan bảo hiểm y tế điều chỉnh và có hướng dẫn cụ thể để người tham gia bảo hiểm y tế được thuận tiện khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc, không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Trả lời:

8.1. Về việc cử tri đề nghị tại các bệnh viện phải có niêm yết, hướng dẫn quy định cụ thể đối với việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, tránh việc người bệnh phải đi lại nhiều lần mới hoàn chỉnh các thủ tục hành: Trong tháng 4/2013, Ngành Y tế đã tổ chức kiểm tra thực tế hoạt động tại một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc ngành quản lý. Nội dung kiểm tra gồm nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp hoạt động của khoa Khám bệnh. Qua kiểm tra, đánh giá, Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bố trí khoa khám bệnh, các bàn khám theo nguyên tắc đảm bảo sự thuận lợi nhất cho người bệnh đến khám bệnh, đảm bảo đủ chỗ ngồi cho người bệnh trong khi chờ đến lượt khám, bố trí số lượng bàn khám các chuyên khoa đảm bảo không để người bệnh phải chờ đợi quá lâu...

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội căn cứ các quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Khám bệnh chữa bệnh thống nhất chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh việc người bệnh phải đi lại nhiều lần mới hoàn chỉnh được thủ tục hành chính. Ngày 19/9/2012, Sở Y tế đã ban hành công văn số 913/SYT-NVY về việc Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao tinh thần thái độ phục vụ trong khám chữa bệnh và cải tiến công tác phục vụ khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh. Tuy nhiên, việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh vẫn phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo hiểm Y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Vấn đề cử tri phản ánh UBND tỉnh tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng thực hiện đầy đủ việc niêm yết hướng dẫn các quy định cụ thể về các thủ tục hành chính cần thực hiện khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

8.2. Đề nghị tỉnh có ý kiến với cơ quan Bảo hiểm y tế điều chỉnh và có hướng dẫn cụ thể để người tham gia bảo hiểm y tế được thuận tiện khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc, không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu:

Về vấn đề cử tri nêu đã được ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ các quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế Hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến điều trị khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban hành công văn số 2432/SYT-HD ngày 11/12/2012 Hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến điều trị khám bệnh, chữa bệnh bao hiểm y tế năm 2013 theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Việc người tham gia Bảo hiểm y tế có quyền được khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc đã được quy định rõ tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tuy nhiên tỷ lệ cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế ở các tuyến y tế có sự khác nhau, cụ thể khoản 3 Điều 7 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP quy định như sau: “Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế như sau:

- 70 % chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

- 50 % chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng II và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

- 30 % chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng I, hạng Đặc biệt và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.”

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh điều chỉnh cho hợp lý hơn và có hướng dẫn cụ thể để người tham gia bảo hiểm y tế nắm rõ và thực hiện thuận lợi hơn.

9. Cử tri đại diện cho Bệnh viện Đa Khoa An Phú đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm y tế làm rõ căn cứ pháp lý của việc quy định các bác sỹ làm việc tại các bệnh viện công lập khi đến hỗ trợ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa An Phú khi ký bệnh án lại không được thanh toán bảo hiểm y tế.

Trả lời:

Bệnh viện đa khoa An Phú là bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hiện tại bệnh viện có một số bác sỹ ở bệnh viện công lập đến hỗ trợ chuyên môn, trong quá trình triển khai chưa đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể: Bác sỹ ở bệnh viện công lập đến hỗ trợ chuyên môn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, bệnh viện tuyến tỉnh do Sở Y tế tỉnh phê duyệt). BHXH tỉnh Thái Nguyên đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam, theo đó tại Công văn số 245/BHXH-CSYT ngày 18/01/2012 của BHXH Việt Nam hướng dẫn: “Đối với các bệnh viện ngoài công lập (tư nhân, bán công) không thanh toán các dịch vụ kỹ thuật do bác sỹ làm việc tại các cơ sở công lập thực hiện nếu không đủ các điều kiện như trên”.

10. Cử tri công tác trong ngành y tế kiến nghị với UBND tỉnh cần quan tâm, cân đối kinh phí cho các bệnh viện mua sắm một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác KCB; cấp kinh phí nâng cấp sửa chữa một số hạng mục công trình đang xây dựng dở dang hoặc đã xuống cấp tại một số bệnh viện như Bệnh Viện Y học cổ truyền, Bệnh viện A. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp với ngành y tế để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện mức giá khám chữa bệnh mới.

Trả lời:

10.1. Đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh: Hàng năm bằng nguồn chi thường xuyên do ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Y tế, Sở Y tế dành từ 3 - 5 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện trực thuộc trong toàn tỉnh (bao gồm BV tuyến tỉnh và tuyến huyện). Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm ngành Y tế chỉ có thể cân đối và ưu tiên mua sắm cho một số bệnh viện nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản về khám chữa bệnh cho nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, do có thêm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn kinh phí hỗ trợ bệnh viện vùng, các Bệnh viện tuyến huyện và 3 Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện lao và bệnh phổi, Bệnh viện tâm thần có dự án từ 2 nguồn trên đã chủ động cân đối nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cho đơn vị mình. Vì vậy, với nguồn kinh phí chi thường xuyên dành cho nâng cấp trang thiết bị của Ngành, Sở Y tế đã tập trung đầu tư cho các bệnh viện chuyên khoa không có dự án như: Bệnh viện YHCT, bệnh viện mắt, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng. Ngoài ra, hàng năm các bệnh viện cũng đã chủ động cân đối từ các nguồn thu của đơn vị để đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây dựng theo nhu cầu của đơn vị mình.

Năm 2011-2013, do nhu cầu cần ưu tiên đầu tư cho các Trạm y tế xã nhằm đảm bảo đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và thực hiện Đề án củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt, với nguồn kinh phí của tỉnh cấp và từ nhiều nguồn vốn khác của các dự án ngành Y tế cân đối mua máy siêu âm cho các Trạm y tế xã (bình quân khoảng 20 chiếc/năm), đến hết năm 2013 có 50% số Trạm y tế tuyến xã được trang bị máy siêu âm.

10.2. Về ý kiến của cử tri công tác trong ngành y tế đề nghị UBND tỉnh quan tâm, cân đối kinh phí nâng cấp sửa chữa một số hạng mục công trình đang xây dựng dở dang hoặc đã xuống cấp tại bệnh viện A và bệnh viện Y học cổ truyền: Nhằm đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, trong những năm vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định nâng cấp sửa chữa một số hạng mục công trình đang xây dựng dở dang hoặc đã xuống cấp tại bệnh viện A và bệnh viện Y học cổ truyền. Cụ thể như sau:

* Đối với bệnh viện A Thái Nguyên: Quyết định số 3062/QĐ-UBND ngày 23/11/2009 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Mở rộng Bệnh viện A Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư là 126.980 triệu đồng; Quyết định số 1891/QĐ-UBND ngày 18/8/2010 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Trung tâm cấp cứu - chấn thương bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên (Bệnh viện A Thái Nguyên) với tổng mức đầu tư 374.337 triệu đồng.

Căn cứ các Quyết định trên, trong những năm qua UBND tỉnh đã phân bổ cho Bệnh viện A Thái Nguyên là 73.700 triệu đồng từ nguồn vốn Trái phiếu chính phủ để thực hiện 02 dự án nói trên (Năm 2009: 5.000 triệu; năm 2010: 25.000 triệu; năm 2011: 10.000 triệu; năm 2012: 22.000 triệu; năm 2013: 11.700 triệu). Bằng nguồn vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị cũng bố trí 125 triệu đồng để làm nhà chứa rác thải, 668 triệu đồng lắp thêm máy biến áp, sơn lại mặt trước 03 đơn nguyên, sơn lại cổng, hàng rào; Từ nguồn vốn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cũng bố trí 2.350 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống sử lý nước thải của Bệnh viện. Ngoài ra, trong những năm qua bằng nguồn xã hội hoá liên danh liên kết Bệnh viện A Thái Nguyên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua một số trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khắm chữa bệnh.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục công trình đã xuống cấp nhưng chưa được bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa. Trong những năm tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, tìm nguồn cân đối kinh phí để nâng cấp sửa chữa, nâng cấp những hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

* Đối với Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên: Trong những năm vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền liên tiếp được bố trí 6.453 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình đã xuống cấp. Cụ thể: Năm 2009: 700 triệu đồng; Năm 2010: 500 triệu đồng; Năm 2011: 1.967 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa nhà khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú; Năm 2012: 593 triệu đồng; Năm 2013: 2.693 triệu đồng (1.097 triệu đồng để cải tạo nâng cấp nhà hành chính và kỹ thuật nghiệp vụ; 1.596 triệu đồng để cải tạo nhà khoa dược, khoa dinh dưỡng).

Tuy nhiên số kinh phí bố trí vẫn còn ít và chưa đáp ứng đủ với yêu cầu sửa chữa, cải tạo và nâng cấp các hạng mục công trình của bệnh viện. Trong những năm tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, tìm nguồn cân đối kinh phí để nâng cấp sửa chữa, nâng cấp những hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

* Về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp với ngành y tế để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện mức giá khám chữa bệnh mới:

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngành Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và Ngành Tài chính xây dựng khung giá dịch vụ y tế áp dụng cho các đơn vị y tế thuộc tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 20/8/2012 Về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (trừ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên). Sau khi UBND tỉnh phê duyệt, khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới được chính thức áp dụng tại các đơn vị y tế thuộc tỉnh từ ngày 01/9/2012.

Qua hơn 8 tháng thực hiện, qua kiểm tra giám sát và sự phản ánh của các đơn vị y tế, Ngành Y tế đã phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trong thực tế, nhất là việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh giữa các đơn vị y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đã nẩy sinh trong quá trình thực hiện khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới tại các cơ sở y tế thuộc tỉnh.

11. Cử tri đại diện Chi cục Dân số tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét, quyết định chuyển đổi người làm công tác Dân số - KHHGĐ cấp xã trước đây thành viên chức Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp xã thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện theo Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 29/5/2012.

Trả lời:

Hiện nay, Bộ Y tế đang báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế; Chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện đang trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ sang trực thuộc UBND cấp huyện và đề nghị chuyển cán bộ DS- KHHGĐ xã hiện đang là viên chức của Trạm Y tế xã theo Thông tư 05/2008/TT-BYT sang là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện biệt phái làm việc tại UBND xã.

Do vậy trong khi chờ Thủ tướng xem xét quyết định, trước mắt vẫn cần được giữ nguyên theo hiện trạng để ổn định tổ chức và hoạt động. Việc chuyển đổi người làm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp xã trước đây thành viên chức Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp xã chỉ có thể được vận dụng thực hiện tại thời điểm tháng 5/2012 trước khi Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng quản lý viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012, do vậy việc tuyển dụng viên chức Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp xã hiện nay phải được thực hiện theo quy định của Luật viên chức.

12. Cử tri huyện Định Hóa, huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên đề nghị tỉnh quan tâm, tăng mức hỗ trợ đối với cán bộ thuộc diện bảo vệ sức khỏe theo Quyết định số 258-QĐ/TU ngày 19/6/2002 của Tỉnh ủy vì mức hỗ trợ hiện nay (5000đ/ngày) quá thấp, không còn phù hợp.

Trả lời:

Ngày 02/01/2013 Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1478-QĐ/TU Quy định về đối tượng, chế độ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ (Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 và thay thế Quyết định số 258-QĐ/TU ngày 9/6/2002 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ ban hành quy định về đối tượng, chế độ, kinh phí bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ và phân cấp quản lý), do vậy vấn đề cử tri nêu đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định và chế độ được hưởng.

13. Cử tri các địa phương trong tỉnh đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trả lời:

13.1. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm: Theo thống kê hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh 8.146 cơ sở thực phẩm, trong đó: Số cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm là 1.528; Số cơ sở kinh doanh thực phẩm là 3.590; Số cơ sở dịch vụ ăn uống là 3.046.

Năm 2012, là thời gian có nhiều sự thay đổi cơ bản về công tác an toàn thực phẩm (ATTP). Các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm lần lượt được ban hành. Do đó, công tác trọng tâm trong năm là phải tập trung phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tại địa phương: Tăng cường hoạt động triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về ATTP tại tuyến huyện, xã. Mặt khác, cũng phải đẩy mạnh công tác tập huấn các văn bản trên cho chủ, người quản lý, công nhân tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống.

Trong bối cảnh đó, nguy cơ mất ATTP vẫn còn tiềm ẩn, cũng như phát sinh những vấn đề mới trong công tác quản lý ảnh hưởng không nhỏ đến đảm bảo ATTP. Việc quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào của thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đã phát hiện có chất gây hại cho sức khỏe không an toàn cho người sử dụng...công tác quản lý ATTP cũng đứng trước những thách thức như nhiều loại dịch, bệnh có liên quan đến thực phẩm như: dịch cúm gia cầm, dịch bệnh tay chân miệng, bệnh liên cầu khuẩn lợn,... Việc toàn cầu hóa có tác động tích cực, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước, song cũng tạo điều kiện cho hàng hóa thực phẩm không đảm bảo ATTP vào Việt Nam bằng nhiều đường, nhiều hình thức khác nhau.

Trong năm 2012 toàn tỉnh đã thành lập 444 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó 416 đoàn liên ngành. Tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn, “Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm”, Tết Trung thu năm 2012. Kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng ATTP các bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; Nhà hàng; Các cơ cở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, trong các trường đại học, cao đẳng, tiểu học, mầm non; Các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, đá viên tinh khiết…Tỷ lệ các cơ sở thực phẩm đạt yêu cầu: 77,8%.

Quý I năm 2013 đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành vào dịp Tết Nguyên đán Quý tỵ và thường xuyên theo quy định. Kết quả thanh tra, kiểm tra Quý I/2013: Trong tổng số 24 cơ sở được kiểm tra có 02 cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm.

13.2. Xử lý các trường hợp sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Năm 2012: Số cơ sở bị phạt vi phạm hành chính: 93 cơ sở, với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước: 82.900.000 đồng (Tám mươi hai triệu chín trăm ngàn đồng chẵn).

- Quý I năm 2013: Số cơ sở bị phạt vi phạm hành chính: 04 cơ sở, với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước: 10.600.000 đồng (Mười triệu sáu trăm ngàn đồng chẵn); 01 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh đoàn yêu cầu tạm dừng sản xuất và cho thời gian khắc phục (đoàn đã kiểm tra lại và cho cơ sở tiếp tục sản xuất).

Việc xử lý các vi phạm trong thời gian gần đây đã được thực hiện khá nghiêm túc, tuy nhiên vẫn chưa thực sự triệt để và mức phạt theo quy định còn thấp chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế và các ngành liên quan trong công tác đảm bảo ATTP sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra ATTP và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP.

13.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo ATTP trong thời gian tới: Để làm tốt công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các Sở chủ quản...Từ đó tạo điều kiện về nguồn lực cho các hoạt động phục vụ công tác bảo đảm chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh.

Ngành y tế tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành các văn bản phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng quy chế phối hợp giữ các ngành trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP trên địa bàn để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả.

Phối hợp với các cơ quan, các ban ngành tăng cường công tác Thông tin giáo dục truyền thông bằng nhiều hình thức tới các đối tượng các nhà lãnh đạo, người quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. để mợi người đều có trách nhiệm

Công tác thanh, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành cũng như chuyên ngành để từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả và xử lý nghiêm minh các vi phạm.

14. Cử tri xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo Đình Văn Hán đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử danh thắng. Cử tri huyện Định Hóa đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, sớm công khai quy hoạch quần thể các khu di tích lịch sử để ổn định đời sống của người dân trong khu vực. Cử tri xã Kha Sơn, huyện Phú Bình đề nghị tỉnh bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia Chùa Mai Sơn, Đình Kha Sơn.

Trả lời:

* Về bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo Đình Văn Hán đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử danh thắng: Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 780 di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó.

- Di tích quốc gia đặc biệt: Tổng số: 01 Di tích lịch sử an toàn khu huyện Định Hoá do Ban Quản lý di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hoá quản lý.

- Di tích đã xếp hạng di tích quốc gia: Tổng số: 28 di tích;

- Di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng cấp tỉnh: Tổng số: 97 di tích,

Thực hiện Quyết định số 56/2008/QĐ-UBND ngày 29/10/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong 5 năm qua (2008-2012) ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích nhằm phát huy giá trị di tích, qua kiểm kê, khảo sát đánh giá hiện trạng hệ thống di tích, phần lớn di tích trải qua biến cố của lịch sử, sự bào mòn của thời gian cho nên hầu hết các di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù đã được quan tâm đầu tư chống xuống cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế và đề nghị của các địa phương. Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chống xuống cấp di tích hàng năm, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các địa phương tiến hành rà soát thực trạng hệ thống di tích trên địa bàn quản lý, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Hội đồng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét mức độ xuống cấp, giá trị di tích để tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Năm 2013, thực hiện nguyên tắc này ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 669/SVHTTDL-DSVH ngày 10/7/2012 về việc rà soát các di tích cần tôn tạo, xếp hạng và bổ sung vào danh mục di tích lịch sử văn hoá, yêu cầu địa phương khảo sát và có văn bản đề nghị. Căn cứ đề nghị của các địa phương, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có Kế hoạch số 1363/SVHTTDL-QLDSVH ngày 04/12/2012, về việc khảo sát đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án chống xuống cấp di tích lịch sử văn hoá năm 2013; Quyết định số 649/QĐ-SVHTTDL ngày 05/12/2012 về việc thành lập tổ công tác khảo sát đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án chống xuống cấp di tích lịch sử văn hoá năm 2013.

Từ ngày 12 đến ngày 14/12/2012, tổ công tác đã tiến hành đi khảo sát hiện trường tại huyện Võ Nhai 03 di tích, huyện Đồng Hỷ 01 di tích, T.P Thái Nguyên 02 di tích, huyện Phú Bình 03 di tích, huyện Phú Lương 01 di tích và thị xã Sông Công 02 di tích.

Di tích Đình Vân Hán xã Văn Hán đã được UBND tỉnh công nhận xếp di tích lịch sử tại Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 28/3/2012, hiện trạng: Đình gồm 03 gian, tường xây gạch, bên trong trát vữa tam hợp, tường trong quyét vôi trắng hai tường đầu hồi và tường hậu không trát, trong Đình xây trụ gạch, trát vữa tam hợp, vì kèo gỗ, xồ gỗ, rui, mè gỗ, kết cấu gỗ đơn giản dạng bào trơn đóng bén, cửa gỗ ván ghép, mái lợp ngói xi măng, nền và sân đình láng vữa xi măng, căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng của Hội đồng chuyên môn, di tích này đã được xem xét tôn tạo trong năm 2013, nhưng do nguồn vốn không cân đối được nên đã để lại xem xét sau. Lý do: Năm 2013, do nguồn vốn chống xuống cấp có hạn, số vốn được giao 02 tỷ đồng/năm chưa đáp ứng được yêu cầu của các địa phương, vì vậy ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có yêu cầu tu sửa cấp thiết để kịp thời ngăn chặn các di tích có nguy cơ sập đổ, huỷ hoại để đảm bảo cho di tích và khách tham quan, và ưu tiên đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.

Trong 2 năm 2011 và năm 2012 ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thực hiện tu bổ tôn tạo 02 di tích trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.

* Về đầu tư tôn tạo các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, sớm công khai quy hoạch tổng thể các khu di tích lịch sử để ổn định đời sống người dân trong khu vực: Di tích lịch sử ATK Định Hoá Thái Nguyên đã được Chính Phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012, toàn bộ hệ thống các di tích lịch sử thuộc ATK Định hoá đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hoá là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh quản lý và khai thác.

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tại Thông báo số 275/TB-VPCP ngày 03/9/2009 của văn phòng Chính Phủ; Thông báo số 1647/TB-BVHTTDL ngày 19/5/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên hoàn 3 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 03/5/2013 về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn đến năm 2030. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện và công bố quy hoạch theo quy định, nhằm từng bước làm tốt công tác quản lý, bảo vệ các di tích của tỉnh nói chung và của huyện Định Hoá nói riêng.

* Về bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo cụm di tích lịch sử quốc gia Chùa Mai Sơn, Đình Kha Sơn: Cụm di tích Kha Sơn đã được Bộ Văn hoá Thông Tin xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 985/QĐ-VH ngày 07/5/1997 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cụm di tích gồm có 06 điểm: chùa Mai Sơn, rừng Rác, Nền nhà ông Cao Nhật, rừng Mấn, đình Kha Sơn Hạ, chùa làng Ca và đình Kha Sơn Thượng.

Bằng nguồn ngân sách tập trung của tỉnh, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã đầu tư phục hồi, tôn tạo một số điểm di tích trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể: di tích lịch sử cách mạng Đình Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ (ATKII) với tổng kinh phí gần 02 tỷ đồng, đặc biệt năm 2009-2010 cùng với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã triển khai tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mai Sơn với tổng giá trị quyết toán dự án hoàn thành đã được phê duyệt là 7.868.580.000 đồng. Năm 2013, theo đề nghị của UBND huyện Phú Bình về việc tôn tạo đình Kha Sơn Thượng, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh phân khai nguồn vốn chống xuống cấp di tích năm 2013, hiện nay các phòng chuyên môn của Sở đang tiến hành hoàn tất thủ tục đầu tư để tôn tạo di tích nền, bia ghi dấu sự kiện, dự kiến việc tôn tạo di tích sẽ được khởi công vào đầu quý III năm 2013. Các điểm di tích còn lại trong cụm di tích Kha Sơn, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch sẽ cùng với địa phương xem xét, khảo sát và báo cáo Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để tôn tạo di tích vào các năm tiếp theo.

 

 

15. Cử tri huyện Định Hóa phản ánh việc chiếu phim lưu động tại các xã 135 không hiệu quả, không có người đến xem, gây lãng phí không cần thiết. Cử tri đề nghị tỉnh không tổ chức nội dung này, dành nguồn lực cho các chương trình khác hiệu quả hơn.

 

 

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 về Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá, trong đó nêu rõ nhân dân vùng sâu, vùng xa được ưu đãi, hưởng thụ văn hoá về biểu diễn nghệ thuật, thư viện, thông tin lưu động, triển lãm, bảo tàng, di tích và xem chiếu phim lưu động.

Căn cứ vào nội dung trên, Sở Văn hóa và Thông tin trước đây (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) đã chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban Dân tộc tiến hành khảo sát, họp bàn, thống nhất: “…mỗi năm tổ chức 432 buổi chiếu phim video lưu động tại 108 xóm của 20 xã thuộc 05 huyện Võ Nhai, Định Hoá, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương; nội dung các bộ phim được chiếu đều do Cục Điện ảnh phát hành và hướng dẫn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Trung tâm Điện ảnh tỉnh trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Trước khi tiến hành chiếu phim lưu động, Trung tâm Điện ảnh tỉnh đều làm việc với đại diện xóm, xã tại địa phương. Trong quá trình thực hiện chiếu phim lưu động từ năm 2007 đến nay, hầu hết các địa phương đều đề nghị tăng thêm buổi chiếu như: Xã Phú Đình, Tân Thịnh (huyện Định Hoá); xã Phúc Lương, Bản Ngoại (huyện Đại Từ); xã Nghinh Tường (huyện Võ Nhai); xã Hợp Thành (huyện Phú Lương) … vì số buổi chiếu hiện nay theo quy định, tại mỗi xóm là 04 buổi/năm.

Qua việc khảo sát và căn cứ vào các Biên bản làm việc của Trung tâm Điện ảnh, có sự tham gia của Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA 83 công an tỉnh), tổng số lượt người xem đạt trên 20.800 lượt người/năm. Có thể thấy rằng, việc chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tại vùng sâu, vùng xa là một nhu cầu cần thiết, nơi chiếu phim còn được coi là một tụ điểm sinh hoạt văn hóa để nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên được tuyên truyền các nội dung về pháp luật, chế độ, chính sách, tránh xa được những tệ nạn xã hội…

Hiện nay, chưa có văn bản nào thay thế Quyết định 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ; do đó, ngành VHTT&DL tiếp tục triển khai việc chiếu phim lưu động tại vùng sâu, vùng xa theo đúng chính sách phát triển văn hóa của Nhà nước, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành sẽ cố gắng lựa chọn, thay đổi nội dung chiếu phim cho phù hợp để thu hút, hấp dẫn đông đảo số lượng người xem, đồng thời nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ chiếu phim lưu động. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ có những tham mưu, đề xuất với Bộ VHTT&DL ban hành những chính sách hưởng thụ văn hoá đa dạng, hấp dẫn, phù hợp hơn để đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.

16. Cử tri thành phố và các địa phương trong tỉnh kiến nghị, việc treo các biển quảng cáo, pano, áp phích tuyên truyền dọc các tuyến đường giao thông quá dày, chưa hợp lý. Đề nghị các cơ quan chức năng khi thực hiện cần nghiên cứu nội dung, hình thức để phát huy tốt hiệu quả tuyên truyền.

Trả lời:

Ngày 18/3/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch tuyên truyền cổ động nhiệm vụ chính trị, quảng cáo không có mục đích sinh lời và quảng cáo thương mại tỉnh Thái Nguyên. Căn cứ vào Quyết định trên của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đúng chức năng về quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền, quảng cáo. Tất cả các biển quảng cáo, tuyên truyền đều được cấp phép thực hiện đúng địa điểm theo quy định.

Theo Quy hoạch quảng cáo của tỉnh, hệ thống pa nô tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo không có mục đích sinh lời và quảng cáo thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn I đã được lắp dựng hoàn chỉnh tại các huyện, thành, thị xã và phát huy tác dụng tích cực, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng, phát huy thế mạnh của tỉnh trong việc quảng bá thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương.

Chính vì những mặt tích cực trên, tại Thông báo số 439-TB/TU của Thường trực Tỉnh uỷ ngày 14/3/2012 về việc thực hiện lắp dựng bảng biển tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo không có mục đích sinh lời giai đoạn II tỉnh Thái Nguyên; văn bản số 393/UBND-VX ngày 19/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Dự án lắp dựng bảng tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo không có mục đích sinh lời tỉnh Thái Nguyên giai đoạn II. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị thi công là Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Mai triển khai thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các huyện, thành, thị xã đề nghị khảo sát và có đề nghị cụ thể về nhu cầu lắp đặt pa nô, đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của hệ thống pa nô tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Theo văn bản đề nghị của các huyện, thành, thị xã, số lượng pa nô đề nghị được lắp đặt thêm là 11.035 tấm pa nô, cho thấy việc căng treo pa nô tuyên truyền tại các huyện, thành phố, thị xã có tác dụng tích cực.

 

III. Nhóm ý kiến về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, quản lý đất đai, bồi thường GPMB và đầu tư xây dựng cơ bản.

1. Cử tri phường Trung Thành, phường Túc Duyên, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên, huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công kiến nghị hiện nay số lượng lao động nông thôn còn chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy khi tiến hành thu hồi đất cho các dự án phát triển đô thị cần tính toán, thu hồi từng phần, giành một phần đất chưa có nhu cầu sử dụng cho người dân canh tác trong thời gian chuyển đổi ngành nghề.

Trả lời:

Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 21 Quy định kèm theo Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh thái Nguyên về việc ban hành quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó các khoản 2, 3 và 4 quy định:

“2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi trợ một lần bằng một (01) suất đất ở (ô quy hoạch) hoặc một (01) suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (không tính diện tích đất nông nghiệp đã được hỗ trợ theo quy định tại Điều 20 của quy định này), mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền theo Điều 10 của quy định này, còn:

a) Hỗ trợ bằng tiền với mức 2,5 lần giá đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 70 Luật Đất đai, Điều 69 Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

b) Hỗ trợ một lần bằng một (01) suất đất ở (ô quy hoạch) hoặc một (01) suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Việc áp dụng theo hình thức này được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ có nhu cầu nhận suất đất ở hoặc suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;

- Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, quỹ đất sản xuất, kinh doanh;

- Số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải bằng hoặc lớn hơn giá trị một (01) suất đất ở hoặc giá trị một (01) suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

c) Trường hợp áp dụng hình thức hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này mà giá trị hỗ trợ tính theo quy định tại điểm a khoản này lớn hơn giá trị một (01) suất đất ở hoặc một (01) suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì phần giá trị chênh lệch được hỗ trợ bằng tiền.

3. Dự án phát triển kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải có chính sách ưu tiên:

a) Tuyển dụng lao động cho những hộ có đất bị thu hồi nhất là lao động phổ thông khi họ có đủ điều kiện tuyển dụng.

b) Được mua cổ phiếu theo giá ưu đãi bằng tiền bồi thường, hỗ trợ (nếu tổ chức đó có phát hành cổ phiếu).

4. Người trong độ tuổi lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều này, có nhu cầu được học nghề thì được miễn học phí đào tạo nghề cho 01 khóa học, theo quy định của Bộ Lao động - TB&XH.”

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai: Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư”.

Các quy định trên nhằm đảm bảo cho người bị thu hồi đất sớm biết và có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng khi tổ chức thực hiện các dự án cần lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ, lựa chọn các dự án có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội, tránh để xảy ra tình trạng dự án treo gây lãng phí đất.

2. Cử tri các địa phương đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường đô thị, có quy hoạch, chuyển dần các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các trang trại chăn nuôi ra xa khu dân cư. Nghiên cứu, có biện pháp khắc phục việc úng lụt kéo dài do thi công các công trình giao thông, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại hoa mầu, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân.

Trả lời:

- Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được tăng cường, các chủ trương, chỉ đạo của đảng và nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đã được cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động và quy định cụ thể của tỉnh; ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo vệ môi trường ngày càng tăng; bộ máy, tổ chức và cơ sở vật chất về môi trường được tăng cường, hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm đầu tư, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc ở tỉnh.

Tuy nhiên, như cử tri phản ánh, môi trường đô thị vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần được quan tâm. Hiện nay, vấn đề môi trường bức xúc ở các đô thị chủ yếu là nước thải và rác thải chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên, quy hoạch và xây dựng các bãi chôn lấp rác thải, trang bị các thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải cho thị trấn các huyện; thử nghiệm mô hình lò đốt rác mini tại thị trấn Đu để triển khai nhân rộng tới các xã, xóm, cụm dân cư. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các nguồn vốn để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên; xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu nam T.P Thái Nguyên, thị xã Sông Công; xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Bãi rác Đá Mài, T.P Thái Nguyên; triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình lò đốt mini đến các cụm dân cư, thị trấn, thị tứ.

- Về kiến nghị quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất, trang trại ra xa khu dân cư, UBND tỉnh có ý kiến trả lời như sau: Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt 6 KCN và 31 Cụm công nghiệp có đủ điều kiện để tiếp nhận các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di dời vào khu, cụm công nghiệp. Năm 2011, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp. Hiện nay Đề án đã được xây dựng hoàn thiện đang xem xét để phê duyệt kế hoạch thực hiện di dời. Bên cạnh đó để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải chăn nuôi, năm 2013 UBND tỉnh đã giao sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kế hoạch xây dựng quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và triển khai mô hình thí điểm xử lý chất thải chăn nuôi sau biogas để tìm kiếm công nghệ xử lý phù hợp có thể nhân rộng ra các cơ sở chăn nuôi; giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý vi phạm và các biện pháp quản lý đối với các trang trại chăn nuôi.

- Về vấn đề úng ngập, ô nhiễm và thiệt hại hoa màu do thi công các công trình giao thông.

Theo kiến nghị cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Sở Giao thông để tìm hiểu xác minh tình trạng úng ngập và nguyên nhân của vấn đề khi thi công các tuyến đường giao thông. Kết quả như sau:

Trong thời gian qua một số tuyến đường nội thị T.P Thái Nguyên xuất hiện tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn; một số diện tích đất canh tác hoa mầu dọc tuyến Quốc lộ 3 mới bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của bà con, nhân dân. Để giải quyết vấn đề được cử tri quan tâm, tỉnh Thái Nguyên và ngành giao thông vận tải đã có những biện pháp khắc phục sau:

- Tại các vị trí ngập úng trong thành phố, Tỉnh đã cho đầu tư dự án “Xử lý úng ngập, thoát nước một số tuyến đường trung tâm thành phố”. Dự án được đưa vào 1 trong 20 công trình trọng điểm của T.P Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015 và được đầu tư bằng ngân sách T.P Thái Nguyên. Như vậy, trước 2015, một số tuyến đường quan trọng, thiết yếu sẽ được đầu tư cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước để không xẩy ra tình trạng ngập úng như cử tri phản ánh

- Tại các vị trí ngập úng do thi công tuyến đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 (Đơn vị chủ đầu tư), các địa phương thống kê, kiểm đếm diện tích hoa mầu bị ảnh hưởng do thi công. Đến nay, huyện Phổ Yên đã lập xong phương án hỗ trợ, đền bù là 2,4 tỷ đồng; Thị xã Sông Công là 150 triệu đồng; T.P Thái Nguyên là 1,5 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải đã liên tục đề nghị Ban QLDA2 bố trí kinh phí để thực hiện chi trả hỗ trợ theo các phương án do địa phương lập, thẩm định phê duyệt. Tuy nhiên do kho khăn về vốn đầu tư đến nay Ban QLDA2 mới tạm bố trí được 1 tỷ đồng cho UBND huyện Phổ Yên thực hiện chi trả. Đối với phần diện tích hoa mầu còn lại, Sở Giao thông vận tải tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm cho chủ trương giải quyết phần diện tích ngoài cọc GPMB, bị ngập úng do ảnh hưởng của dự án theo hướng hỗ trợ, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

3. Cử tri phường Hoàng Văn Thụ, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên đề nghị tỉnh khi tiến hành phê duyệt cốt nền đường Bắc Sơn và Cốt nền các Khu dân cư ở phường Túc Duyên phải có sự thống nhất về chiều cao của nền đường, nền khu dân cư mới với các khu vực dân cư lân cận. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống.

Trả lời:

Đường Bắc Sơn là tuyến đường đô thị nối với đường Bắc Cạn tại khu vực cầu Gia Bẩy, nối với đường Lương Ngọc Quyến tại khu vực Trụ sở cảnh sát PCCC. Tuyến đường này đi qua khu vực có địa hình tự nhiên phức tạp, nhà ở dân cư hiện có đã được xây dựng theo địa hình tự nhiên không đồng nhất. Khi thực hiện dự án đường Bắc Sơn theo quy hoạch được phê duyệt thì cốt cao độ nền một số cụm nhà ở dân cư giáp ranh bị chênh lệch cốt cao độ so với các khu dân cư mới được quy hoạch theo tuyến đường này. Tương tự tại phường Túc Duyên các cụm nhà ở dân cư đã được hình thành và đã xây dựng ổn định theo địa hình tự nhiên, đây là khu vực hàng năm thường bị ảnh hưởng lũ lụt của Sông Cầu. Theo quy định đối với những khu vực này khi lập Quy hoạch đô thị yêu cầu phải đảm bảo phù hợp cốt ngập lụt đã được phê duyệt. Như vậy cốt nền một số cụm dân cư cũ nêu trên sẽ bị chênh lệch cốt cao độ so với các khu dân cư mới quy hoạch. Với điều kiện thực tế hiện nay khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư mới các Nhà đầu tư cơ bản chỉ dành nguồn lực thực hiện trong ranh giới dự án, việc đầu tư kinh phí để chỉnh trang, kết nối hạ giao thông và hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Để từng bước khắc phục những bất cập này cần có kế hoạch và giải pháp kỹ thuật cụ thể. Trong qúa trình thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp đã yêu cầu các nhà đầu tư phải cam kết thực hiện các giải pháp kết nối hợp lý hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án và các khu vực giáp ranh tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư.

4. Cử tri phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên đề nghị HĐND tỉnh quyết định tăng mức phí vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh để chi trả tiền công cho người thu gom rác thải tại các xã, phường, thị trấn vì mức thu 3000đ/1 khẩu/1 tháng hiện nay quá thấp, không đủ để trả tiền công cho người lao động.

Trả lời:

Theo quy định Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Phí và Lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định mức thu Phí vệ sinh môi trường thực hiện tại “Điểm a16: Phí vệ sinh - mục III: Xác định mức thu và quản lý sử dụng tiền phí, thu được - tiết 4: Đối với các khoản Phí và Lệ phí khác đối với cá nhân, hộ gia đình thu không quá 3.000đồng/khẩu/tháng”.

Quyết định số 39/QĐ-UBND ngay 22/8/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định mức:3.000đồng/khẩu/tháng là mức tối đa theo quy định Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính.

Vì vậy, cử tri đề nghị tăng mức thu phí vệ sinh trên 3.000đồng/khẩu/tháng là vượt thẩm quyền của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh mức phí vệ sinh quy định tại Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006.

5. Cử tri phường Cam Giá, cử tri phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên, cử tri huyện Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí do nước thải từ suối Cốc Gang Thép, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ; nhà máy gạch Prime Phổ Yên,…và tình trạng ô nhiễm do các bãi chứa than (bãi chứa than của quân đội thuộc Tổng cục công nghiệp, Bộ quốc phòng trên địa bàn phường Quan Triều), khu công nghiệp gây ra. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Trả lời:

5.1. Về vấn đề ô nhiễm do suối Cốc: Như đã nhiều lần báo cáo, suối Cốc thực chất là mương thoát nước thải của nhà máy Cốc hoá và các cơ sở sản xuất trong khu Gang thép Thái Nguyên, đã bị ô nhiễm do tiếp nhận nước thải của các nhà máy không được xử lý và do ảnh hưởng của chiến tranh. Đến năm 2012, nước thải của nhà máy cốc hóa và các nhà máy trong khu gang thép đã cơ bản được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải vào suối Cốc sau khi các nhà máy đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dòng suối cốc vẫn bị ô nhiễm do tồn đọng các chất thải có chứa nhiều dầu cốc trong nhiều năm qua. Để khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm dòng suối Cốc, UBND tỉnh đã có văn bản số 622/UBND-TNMT ngày 04/5/2010 chấp thuận cho sở Tài nguyên và môi trường lập dự án Cải tạo, nạo vét và xử lý ô nhiễm môi trường suối Cốc. Năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện dự án, hiện đang được các cơ quan chức năng xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

5.2. Đối với vấn đề ô nhiễm của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ: Phản ánh của cử tri đúng với thực tế, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ là cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2010, nhà máy đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm cho đơn vị.

Tuy nhiên, từ sau khi được cấp chứng nhận, do hệ thống xử lý nước thải vận hành không ổn định, thường xuyên xảy ra sự cố nên đã có ít nhất 3 lần nhà máy đã xả nước thải không xử lý ra môi trường, bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện. Sau khi được tin báo của người dân và các cơ quan chức năng đã kịp thời kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu công ty chấm dứt ngay hành vi xả nước thải không xử lý ra môi trường, đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục. Theo kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp như đã nêu trên, ngày 15/4/2013 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đột xuất kiểm tra thực tế hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Kết quả cho thấy nước thải của nhà máy đã được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, người dân địa phương để giám sát hoạt động xả thải của nhà máy, nếu phát hiện hành vi xả thải trái phép sẽ kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

5.3. Đối với Công ty cổ phần Prime Phổ Yên: Qua theo dõi công tác bảo vệ môi trường và qua các đợt kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với Công ty cổ phần Prime Phổ Yên, cho thấy, công ty đã có nhiều cố gắng trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của cơ quan chức năng và đoàn kiểm tra. Công ty đã thực hiện các biện pháp xử lý chất thải và khắc phục ô nhiễm như: xây dựng công trình xử lý tuần hoàn nước thải, lắp đặt các thiết bị lọc bụi khí thải, tưới nước và vệ sinh đường giao thông nội bộ để giảm thiểu bụi phát tán.

Theo kiến nghị của cử tri, ngày 15/4/2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty, kết quả cho thấy, phản ánh của cử tri là đúng, nguyên nhân gây ô nhiễm bụi ảnh hưởng đến dân cư xung quanh là do đất nguyên liệu bị rơi vãi từ quá trình vận chuyển, xúc bốc, trong điều kiện thời tiết hanh khô đã phát tán ra khu dân cư. Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty tăng cường áp dụng ngay các biện pháp ngăn ngừa bụi, đồng thời nhắc nhở công ty tiếp tục duy trì vận hành hệ thống xử lý bụi và sử dụng tuần hoàn nước thải theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty đã cam kết thực hiện các nội dung theo yêu cầu.

Để tiếp tục giám sát công tác bảo vệ môi trường của đơn vị, theo kế hoạch công tác 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra công ty này.

5.4. Về vấn đề ô nhiễm do các bãi chứa than của quân đội thuộc tổng cục Công nghiệp - Bộ quốc phòng:

Ngày 15/4/2013 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND phường Quan triều và kiểm tra tại thực địa cho thấy:

Phản ánh của cử tri là đúng thực tế. Bãi chứa than nêu trên là của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Chu Hoài Nguyên (chứng nhận đăng ký kinh doanh số 17A80013051, ngành nghề kinh doanh vận tải hàng hoá, chế biến than). Cơ sở có diện tích 5.000m2, thuộc tổ 16 phường Quan Triều, được ông Nguyên thuê lại của Nhà máy Z127 (do ông Hoàng Quốc Hiệt đứng tên hợp đồng) từ ngày 01/11/2011 trong thời hạn 3 năm.

Hoạt động chính của bãi chứa than của ông Nguyên là thu mua các loại xít than của mỏ than Khánh Hoà, nghiền sàng phân loại phối trộn và bán cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng, công suất khoảng 40 tấn/ngày. Bãi than không có bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan thẩm quyền xác nhận, không có tường bao hạn chế bụi. Do vậy, bụi than phát sinh từ các hoạt động sàng tuyển phát tán và ảnh hưởng lớn đến đời sống các hộ dân xung quanh.

Mặc dù đã được UBND phường Quan Triều, phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên kiểm tra và yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường, nhưng cơ sở không chấp hành, cụ thể là:

- Tháng 9/2011, phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu cơ sở thực hiện các hồ sơ môi trường đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm. Tuy nhiên, hộ gia đình ông Nguyên không chấp hành, tiếp tục hoạt động mà không lập bản cam kết bảo vệ môi trường.

- Ngày 29/3/2012, sau buổi làm việc với UBND phường Quan Triều để trả lời kiến nghị cử tri, UBND phường đã ra thông báo số 18/TB-UBND ngày 27/4/2012 đối với hộ ông Nguyên yêu cầu thực đảm bảo các quy định về BVMT đã cam kết bằng văn bản về việc không tiếp tục nhập thêm xít than mà chỉ nghiền sàng nốt số lượng xít than còn lại trong thời gian sản xuất sẽ áp dụng các biện pháp tưới nước chống bụi, chống ồn và xử lý chất thải. Tuy vậy, đến 18/7/2012 và ngày 3/8/2012 UBND phường tiếp tục nhận được thông báo cơ sở vẫn tiến hành vận chuyển than về địa điểm nêu trên. Do vậy vấn đề ô nhiễm không được giải quyết, tiếp tục ảnh hưởng đến dân gây nên những phản ánh trong thời gian vừa qua. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tại bãi than nêu trên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra việc sử dụng đất, cho thuê đất của nhà máy Z127 và hợp đồng cho thuê đất của ông Hiệt và ông Nguyên, nếu có sai phạm sẽ xử lý và thu hồi đất nếu nhà máy không có nhu cầu sử dụng đất đúng mục đích.

6. Cử tri T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, huyện Võ Nhai phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu và một số sông, suối trên địa bàn các huyện, việc khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ, thay đổi dòng chảy nhưng chưa được các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.

Trả lời:

Do tiếp nhận nguồn nước từ các địa bàn chảy qua, sông Cầu đã có nhiều dấu hiệu ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước, nhất là ở các nhánh suối thoát thải của các khu công nghiệp, khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản và đặc biệt là nước thải sinh hoạt của người dân.

Qua quá trình kiểm tra cho thấy trong thời gian qua đặc biệt là trong năm 2012, dòng sông Cầu có dấu hiệu bị ô nhiễm, nước sông có màu vàng do bùn, sét hòa tan vào dòng chảy và gây ô nhiễm với đặc trưng chính là ô nhiễm hữu cơ, chất rắn lơ lửng và một số vị trí bị ô nhiễm kim loại nặng. Nguyên nhân chính dẫn chất lượng nước Sông Cầu suy giảm so với thượng lưu là do chịu tác động rất lớn từ các nhánh suối phụ lưu tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản như: mỏ than Khánh Hòa, mỏ than Bá Sơn, các mỏ cát sỏi, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, các nhà máy thuộc KCN Gang thép, các cơ sở luyện kim, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, nước thải sinh hoạt khu vực dân cư thành phố,... đồng thời vào thời điểm mùa mưa lũ, mực nước sông dâng cao, dẫn đến dòng chảy mạnh và đục.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 58 điểm quan trắc chất lượng nước mặt, trong đó 14 điểm đặt trên sông Cầu và 13 điểm trên các phụ lưu của dòng sông. Qua các đợt quan trắc tại phụ lưu chính của sông Cầu trên địa bàn TP Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Võ Nhai đã cho thấy nguồn nước tại đây thường bị ô nhiễm các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, kim loại nặng và dinh dưỡng, mức độ ô nhiễm khá cao như: hàm lượng BOD vượt tiêu chuẩn từ 1,2- 2,4 lần; Amoni vượt tiêu chuẩn từ 4 - 19,5 lần; TSS vượt tiêu chuẩn từ 1,1 - 16 lần. Ngoài ra, tại phụ lưu suối Cam Giá hàm lượng Pb vượt tiêu chuẩn 1,1 lần.

Để khắc phục, xử lý và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động đôn đốc chủ đầu tư của các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, các cơ sở sản xuất phải thường xuyên vận hành hệ thống xử lý môi trường, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở nêu trên, đến nay cho thấy về cơ bản nguồn nước sông Cầu đã có những chuyển biến tích cực.

Đối với việc khai thác cát sỏi làm thay đổi dòng chảy: Trong thời gian qua, trên sông Cầu thuộc địa phận huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên và Phú Bình bên cạnh một số đơn vị được cấp phép khai thác, vẫn còn một số tầu thuyền lén lút khai thác cát, sỏi trái phép. Hoạt động khai thác trái phép đã gây không ít khó khăn cho các địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường và làm thay đổi dòng chảy, trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo QLTNKS tỉnh) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đã có các văn bản yêu cầu UBND các huyện kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo QLTNKS tỉnh, UBND các huyện thành, thị đã tích cực vào cuộc, đã chủ động tổ chức kiểm tra, xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép. Đến nay, về cơ bản các hoạt động khai thác trái phép đã được kiềm chế, đẩy lùi, đồng thời đã kịp thời ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường và làm thay đổi dòng chảy.

7. Cử tri T.P Thái Nguyên đề nghị tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra hiệu quả sử dụng đất của các doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, cho thuê lại mặt bằng hoặc bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất (như diện tích đất giao cho Công Ty cổ phần sửa chữa xe máy Gang Thép, công ty TNHH 27/7, Doanh Nghiệp Thân Hoa Thúy, Công ty xây lắp II Gang thép.…). Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch của một số khu đô thị, khu dân cư như khu đô thị Bắc Đại học Thái Nguyên, khu đô thị Nam Đại học Thái Nguyên. Đẩy nhanh việc triển khai và tiến độ thực hiện dự án di chuyển Bến xe Thái Nguyên,….

Trả lời:

Năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch để tiến hành rà soát, kiểm tra hiệu quả sử dụng đất của các doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, cho thuê lại mặt bằng,.. kiểm tra việc thực hiện quy hoạch của một số khu dân cư làm cơ sở để đôn đốc tiến độ các dự án và thu hồi đối với các dự án không thực hiện, vi phạm quy định về pháp luật đất đai.

Riêng dự án Bến xe khách Thái Nguyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư (là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh về cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư), Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, UBND T.P Thái Nguyên đã họp và thống nhất việc thu hồi Giấy chứng nhận Đầu tư xây dựng Bến xe khách Long Việt tại phường Thịnh Đán để giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư nhằm sớm đưa dự án vào thực hiện.

8. Cử tri thị trấn Đu, huyện Phú Lương phản ánh việc triển khai thực hiện dự án khai thác mỏ sắt của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến rất chậm. Đến nay đã dừng khai thác, gây lãng phí nguồn tài nguyên và ảnh hưởng tới môi trương sống của người dân.

Trả lời:

Hiện nay, trên đại bàn huyện Phú Lương, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công được UBND tỉnh cấp 02 giấy phép khai thác mỏ quặng sắt: Cụ thể hoạt động khai thác tại 2 mỏ như sau:

8.1. Đối với mỏ sắt Phố Giá, xã Phấn Mễ, được UBND tỉnh cấp tại giấy phép số 2040/QĐ-UBND ngày 28/9/2007. Tổng diện tích là 26,68 ha (gồm khu vực Dộc Mấu 20,68 ha và khu vực xóm Phố Giá 2 là 6,0 ha). Thời gian khai thác là 12,5 năm. Sau khi được cấp giấy phép, năm 2008, HTX tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, thực hiện công tác BTGPMB và tiến hành khai thác tại khu vực Dộc Mấu. Năm 2009 sản lượng khai thác là 5.500 tấn; năm 2010 là 17.000 tấn; năm 2011 là 9.698 tấn và năm 2012 là 14.415 tấn. Khu vực xóm Phố Giá 2 chưa khai thác, hiện nay, mỏ sắt Phố Giá đã thuê đất 9,2 ha tại khu vực.

8.2. Đối với mỏ sắt Đuổm, xã Động Đạt, được UBND tỉnh cấp tại giấy phép số 475/QĐ-UBND ngày 12/3/2008. Tổng diện tích là 19,6 ha (gồm 03 khu: trong đó Khu 1 là 11.4 ha; khu 2 là 3.0 ha; khu 3 là 5.2 ha). Thời gian khai thác là 6,5 năm. Sau khi được cấp giấy phép, năm 2008, HTX tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, thực hiện công tác BTGPMB và năm 2009 tiến hành khai thác tại Khu vực 1 (khu vực Đồng Nội) khu vực này nằm trong vùng đầu tư xây dựng cụm công nghiệp nhỏ Động Đạt. Sản lượng khai thác năm 2009 là 10.000 tấn quặng sắt; năm 2010 là 25.500 tấn; năm 2011 là 3.397 tấn và 2012 là 5.515 tấn.

Hiện nay, HTX đang xin tạm dừng hoạt động khai thác mỏ với lý do trong thời gian qua, trước thực trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc hoạt động khai thác, chế biến của đơn vị đã phần nào bị ảnh hưởng, sản phẩm khai thác khó tiêu thụ, giá rẻ, tồn kho. Qua báo cáo của đơn vị và kết quả kiểm tra cho thấy hiện nay sản phẩm khai thác đang tập kết tại mỏ sắt Đuổm khoảng 15-16 nghìn tấn.

Trước ý kiến phản ảnh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành làm việc với Lãnh đạo HTX, UBND xã Động Đạt, xã Phấn Mễ để tìm hiểu thực tế và bàn các giải pháp khắc phục. Qua buổi làm việc cho thấy, sau khi được cấp giấy phép khai thác, diện tích khu vực khai thác được công bố quy hoạch vùng Dự án, tuy nhiên trong quá trình triển khai, HTX đã thực hiện công tác BTGPMB và khai thác theo từng giai đoạn tương ứng với khu vực khai thác, do đó tại các khu vực trong Dự án chưa được bồi thường diện tích đất người dân lại không được trồng cây lâu năm, không được xây dựng công trình trên đất, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị HTX đẩy nhanh tiến độ khai thác đối với các khu vực được cấp giấy phép, đồng thời tính toán về hiệu quả kinh tế để quyết định đầu tư khai thác đối với phần diện tích có hiệu quả, trả lại phần diện tích đầu tư không hiệu quả để địa phương quản lý, sử dụng, người dân yên tâm sản xuất và đầu tư trên đất.

9. Cử tri phường Bách Quang, thị xã Sông Công phản ánh hiện nay trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công (đã được quy hoạch từ năm 1997) có nhiều hộ dân của phường có con đã lập gia đình nhưng không được tách đất ở, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn tới những khó khăn trong việc làm nhà, phát triển sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị tỉnh xem xét, có phương án tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong khu vực.

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “2. Trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố có diện tích đất phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ngày 5/01/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên: 3. Khi đã có thông báo thực hiện dự án hoặc thông báo thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng (kể cả khu vực không bị thu hồi đất nhưng thuộc phạm vi ảnh hưởng) phải giữ nguyên hiện trạng nhà, đất.”

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Sông Công tiến hành kiểm tra, xác định diện tích đất thuộc khu vực mà cử tri nêu trên, xem xét để người dân được thực hiện các quyền theo quy định.

10. Cử tri phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên phản ánh việc một số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch giai đoạn 2 của Nhà máy Ván Dăm Thái Nguyên, dự án này đã có quyết định thu hồi đất 10 năm nhưng đến nay chưa được thực hiện, người dân trong khu vực này phải sống trong điều kiện không có điện, nước, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi hiện nay Nhà máy Ván Dăm đã được chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Lâm Nghiệp và đã ngừng sản xuất từ nhiều tháng nay. Cử tri đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết.

Trả lời:

Để có cơ sở trả lời ý kiến cử tri phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên. Ngày 12/4/2013 và ngày 17/4/2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp đến tìm hiểu sự việc tại địa bàn, làm việc với Bí thư chi bộ Bí thư tổ 4 Phường Phú xá (nơi có nhà máy Ván Dăm và các hộ dân đang sinh sống trong diện tích mở rộng của nhà máy) và UBND phường Phú Xá. Qua nghiên cứu, xem xét UBND tỉnh có ý kiến trả lời như sau:

Nhà máy Ván dăm Thái Nguyên - Chi Nhánh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên (Trước đây là Công ty TNHH MTV Ván Dăm Thái Nguyên) tại phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại các Quyết định 3845/QĐ-UBND ngày 2/12/1999 và Quyết định số 1055/QĐ-UB ngày 19/4/2000. Thực hiện các Quyết định thu hồi đất, giao đất của UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty Lâm Nghiệp Thái Nguyên đã phối hợp với UBND T.P Thái Nguyên, UBND phường Phú Xá và các hộ dân tiến hành bồi thường, GPMB và đã đi vào hoạt động sản xuất từ trước năm 2005 đến nay (giai đoạn 1). Diện tích Công ty đã được bàn giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là: 30.127 m2. Tại cả hai Quyết định nêu trên UBND tỉnh chưa tiến hành thu hồi đất của 8 hộ dân sinh sống tại khu tập thể cũ của xưởng chế biến gỗ thuộc Tổng công ty lâm nghiệp miền bắc - tổ 4, phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên ( gồm các hộ: Bà Phạm Thị Chung; Bà Đoàn Thị Mai; Ông Trương Văn Thường; Bà Nguyễn Thị Dung; Bà Nông Thị Thảo; Bà Nguyễn Thị Hợi; Ông Lâm Trọng Tuấn; Vũ Thị Tiếp).

Khu đất của 8 hộ dân nêu trên nằm trong diện tích quy hoạch giai đoạn II của nhà máy Ván Dăm được Sở Xây dựng phê duyệt tại Chứng chỉ quy hoạch ngày 26/1/2000. Tuy nhiên, năm 2006-2007 khi thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn II, nhà máy chỉ tiến hành đền bù phần đất xung quanh khu đất 8 hộ dân đang sinh sống mà chưa tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng phần đất của 8 hộ dân này.

Trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho nhà máy và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2320/XN-TNMT ngày 30/11/2004. Trong quá trình hoạt động của nhà máy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động của nhà máy ván dăm đã gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh do bụi gỗ không được thu gom xử lý triệt để, nước thải chưa được xử lý triệt để đã thải ra ngoài môi trường và đã đề xuất trình UBND tỉnh đưa nhà máy vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý ô nhiễm tại Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 18/3/2008. Cho đến nay, mặc dù được đôn đốc, hướng dẫn nhiều lần về việc hoàn thành công trình xử lý nước và khí thải theo Quyết định nêu trên nhưng đơn vị vẫn chưa hoàn thành để được xác nhận do sản xuất thường xuyên bị gián đoạn và khó khăn về tài chính do suy thoái kinh tế chung. Do vậy, trong những năm qua, tuy hoạt động cầm chừng nhưng nhà máy vẫn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh. Phản ánh của cử tri về ô nhiễm môi trường do nhà máy Ván Dăm là đúng. Từ tháng 5/2012 Nhà máy đã phải dừng sản xuất, hiện chỉ có bảo vệ trông coi nhà máy. Tuy không hoạt động nhưng hiện nhà máy đang cho 2 đơn vị thuê mặt bằng để tập kết quặng từ năm 2012 và xỉ thải từ đầu năm 2013, nhưng khối lượng không lớn, không phát sinh nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Căn cứ vào qui định tại khoản 3 Điều 29 Luật đất đai 2003 về Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc huỷ bỏ và công bố”. Do đó, để việc quản lý qui hoạch được chặt chẽ đồng thời đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty Lâm Nghiệp Thái Nguyên thực hiện theo đúng qui định tại khoản 3 Điều 29 Luật đất đai 2003, có báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường và xác định rõ nhu cầu sử dụng đất của Công ty. Về phía sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa dự án Nhà Máy Ván Dăm Thái Nguyên vào Kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong năm 2013.

11. Cử tri T.P Thái Nguyên đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3 cũ, đường Lưu Nhân Trú, đường Phố Hương, … vì hiện nay tốc độ thi công các dự án này rất chậm, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

Trả lời:

- Đẩy nhanh tiến độ Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn qua T.P Thái Nguyên: Đường QL3 cũ đoạn Km51-Km63+200 qua T.P Thái Nguyên được đầu tư từ nguồn vốn dự án Tăng cường ATGT trên các tuyến Quốc lộ phía Bắc Việt Nam, khởi công tháng 6/2011 và đã hoàn thành thông xe đúng tiến độ đầu tháng 02/2013. Được sự đồng ý của Bộ GTVT phần vốn dư của dự án được tiếp tục triển khai nâng cấp hai đoạn Km45+00 ÷ Km51 (địa phận huyện Phổ Yên, Sông Công) và đoạn Km63+200 ÷ Km64+500 (địa phận T.P Thái Nguyên). Kế hoạch sẽ khởi công vào tháng 4/2013 và hoàn thành vào đầu năm 2014. Trong quá trình triển khai phần bổ sung dự án trên, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Sở GTVT phối hợp tốt với Ban QLDA An toàn giao thông Quốc gia, T.P Thái Nguyên trong công tác GPMB và đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây lắp.

- Dự án nâng cấp đường Phố Hương và đường Lưu Nhân Trú: Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 2321/QĐ-UBND ngày 8/10/2010; và đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại công văn số 1173/UBND-SXKD ngày 26/7/2010; UBND T.P Thái Nguyên được giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán ký hợp đồng dự án tại công văn số 397/UBND-TH ngày 19/3/2012. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên. UBND tỉnh sẽ giao UBND T.P Thái Nguyên chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng dự án BT, sớm hoàn thành dứt điểm dự án và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng.

12. Cử tri huyện Phổ Yên, T.P Thái Nguyên đề nghị cơ quan chức năng khi phê duyệt quy hoạch xây dựng mới các trụ sở của UBND các xã, phường, thị trấn cần quan tâm đến việc bố trí xây dựng phòng chờ cho công dân khi chờ đợi giải quyết công việc. Cử tri cũng kiến nghị đối với công tác tái định cư cần có quy hoạch tái định cư rồi mới cho thu hồi giải phóng mặt bằng, đồng thời tỉnh cần chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB, hạn chế tình trạng quy hoạch xong mà không làm.

Trả lời:

- Từ năm 2004 công tác đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc cấp Xã, Phường được thực hiện theo thiết kế mẫu (đã được UBND tỉnh ban hành tại quyết định số 75/QĐ-UB ngày 12/01/2004). Theo thiết kế mẫu đã ban hành, các Trụ sở làm việc chưa bố trí Phòng chờ cho công dân đến giải quyết công việc như ý kiến của cử tri đã nêu. Trong khi thẩm định, trình duyệt các đồ án Quy hoạch, Sở Xây dựng đã tham gia để các chủ đầu tư bố trí quỹ đất giành cho việc xây dựng các trụ sở cơ quan đảm bảo đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh bổ xung các bộ thiết kế mẫu phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân đến giải quyết công việc.

- Đối với công tác tái định cư: Trong quá trình thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch, Sở Xây dựng đã yêu cầu Chủ đầu tư dành tối thiểu 20% diện tích đất xây dựng nhà ở được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Các ngành đã tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các Chủ đầu tư dự án thực hiện tái định cư trước khi tổ chức giải phóng mặt bằng.

- Về tiến độ thực hiện các dự án trong những năm 2011; 2012 và 2013: Hiện nay UBND tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo để sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, Ngành, Địa phương rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để báo cáo UBND tỉnh phương án giải quyết dứt điểm những dự án chưa thực hiện, đang thực hiện, hoặc đang vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.

13. Cử tri xã Trung Hội, huyện Định Hóa phản ánh quy hoạch Trung tâm thị tứ khu vực Quán Vuông đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2006, đến nay vẫn chưa được triển khai, đề nghị tỉnh công khai việc triển khai thực hiện quy hoạch này.

Trả lời:

- Quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị tứ Quán Vuông, xã Trung Hội huyện Định hóa đã được UBND huyện Định Hoá tổ chức lập để triển khai thự hiện và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 865/QĐ-UB ngày 05/5/2006. (tại Điều 2 của Quyết định đã nêu: “Sau khi quy hoạch được phê duyệt Ủy ban nhân dân huyện Định hóa tổ chức để công bố quy hoạch phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Quản lý việc xây dựng ở trong khu vực theo quy hoạch và điều lệ quản lý quy hoạch kèm theo. Tổ chức lập các dự án để nhanh chóng đầu tư theo quy hoạch được duyệt”).

 - Quy hoạch chi tiết trung tâm Thị tứ Quán Vuông được phê duyệt là cơ sở để quản lý việc đầu tư xây dựng và kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án vào khu trung tâm của Thị tứ Quán Vuông xã Trung Hội. Vậy đề nghị UBND huyện Định hóa phối hợp với các ngành của tỉnh thực hiện kêu gọi đầu tư theo Quy hoạch đã được phê duyệt.

14. Cử tri các phường: Cam Giá, Thịnh Đức, Tích Lương, Quyết Thắng T.P Thái Nguyên; cử tri huyện Phú Bình, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, cử tri thị xã Sông Công, cử tri xã Khe Mo, Linh Sơn, Cây Thị, huyện Đồng Hỷ đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành điện lực quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp vì hiện nay các trạm biến áp trên địa bàn một số phường, xã hầu hết đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân. Cử tri xã Phúc Trìu đề nghị ngành điện bỏ hình thức bán điện qua hệ thống công tơ tổng vì hiện nay hình thức bán điện này đã không còn phù hợp.

Trả lời:

Hiện nay Công ty điện lực Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng đường dây trung thế, TBA và đường dây hạ thế và các dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:

14.1. T.P Thái Nguyên:

- Phường Cam giá được hưởng dự án: Chống quá tải các trạm biến áp, khối lượng đầu tư 0,08km đường dây 22kV; TBA Cam Giá 8, có tổng công suất 180kVA; 0,872km đường dây hạ thế 0,4kV; tổng mức đầu tư dự kiến 566,736 triệu đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013

- Xã Thịnh Đức được hưởng dự án:

+ Cải tạo chống quá tải lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận để nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất và chống quá tải lưới điện. Khối lượng đầu tư cải tạo và xây mới 8,0km đường dây hạ thế 0,4kV, tổng mức đầu tư dự kiến 2,24 tỷ đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013.

+ Dự án năng lượng nông thôn ReII.4: Khối lượng đầu tư 2,245km đường dây trung thế; 02 TBA có tổng công suất 350kVA; 9,053km đường dây hạ thế 0,4kV, tổng mức đầu tư 2,245 tỷ đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013.

- Xã Tích Lương được hưởng dự án: Chống quá tải các trạm biến áp, khối lượng đầu tư 0,587km đường dây 22kV; TBA Tích Lương 3, TBA Tích Lương 4 và Bắc Lương 2 có tổng công suất 970kVA; 1,739km đường dây hạ thế 0,4kV; tổng mức đầu tư 2,580 tỷ đồng. Dự án đã thực hiện trong năm 2012.

- Xã Quyết Thắng được hưởng dự án: Chống quá tải các trạm biến áp, khối lượng đầu tư 0,237km đường dây 22kV; TBA Bắc Thành có tổng công suất 180kVA; 1,549km đường dây hạ thế 0,4kV; tổng mức đầu tư 810,352 triệu đồng. Dự án đã thực hiện trong năm 2012.

14.2. Huyện Phú Bình được hưởng dự án:

+ Cải tạo chống quá tải lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận để nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất và chống quá tải lưới điện. Khối lượng đầu tư cải tạo và xây mới 82,0km đường dây hạ thế 0,4kV, tổng mức đầu tư dự kiến 22,949 tỷ đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013.

+ Dự án năng lượng nông thôn ReII.4 và ReII.5: Khối lượng đầu tư 3,60km đường dây trung thế; 05 TBA có tổng công suất 770kVA; 47,348km đường dây hạ thế 0,4kV, tổng mức đầu tư 19,381 tỷ đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013.

- Dự án năng lượng nông thôn II bổ sung đợt 6: Cải tạo, nâng cấp đường dây hạ thế nông thôn sau tiếp nhận, tổng mức đầu tư dự kiến 57,75 tỷ đồng. Kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2013.

15. Cử tri huyện Phú Bình đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường 261 từ Điềm Thụy đi Hà Châu, tuyến đường từ Chùa Mai Sơn đi xã Lương Phú, tuyến đường từ Cầu Ca Kha Sơn đi Dương Thành vì hiện nay các tuyến đường này đã quá xuống cấp. Cử tri thị xã Sông Công đề nghị tỉnh cho nâng cấp, sửa chữa tuyến đường 262. Cử tri huyện Đồng Hỷ đề nghị tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến đường 269, đường từ Quốc lộ 1B đi xã Tân Long, Hòa Bình. Cử tri huyện Đại từ đề nghị tỉnh quan tâm, tiếp tục đầu tư các tuyến đường nhánh trên tuyến đường vành đai Tam Đảo để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân.

Trả lời:

Nhu cầu đầu tư XDCB hay nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn. Việc đáp ứng của ngân sách địa phương và hỗ trợ của Trung ương thời gian qua mới đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Cụ thể với các vấn đề cử tri kiến nghị, UBND tỉnh có ý kiến như sau:

- Tuyến đường tỉnh ĐT266 (Điềm Thụy - Hà Châu): Dài 13,2km, có điểm đầu giao với Quốc lộ 3 (ngã tư khu công nghiệp Sông Công) qua ngã tư Tuần Pháp (Điềm Thụy, huyện Phú Bình); điểm cuối tại đê Hà Châu, huyện Phú Bình; Trên tuyến đoạn từ Km0 - Km5 mặt đường bê tông nhựa, chất lượng tốt, còn lại 8,2km mặt đường cấp phối, chất lượng xấu. Năm 2012, UBND tỉnh đã giao cho sở GTVT lập dự án đầu tư mở rộng theo Quy hoạch đoạn Km 0 - Km 5 đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị chủ yếu, mặt đường rộng 21m, dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè mỗi bên 9m, bề rộng lộ giới 42m, đoạn Km 5 - Km 13+200 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9m; mặt đường thảm BTN rộng 8m. Đến nay dự án chưa được phê duyệt do chưa bố trí được kinh phí.

- Tuyến đường tỉnh ĐT261C (Cầu Ca - Dương Thành) dài 5,55 km, điểm đầu giao QL37 tại km96+500 thuộc địa phận xã Kha Sơn huyện Phú Bình, điểm cuối thuộc xóm Đảng xã Dương Thành huyện Phú Bình, được UBND huyện Phú Bình xây dựng năm 2008. Toàn tuyến được láng nhựa đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núinền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 3,5m, chất lượng đường trung bình. Từ năm 2010 UBND tỉnh đã quyết định tuyến được chuyển lên đường tỉnh và giao sở GTVT quản lý. Năm 2012, mặt đường bị xuống cấp, Sở GTVT đã sửa chữa đảm bảo giao thông khắc phục các ổ gà hố lún bằng nguồn vốn sửa chữa vừa, tuy nhiên khối lượng không đáng kể do kinh phí hạn chế. Với kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét giao Sở GTVT tiếp tục đầu tư sửa chữa trong thời gian gần nhất.

- Tuyến đường tỉnh ĐT269 (Chùa Hang - Tam Kha) dài 27,3km hiện tại đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núinền đường rộng 6,5m; mặt đường láng nhựa rộng 3,5m, chất lượng trung bình. Quy hoạch đến 2015 sẽ nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núinền đường rộng 7,5m, mặt đường thảm BTN rộng 5,5m. Tuy nhiên do hiện nay chưa bố trí được kinh phí nên chưa lập dự án đầu tư. Năm 2010, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nâng cấp 1,3 ĐT 269 nội thị thị trấn Trại Cau bằng ngân sách huyện và vốn XDCB ngân sách tỉnh. Hiện tại UBND tỉnh đã giao Sở GTVT tiếp tục khắc phục đảm bảo giao thông bằng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên được giao hàng năm.

- Tuyến đường tỉnh ĐT262 (Dốc Lim - Sông Công): được UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở GTVT Thái Nguyên lập dự án để kêu gọi đầu tư năm 2011. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 828/QĐ-UBND ngày 31/3/2011 và được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 769/UBND-SXKD ngày 24/5/2011. Sau khi đăng báo Đấu thầu, vận động, kêu gọi đầu tư, tháng 6/2011 đã có 01 nhà đầu tư xin tham gia dự án là Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Bất động sản Hà Nội. Nhưng do khó khăn về ứng vốn thi công đến nay dự án vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai xây dựng.

- Đoạn tuyến Km132+700 Quốc lộ 1B - Tân Long - Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ dự kiến sẽ nâng lên đường tỉnh ĐT 272 đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án đầu tư, hiện tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư. Do hiện tại là tuyến đường huyện quản lý, UBND tỉnh sẽ đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ bố trí vốn duy tu, sửa chữa đảm bảo giao thông.

- Đối với các tuyến đường: Đường từ Chùa Mai Sơn, xã Kha Sơn đi xã Lương Phú, huyện Phú Bình; Các tuyến đường nhánh trên tuyến đường Vành đai Tam Đảo, huyện Đại Từ là các tuyến đường liên xã thuộc huyện quản lý; đề nghị UBND các huyện Phú Bình, Đại Từ nghiên cứu báo cáo UBND tỉnh cho đầu tư, nâng cấp bằng nguồn vốn của địa phương.

16. Cử tri huyện Đại Từ, huyện Phú Bình và các địa phương trong tỉnh tiếp tục đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và xây bổ sung thêm hệ thống kênh mương phục vụ nước tưới cho đồng ruộng, đường bê tông nông thôn, nhất là đối với các xã miền núi, vùng cao người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri các xã phía Bắc huyện Định Hóa đề nghị tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Khuôn Nhà để trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Trả lời:

- UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 30/10/2009 về việc phê duyệt Đề án kiên cố hóa kênh mương nội đồng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015. Với tổng chiều dài kênh mương kiên cố: 1.204.444 m, tổng mức đầu tư 658.209 triệu đồng. UBND tỉnh đã trình Chính phủ và các Bộ ngành xin nguồn vốn đầu tư xây dựng nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí.

- Dự án xây dựng Hồ chứa nước Khuôn Nhà đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 31/10/2010 với tổng mức đầu tư là 179.253. triệu đồng, giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi trực tiếp làm chủ đầu tư. UBND tỉnh trình Chính phủ và các Bộ xin nguồn vốn đầu tư nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí.

- Về hỗ trợ xây dựng đường bê tông nông thôn: Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, năm 2012 HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế vay 50.000 tấn xi măng, hỗ trợ 15.000 triệu đồng, lồng ghép với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung ương (60.000 triệu đồng), để các xã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh có Quyết định ban hành quy định về công tác quản lý, cơ chế huy động, tỷ lệ phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn đối với từng địa phương từ năm 2013 đến năm 2015.

Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn năm 2012: 1.266.000 triệu đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến được 144,6 ha đất. Đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp: 2.967 km đường giao thông nông thôn; 122,2 km kênh mương thuỷ lợi và nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác ở nông thôn.

17. Cử tri huyện Phú Bình đề nghị năm 2013, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn bằng xi măng ngoài các nguồn kinh phí bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trả lời:

Kết luận số 67-KL/TU ngày 08/4/2013 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Thái Nguyên về kết quả 02 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó có nội dung như sau:

Tiếp tục thực hiện chủ trương vay xi măng hỗ trợ cùng với nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương (huyện, xã) và huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như đường giao thông, kênh mương thủy lợi…với phương thức nhân dân tự thi công theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 24/3/2013 của Thủ tướng chính phủ.Thực hiện thống nhất chủ trương vận động nhân dân hiến đất, không hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn như đường giao thông, kênh mương thủy lợi… từ tất cả các nguồn vốn.

Do vậy đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai tiếp nhận và sử dụng tốt, hiệu qủa nguồn xi măng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

18. Cử tri xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai kiến nghị, việc thực hiện chương trình nông thôn mới là rất cần thiết, tuy nhiên tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng thống nhất xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng bước, từng tiêu chí cụ thể, tránh đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Mức đầu tư cần có sự phù hợp đối với từng địa bàn cụ thể, những khu vực miền núi, vùng cao cần có mức đầu tư cao hơn.

Trả lời:

Tại điều 8 chương II của thông tư số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ:

- Khi lập, thẩm định, phê duyệt đề án xây dựng NTM của xã thì đề án phải thể hiện được danh mục các công trình, dự án nhằm đạt được từng tiêu chí quốc gia xã NTM, thứ tự ưu tiên thực hiện;

- Đề án xây dựng NTM của xã bắt buộc phải được người dân, cộng đồng và các đối tượng có liên quan khác tham gia, đóng góp ý kiến. Quy trình lấy ý kiến của cộng đồng như sau: Sau khi ban quản lý dự thảo xong đề án, bản dự thảo đề án được công bố công khai tại trụ sở UBND xã và được chuyển cho các trưởng thôn để chủ trì tổ chức cuộc họp với tất cả các hộ dân trong thôn, có sự tham gia của các đoàn thể xã hội để thảo luận lấy ý kiến đóng góp. Các ý kiến đóng góp của nhân dân được ghi thành biên bản và được chuyển tới Ban quản lý xã và Hội đồng Nhân dân xã.Trong vòng 15 ngày sau khi bản dự thảo đề án được công bố công khai và sau khi đã họp lấy ý kiến của nhân dân, Hội đồng Nhân dân xã tổ chức cuộc họp nghe ý kiến đại diện các thôn, ý kiến giải trình của Ban quản lý xã, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết thông qua đề án hoặc yêu cầu Ban quản lý chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp. Sau khi hoàn chỉnh, trình đề án xây dựng NTM của xã lên UBND huyện thẩm định và phê duyệt và sau khi được phê duyệt phải được công bố công khai cho nhân dân trong xã biết và thực hiện .

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1282 /QĐ-UBND ngày 25/5/2011về việc Phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020, có kèm theo chương trình hành động cụ thể. Trong đó, tỉnh đã phân công cụ thể nhiệm vụ chỉ đạo quản lý, hướng dẫn của các cấp, các ngành, rõ trách nhiệm đơn vị thực hiện từng tiêu chí, từng chỉ tiêu cho cấp xã, cấp thôn và hộ gia đình.

Như vậy trong chương trình xây dựng NTM việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng bước, từng tiêu chí cụ thể được thống nhất từ người dân đến HĐND, UBND xã.

Theo quyết định số 29/2012 /QĐ-UBND ngày 13/9/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã quy định rõ tại điều 4 chương II định mức hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới từ ngân sách nhà nước cho từng xã, cho từng công trình giai đoạn 2012-2015 và số vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước (Ngân sách tỉnh, huyện, thành, thị, ngân sách xã) không vượt quá 80% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Không tính chi phí đền bù giải phóng mặt bằng nếu có), trường hợp đặc biệt thì thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt và báo cáo lại HĐND tại kỳ họp gần nhất. Phần vốn còn lại để hoàn thành công trình theo quyết toán, UBND xã có trách nhiệm huy động từ nhân dân vùng hưởng lợi, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng công trình.

Ở những khu vực vùng núi hiện nay Trung ương và UBND tỉnh đã có những cơ chế chính sách cho các huyện, xã đặc thù, nguồn vốn lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/2/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 Phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn…)

Các địa phương cần chủ động tiếp cận, có các giải pháp, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế.

 

IV. Nhóm ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

1. Cử tri huyện Phổ Yên đề nghị tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Trả lời:

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND ngày 24/3/2009 về việc Ban hành Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; Quyết định 1455/QĐ-UBND ngày 23/6/2009 “Quy định về triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Hàng năm UBND tỉnh giao Sở KH&CN ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị đề xuất các mô hình ứng dụng KH&CN căn cứ nhu cầu của địa phương; Sau khi được Hội đồng chinh sách tuyển chọn các danh mục, Sở KH&CN tổng hợp trình UBND tỉnh ra quyết định các danh mục dự án, mỗi huyện chủ trì ít nhất một dự án ứng dụng KH&CN nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Các Viện Khoa học hay các trường Đại học khi thực hiện các dự án ứng dụng KH&CN lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đều triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.

Trong quá trình thực hiện dự án đều có từ 1-3 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia dự án; đồng thời có cán bộ hướng dẫn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện dự án. Cho nên sau khi kết thúc một dự án có ít nhất từ 40 đến 100 lượt hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật (Tùy theo loại hình kỹ thuật và qui mô sản xuất).

Trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN ở cơ sở và chuyển giao kiến thức cho nông dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Chuyển giao kiến thức KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011-2013” theo Quyết định số 584/QĐ-UBND ngày 10/3/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian 3 năm thực hiện Sở KH&CN xây dựng 28 mô hình ứng dụng KH&CN và tổ chức tập huấn 45 lớp chuyển giao kiến thức cho nông dân và 27 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương. Với mục tiêu:

Chuyển giao, ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh; phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nông thôn, góp phần xóa đói, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân vùng nông thôn miền núi;

Liên kết các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình kinh tế- xã hội ở địa phương; nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN đã thành công, phát huy thế mạnh của địa phương;

Chuyển giao kiến thức KH&CN cho nông dân và đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở để địa phương chủ động tìm kiếm, lựa chọn và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở KH&CN triển khai thực hiện công văn số 1774/UBND-KTN ngày 05/9/2012 về việc xây dựng chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mục tiêu cụ thể như sau:

- Xây dựng 35 mô hình ứng dụng KH&CN trên địa bàn 35 xã điểm xây dựng nông mới của 9 huyện, thành phố, thị xã tỉnh Thái Nguyên nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, xây dựng sản xuất hàng hóa như: khoai tây, đỗ tương, lúa nếp vải và một số loại hoa có giá trị kinh tế…..

- Tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xử lý môi trường… để nâng cao nhận thức về kiến thức KH&CN và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm cho bà con nông dân của 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Mỗi xã triển khai tập huấn ít nhất 1-2 lớp/xã/năm.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng KH&CN và chuyển giao kiến thức khoa học và công nghệ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

2. Cử tri xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trả lời:

Hàng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế thanh tra, kiểm tra thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp; cụ thể năm 2013 Thanh tra Sở Nông và PTNT đã xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác thanh tra gồm 02 cuộc thanh tra hành chính, 04 cuộc thanh tra chuyên ngành và 02 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra về thủ tục hành chính tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón trên địa bàn tỉnh; kiểm tra về công tác quản lý đê điều và các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Đối với các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh tra sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan cùng Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM của tỉnh tiến hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp đường giao thông, kênh mương thuỷ lợi, trạm điện, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hoá và khu thể thao xã, công trình cấp nước sinh hoạt,.. với nội dung là tập trung phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM; tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động của tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Chương trình từ tỉnh đến thôn, xóm; nâng cao nhận thức và khả năng giám sát cộng đồng của các tầng lớp dân cư. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các chủ trương chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước, từ đó tạo lòng tin cho nhân dân, để dân đồng tình hưởng ứng; nhân dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, công sức... của mình để xây dựng NTM.

3. Cử tri các huyện Phú Bình, huyện Đại Từ, huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ, thị xã Sông Công đề nghị Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Có chính sách hỗ trợ về giá vật tư, vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp; tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm từ cây chè. Có cơ chế ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp chuyên chế biến nông sản cho nhân dân.

Trả lời:

* Về quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật:

- Đối với quản lý chất lượng giống cây trồng nông nghiệp: Hàng năm UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn là Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản chỉ đạo về quản lý, cung ứng giống cây trồng phục vụ sản xuất gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng, chuẩn bị giống cây lương thực phục vụ sản xuất. Trong đó yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh cung ứng giống phải thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật của Nhà Nước về chất lượng giống cây trồng, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, về kiểm định sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng hạt giống, phải đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với từng đối tượng giống và cung ứng theo cơ cấu giống đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp. Đồng thời Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng cây chè giống để phục vụ trồng mới, trồng thay thế đối với các vườn ươm.

 Năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp và tham gia Đoàn kiểm tra chất lượng giống lúa trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia - Cục Trồng trọt tổ chức, tiến hành kiểm tra 2 đơn vị (Công ty CP Giống cây trồng Thái Nguyên, Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên) và 3 cơ sở kinh doanh giống.

- Đối với quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp: Thực hiện Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 983/SNN-LN ngày 28/7/2006 về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp được giám sát, quản lý theo quy định chuỗi hành trình giống cây lâm nghiệp theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN. Qua kiểm tra đánh giá về công tác giống cây lâm nghiệp của Tổng cục lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Thái nguyên thực hiện tốt quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên công tác quản lý giống cây lâm nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu giống và cấp giấy chứng nhận lô cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn để đưa vào trồng rừng có liên quan đến thủ tục thanh quyết toán, còn các hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng thì không có cơ sở để kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn.

- Đối với quản lý chất lượng giống vật nuôi: Nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi như sau:

+ Tăng cường kiểm tra công tác quản lý sản xuất con giống tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở ấp mở gia cầm và các cơ sở kinh doanh con giống gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

+ Triển khai quy định hợp chuẩn, hợp quy đối với trang trại chăn nuôi và tổ chức tập huấn cho các trang trại chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm.

Công tác bình tuyển, quản lý đực giống và sản xuất con giống (Thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 7/7/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh giống gia súc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Hướng dẫn số 1207/HD-SNN ngày 20/5/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc bình tuyển, quản lý đực giống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên)

Thực hiện các chương trình, dự án cải tạo và nâng cao chất lượng giống (trâu, bò, lợn) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên góp phần cung cấp giông chất lượng cao phục vụ sản xuất.

- Đối với quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật: Ngành chỉ đạo thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc BVTV trong thời gian tới, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sử dụng thuốc cho người dân; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và sự phối hợp giữa các cấp các ngành trong công tác quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã; quản lý chặt chẽ công tác hội thảo, quảng cáo giới thiệu sản phẩm là thuốc BVTV; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT ngày 25/2/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

* Chính sách hỗ trợ về giá vật tư, vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp; tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm từ cây chè. Có cơ chế ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp chuyên chế biến nông sản cho nhân dân.

- Chính sách của Trung ương: Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển Nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 142/2009/QĐ-TTG ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Chính sách của tỉnh:

+ Chính sách hỗ trợ sản xuất trồng trọt: Trong hai năm 2012, 2013 tỉnh Thái nguyên triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất trồng trọt. Năm 2013 theo Quyết định số 2843/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp năm 2013 tỉnh Thái Nguyên với các chính sách hỗ trợ sản xuất trồng trọt cụ thể: Hỗ trợ sản xuất cây lương thực (gồm: hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai; hỗ trợ mô hình về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật; hỗ trợ sản xuất hạt giống cây lương thực, hỗ trợ mô hình mạng lưới bảo vệ thực vật …); hỗ trợ sản xuất rau màu, cây trồng vụ đông (gồm: giá giống khoai tây, sản xuất đậu tương, bí, cà chua, tập huấn kỹ thuật …); hỗ trợ cây chè trợ giá 100% giống chè mới có năng suất, chất lượng cao cho trồng mới và trồng lại (Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1); hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và tổ chức giám sát cấp giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất chè an toàn.

+ Chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi: Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang áp dụng một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất chăn nuôi, cụ thể là:

Thực hiện theo văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Chăn nuôi và thủy sản; văn bản số 5294/NHNN-TD ngày 20/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra; văn bản số 1007/CN-GSN ngày 17/9/2012 của Cục chăn nuôi về việc triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi.

Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND ngày 28/4/2010 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc quy định hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh: Ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc xử lý chất thải đối với các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, thủy sản cụ thể do UBND tỉnh quyết định: Mức hỗ trợ bằng 10% tổng mức đầu tư, tối đa không quá 5 tỷ đồng.

Văn bản số 1668/UBND-KTN ngày 23/8/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện một số chính sách cấp bách đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cụ thể như sau: Thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 3/4/2013 của UBND tỉnh V/v phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2020 và tiếp tục thực hiện các chính sách của Chính phủ về phát triển chăn nuôi đến năm 2020.

Hiện nay các cơ sở chăn nuôi đang áp dụng các chính sách ưu đãi đối với sản xuất Nông nghiệp gồm: Mức cho vay vốn tín dụng bằng 30-40% định giá tài sản cơ sở chăn nuôi. Ngân hàng chính sách, xã hội: Cho vay 20.000.000 đồng/hộ (người nghèo phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ).

Năm 2013 thực hiện theo chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2843/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp năm 2013 tỉnh Thái Nguyên. Đối với công tác chăn nuôi bao gồm: Hỗ trợ công tác cải tạo giống vật nuôi, xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung và chính sách đối với công tác thú y, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

4. Cử tri huyện Định Hóa đề nghị tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về công tác Khuyến nông, sớm đưa quỹ khuyến nông vào hoạt động, tạo điều kiện cho các hộ dân có thêm nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống.

Trả lời:

Về triển khai thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về công tác Khuyến nông: Ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án hoàn thiện hệ thống khuyến nông tỉnh Thái Nguyên theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP” với nội dung cơ bản sau:

- Hoàn thiện hệ thống khuyến nông:

+ Quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế của các tổ chức trong hệ thống khuyến nông tỉnh Thái Nguyên: Trung tâm khuyến nông tỉnh; Trạm Khuyến nông huyện; Cán bộ khuyến nông xã; cộng tác viên khuyến nông thôn bản.

+ Cơ chế quản lý, phối hợp giữa các tổ chức khuyến nông trong hệ thống khuyến nông tỉnh.

- Cơ chế chính sách cho hoạt động trên địa bàn tỉnh:

+ Ban hành các chính sách về khuyến nông tại địa phương (Quy định đối tượng hỗ trợ, đối tượng tham gia các chương trình dự án khuyến nông; nội dung chi, mức hỗ trợ các hoạt động khuyến nông tại địa phương).

+ Quy định cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động khuyến nông hàng năm của tỉnh Thái Nguyên, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện.

- Chính sách cho cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến xã:

+ Đề nghị bãi bỏ chính sách bắt buộc cán bộ khuyến nông phải đóng 2% bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay vì không phù hợp với thực tế.

+ Quy định phụ cấp đặc thù cho cán bộ khuyến nông như các ngành BVTV và Thú Y.

Về triển khai quỹ khuyến nông: Căn cứ Điều 21 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ quy định nguồn kinh phí hình thành quỹ, sử dụng và quản lý quỹ khuyến nông thì nguồn kinh phí hình thành quỹ khuyến nông từ các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tại Thông tư số 15/2013/TT-BNNPTNT ngày 26/2/2013 quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ nhưng không có hướng dẫn cụ thể về hình thành quỹ, sử dụng và quản lý quỹ khuyến nông để ngành có cơ sở triển khai thực hiện. Vì vậy đến nay tỉnh Thái Nguyên chưa thành lập được quỹ khuyến nông, cũng như chưa huy động được nguồn kinh phí cho quỹ khuyến nông để hỗ trợ sản xuất như cử tri huyện Định Hóa đã nêu.

5. Cử tri huyện Định Hóa đề nghị tỉnh chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc thực hiện đề án 1134 của Chính phủ, thực hiện tốt công tác quy hoạch nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phát triển 3 loại rừng.

Trả lời:

* Đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng: Trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện tốt công tác QLBVR và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Những giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đang tiếp tục thực hiện đó là:

- Lực lượng bảo vệ rừng đã được kiện toàn, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ tỉnh, đến huyện và xã. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về rừng và đất lâm nghiệp theo Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 26/3/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Hạt kiểm lâm các huyện tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, có văn bản chỉ đạo các ngành và UBND cấp xã tổ chức thực hiện. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên kiểm lâm tại các địa bàn trọng điểm để giúp kiểm lâm nắm bắt tình hình, nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

- Kiểm lâm địa bàn thực hiện chức năng tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, phối hợp với các tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR ở cơ sở, thực hiện công tác tuyên truyền, đảm báo chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn.

- Các Ban quản lý rừng có quyết định phân công địa bàn cho cán bộ, công chức, viên chức theo lô, khoảnh, tiểu khu để thực hiện nhiệm vụ QLBVR.

- Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quản lý chặt chẽ các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh như: Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng; khu rừng cảnh quan ATK Định Hóa; khu rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc. Tăng cường kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh chế biến lâm sản. Các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được thiết lập hồ sơ đúng theo quy định của pháp luật, xử lý đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền. Trong khởi tố điều tra hình sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an, Viện Kiểm sát trong điều tra, thiết lập hồ sơ chặt chẽ, xử lý nghiêm.

* Đối với việc thực hiện Quyết định số 1134/QĐ-TTg ngày 21/8/2008 của Chính phủ. Kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc Đề án bảo vệ và phát triển rừng khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2020:

- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng:

Hoàn thành 6 dự án gồm: Dự án Nhà trạm bảo vệ rừng số 3 xã Kim Sơn; Nhà bảo vệ rừng số 1 xã Phú Đình; vườn ươm giống cây lâm nghiệp; tuyến đường từ UBND xã Lam Vĩ đi Nà Tấc; trụ sở làm việc BQL rừng ATK Định Hóa; tuyến đường Bản Nóm đi Tẩm Củm xã Quy Kỳ.

Các Dự án đang triển khai thực hiện năm 2013: Tuyến đường Nà My- Bản Nó- Tân Trào xã Linh Thông; tuyến đường từ UBND xã Tân Dương đi Làng Tràng- Làng Bẩy; tuyến đường An Thịnh đi Khuổi Chao xã Bảo Linh.

03 Dự án đã được phê duyệt Báo cáo KTKT nhưng chưa có vốn thực hiện gồm: Tuyến đường Gốc Thông đi Bảo Biên xã Định Biên; tuyến đường UBND xã Tân Thịnh- Khau Lang- Nà Chúa; nhà trạm bảo vệ rừng số 3 xã Tân Thịnh.

- Dự án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK Định Hóa: Trồng rừng đặc dụng: 325 ha; trồng rừng phòng hộ 213 ha; trồng rừng sản xuất 2516 ha; trồng cây phân tán 91.000 cây; sản xuất cây giống 2,1 triệu cây; khoán BVR 6944 ha; KNTS 2049 ha.

- Dự án hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng rừng của các hộ gia đình tại các điểm di tích lịch sử được quy hoạch thành rừng đặc dụng ATK: Đề cương kỹ thuật được UBND tỉnh phê duyệt, BQLRATK Định Hóa đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng dự án nhưng đến nay chưa được thẩm định và trình phê duyệt.

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan:

Tổ chức thực hiện các Dự án đã được phê duyệt Báo cáo KTKT; tiếp tục xây dựng các Dự án thành phần và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng rừng tại các điểm di tích lịch sử do các hộ gia đình quản lý được quy hoạch thành rừng đặc dụng ATK.

Xây dựng Đề án “Cánh rừng mẫu lớn” tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thâm canh rừng, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, kết hợp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và du lịch sinh thái. Thực hiện chuyển đổi phương thức và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, thoát ly nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, giá trị sản xuất được tính toán khoa học trên cơ sở từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Xây dựng Dự án đầu tư rừng phòng hộ; xây dựng Dự án Kinh doanh rừng sản xuất ATK Định Hóa.

Để việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, ngành đề nghị các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn triển khai các nhiệm vụ của Đề án theo Quyết định 1134/QĐ-TTg; đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý rừng ATK Định Hóa trong tổ chức thực hiện Đề án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

* Đối với công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh: Năm 2006 đã thực hiện rà soát, quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1563/2007/QĐ-UBND ngày 08/8/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2006. Sau 6 năm thực hiện đã bộc lộ một số vấn đề bất cập như: Có những sai lệch về địa danh, vị trí lô, khoảnh rừng và có nơi chưa đáp ứng được tiêu chí từng loại rừng, do vậy rất khó khăn trong công tác quản lý rừng và thực thi pháp luật bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành với chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, quy hoạch phát triển rừng sản xuất còn nặng về quy mô vùng chưa chú trọng tới thị trường và cũng chưa gắn với các cơ sở sản xuất chế biến.

Nhằm thực hiện kiểm tra, rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 787/SNN-LN giao Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên lập đề cương kỹ thuật dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2006 tỉnh Thái Nguyên”. UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương tại Quyết định số 3105/QĐ-UBND ngày 26/12/2012; Sở Tài Chính đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán với tổng số vốn: 805.000.000 đồng.

Đến nay, đã tiến hành tổ chức hội nghị triển khai, rà soát, điều chỉnh ngoài thực địa tại các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, đây là những địa phương có diện tích đề nghị điều chỉnh lớn. Dự kiến việc điều chỉnh ngoài thực địa trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước tháng 7/2013.

 

V. Nhóm ý kiến về lĩnh vực thi hành pháp luật, an ninh trật tự

1. Cử tri trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến môi trường xã hội xung quanh các nhà trường, đặc biệt là việc quản lý hoạt động của các cửa hiệu cầm đồ, quán karaoke, quán internet đã được cấp phép hoạt động.

Trả lời:

Căn cứ vào Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện việc cấp phép cho các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá theo chức năng (karaoke) theo đúng quy định. Những trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke cách cổng các trường học (Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông trung học) dưới 200m không được cấp phép theo quy định. Tại khu vực xung quanh cổng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa cấp phép cho hộ kinh doanh karaoke nào. Ngoài ra, Thanh tra Sở, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, Đội 814 của các huyện, thành phố, thị xã cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke có vi phạm.

2. Cử tri phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên đề nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra, xem xét lại tư cách pháp nhân của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động và có biện pháp giải quyết đối với doanh nghiệp không có trách nhiệm đến cùng khi đưa người đi xuất khẩu lao động.

Trả lời:

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Luật số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp phải được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và cấp phép theo quy định. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (với chức năng quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động) đã kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp (bao gồm: giấy phép do Bộ Lao động - TBXH cấp, phiếu trả lời chấp thuận đơn hàng của Cục Quản lý lao động ngoài nước, giấy đăng ký hoạt động kinh doanh ...) sau đó giới thiệu về các huyện, thành phố, thị xã để phối hợp tuyển chọn lao động. Tất cả các doanh nghiệp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đều có đủ tư cách pháp nhân để đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.

Việc có biện pháp giải quyết đối với doanh nghiệp không có trách nhiệm đến cùng khi đưa người đi xuất khẩu lao động: Tất cả các trường hợp có đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi đến Sở Lao động - TBXH đều được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và đều được giải quyết đến cùng. Tuy nhiên UBND tỉnh cũng đề nghị các cử tri, người dân trên địa bàn tỉnh phản ánh kịp thời về những doanh nghiệp không thực hiện hết nghĩa vụ của mình đối với người lao động.

Với chức năng quản lý nhà nước, Sở Lao động - TBXH có trách nhiệm giải quyết dứt điểm mọi tồn tại liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

3. Cử tri trường Cao đẳng Y tế, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành công an có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông, lạng lách, đánh võng; ngăn chặn, từng bước giảm dần các vụ tai nạn giao thông. Tăng cường lực lượng trấn áp một số đối tượng côn đồ vào gây rối tại các trường học, quản lý tốt học sinh, sinh viên ở các nhà trọ trong việc khai báo tạm trú, tạm vắng. Đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, nhất là tại các khu vực nhiều cơ sở giáo dục.

Trả lời:

- Về công tác đảm bảo TTATGT: Trong những năm qua, không riêng ở Thái Nguyên mà tất cả các địa phương trên toàn quốc tình hình TTATGT đều còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông đường bộ, số lượng người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra nhiều, nguyên nhân do mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, số lượng xe ô tô, mô tô tiếp tục tăng nhanh trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh đó ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nên vi phạm các quy định về TTATGT còn xảy ra nhiều. Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngành các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT. Đặc biệt Công an tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch 252/KH-CAT thành lập đội công tác đặc biệt gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát ĐTTP về TTXH, Cảnh sát ĐTTP về ma túy, từ ngày 01/02/2013 tiến hành TTKS trên các tuyến trọng điểm để kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ và các vi phạm pháp luật khác, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Trong quý I năm 2013, lực lượng Công an đã lập 11.612 biên bản vi phạm về TTATGT đường bộ, trong đó có 61 trường hợp lạng lách đánh võng, đã phạt tiền 10.503 trường hợp =7.455.460.000đ, tước giấy phép lái xe có thời hạn 947 trường hợp, thông báo đến địa chỉ thường trú, cơ quan, đơn vị công tác của người vi phạm 1.050 trường hợp. Tổ chức 08 lớp hướng dẫn và kiểm tra lại Luật giao thông đường bộ cho 183 lái xe bị tước GPLX 60 ngày theo Thông tư liên tịch số 02/TTLT-BCA-BGTVT. Do thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo TTATGT nên trong quý I năm 2013 số vụ tai nạn giao thông trên toàn tỉnh đã giảm cả 03 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể: Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 82 vụ; làm chết 33 người, bị thương 78 người, giảm 25 vụ=23,36%, giảm 21 người chết=38,89%, giảm 24 người bị thương=23,53%.

Để tiếp tục bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các nội dung công tác trọng tâm sau:

+ Phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, chương trình hành động của Chính phủ, của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và của Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

+ Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể... thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo đảm TTATGT, hạn chế TNGT. Tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về TTATGT bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp để tất cả các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành khi tham gia giao thông.

+ Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như vi phạm về tốc độ, phần đường, vượt xe, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, điều khiển xe ô tô chở quá trọng tải quy định... Kiên quyết khởi tố, đề nghị truy tố trước pháp luật tất cả các đối tượng vi phạm TTATGT gây ra TNGT hậu quả đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Về công tác tăng cường lực lượng trấn áp một số đối tượng côn đồ vào gây rối tại các trường học, quản lý tốt học sinh, sinh viên ở các nhà trọ:

Thái Nguyên là một trong những trung tâm Giáo dục & Đào tạo lớn của Việt Nam, đứng thứ 3 toàn quốc (sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), có 10 trường Đại học, 19 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề với hơn 140 nghìn học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố phía bắc về học, số học sinh, sinh viên ở ngoại trú chiếm tỷ lệ gần 80%; đây là điều kiện để các đối tượng cơ hội lợi dụng phạm tội cũng như gây rối, học sinh, sinh viên dễ vi phạm pháp luật, từ đầu năm 2013 đến nay xảy ra 02 vụ các đối tượng vào gây rối tại trường học; 07 vụ, 10 đối tượng là học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật hình sự. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng bảo vệ chuyên trách của các trường học với lực lượng công an phường, xã sở tại chưa được thường xuyên liên tục; lực lượng bảo vệ chuyên trách của một số trường học hoạt động không có hiệu quả, chưa phát huy hết trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời khi có vụ việc xảy ra, hoặc lo sợ các đối tượng trả thù nên khi xảy ra vụ việc, bảo vệ nhà trường không dám tố cáo hành vi vi phạm của các đối tượng đến các cơ quan chức năng...Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo lực lượng Công an tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và giữ gìn TTATXH trên địa bàn, trong đó có cả công tác đấu tranh trấn áp các đối tượng côn đồ vào gây rối tại các trường học, công tác quản lý học sinh, sinh viên ở các nhà trọ trong việc khai báo tạm trú, tạm vắng, thời gian qua tình hình ANTT trong các trường học cơ bản ổn định. Trong thời gian tới tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các nội dung công tác trọng tâm sau:

+ Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền phổ biến đến học sinh, sinh viên trong các khu ký túc xá và các khu nhà trọ về cách phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng côn đồ vào gây rối tại các trường học, nhà trọ. Tuyên truyền tới học sinh, sinh viên biết về các thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thường xảy ra tại những khu vực trên để phòng tránh.

+ Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ chuyên trách của các trường học với lực lượng công an phường, xã sở tại trong công tác phối hợp và trao đổi thông tin, từ đó kịp thời ngăn chặn giải quyết tình trạng các đối tượng côn đồ vào gây rối tại nhằm bảo đảm ANTT các khu vực trường học. Để làm tốt việc này đề nghị Ban giám hiệu các nhà trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh lực lượng bảo vệ chuyên trách của nhà trường về thái độ, tác phong làm việc, nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này trong công tác bảo đảm giữ gìn ANTT trường học.

+ Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý học sinh, sinh viên theo các nội dung quy định tại Quyết định số 1718/2007/QĐ ngày 28/8/2007 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú và công tác bảo vệ ANTT trong trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT-BGD&ĐT-BCA ngày 20/11/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Quy chế phối hợp số 715/QCPH ngày 28/5/2010 của Công an tỉnh Thái Nguyên - Sở GD&ĐT Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên về triển khai thực hiện thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT-BGD&ĐT-BCA; tăng cường kiểm tra học sinh, sinh viên ngoại trú, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nhà trọ, học sinh, sinh viên vi phạm Luật cư trú cũng như các quy định về quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú.

4. Cử tri Đinh Thị Thế, tổ dân phố số 4B, phường Phố Cò, thị xã Sông Công đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành Thanh tra trả lại tài sản cho nhân dân theo bản án đã được tòa án thành phố tuyên, đã có hiệu lực pháp luật.

Trả lời:

4.1. Sơ bộ việc vay, trả tiền liên quan đến vụ án

Theo hồ sơ lưu lại tại cơ quan Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, việc vay tiền giữa Trạm chế biến Lâm sản Sông Công thuộc Công ty Lâm sản Bắc Thái, từ năm 1996 mà đại diện là bà Đinh Thị Thế với tư cách là Trưởng Trạm chế biến Lâm sản Sông Công, đại diện đứng tên vay và sử dụng tiền của cơ quan Thanh tra tỉnh. Đại diện cho vay tiền của cơ quan Thanh tra tỉnh là bà Tiêu Thị Điềm, Phó Chánh Thanh tra tỉnh (hiện nay còn lưu đầy đủ hợp đồng giữa 2 cơ quan, Giấy giới thiệu của Giám đốc Công ty Lâm sản Bắc Thái ký để bà Đinh Thị Thế đi vay tiền cho Công ty để kinh doanh, biên bản xác nhận công nợ giữa các bên có đầy đủ thành phần Giám đốc Công ty, Kế toán trưởng Công ty, bà Đinh Thị Thế cùng nhiều thành phần có liên quan khác; Bản án xét xử công nợ giữa Công ty Lâm sản Bắc Thái với cơ quan Thanh tra tỉnh...). Như vậy, trong hồ sơ lưu lại tại cơ quan Thanh tra tỉnh cho thấy từ thời điểm đó cho tới nay cơ quan Thanh tra tỉnh chỉ có quan hệ cho vay tiền đối với Trạm Chế biến Lâm sản Sông công mà bà Đinh Thi Thế làm Trạm Trưởng được Giám Đốc Công ty Lâm sản Bắc Thái giới thiệu và Ủy quyền đã được giải quyết Thanh toán xong. Cơ quan Thanh tra tỉnh không có bất cứ quan hệ dân sự nào đối với cá nhân bà Đinh Thị Thế trong việc vay và trả tiền của Công ty Lâm sản Bắc Thái.

4.2. Một số diễn biến cơ bản có liên quan trong vụ án

Ngày 16/12/2008 Thanh tra tỉnh nhận được Giấy triệu tập số 219/GTT-TA do Thẩm phán Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên ký; Ngày 19/12/2008 Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 391/CV-TTr trả lời Tòa án T.P Thái Nguyên là cơ quan Thanh tra tỉnh và ông Chánh Thanh tra tỉnh không có trách nhiệm tham gia vụ án vì không có liên quan và không có trách nhiệm giải quyết quan hệ của cơ quan Thanh tra tỉnh với bà Đinh Thị Thế, trong buổi làm việc với Tòa án T.P Thái Nguyên, Chánh Thanh tra tỉnh đã cung cấp Biên bản bàn giao điều hành quản lý cơ quan Thanh tra tỉnh và biên bản bàn giao Tài chính ngày 18/8/2008 giữa Ông Đỗ Cao Khanh, Chánh Thanh tra tỉnh được nghỉ Hưu với Ông Phạm Bình Định Nhận điều hành và quản lý cho cán bộ Tòa án nắm bắt.

Đến ngày 27/7/2011 Thanh tra tỉnh nhận được Bản án số 25/2011/DS-ST, ngày 19/7/2011 của Toàn án Nhân dân T.P Thái Nguyên, xử vắng mặt Chánh Thanh tra tỉnh. Thanh tra tỉnh không kháng nghị Bản án với lý do Bản án vi phạm pháp luật và Chánh Thanh tra tỉnh không có trách nhiệm tham gia và thi hành Bản án nên không kháng nghị.

Thanh tra tỉnh Nhận được quyết định Thi hành án số 1564 ngày 24/8/2011 của cơ quan Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên; Tại biên bản làm việc với Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên, Chánh Thanh tra tỉnh cũng khẳng định cơ quan Thanh tra tỉnh và ông Chánh Thanh tra tỉnh Không chấp nhận thi hành quyết định của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố.

Ngày 29/6/2012 Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên có Quyết định số 51/QĐ-CCTHA cưỡng chế tiền trong tài khoản của cơ quan Thanh tra tỉnh tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, không được Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên chấp hành vì vi phạm Luật Ngân sách và Luật Tố tụng dân sự trong cưỡng chế thi hành án.

4.3. Quá trình làm việc và văn bản báo cáo của Thanh tra tỉnh

- Khi nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên, Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 391/CV-TTr Ngày 19/12/2008 về việc nêu lý do và trả lời không có trách nhiệm tham gia vụ án.

- Tại buổi làm việc với thẩm phán Tòa án Thành phố (bà Hoàng Thúy Kiên) Thanh tra tỉnh đã xuất trình Biên bản bàn giao quản lý điều hành, biên bản bàn giao quản lý tài chính của nguyên Chánh Thanh tra là ông Đỗ Cao Khanh bàn giao cho người mới điều hành.

- Khi nhận được Quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên. Thanh tra tỉnh đã có buổi làm việc với Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án Thành Phố và đã có Công văn số 271/CV-TTr ngày 27/10/2011 về việc nêu lý do và trả lời không có trách nhiệm thi hành bản án, cũng đã gửi công văn báo cáo các cơ quan tư pháp tỉnh như Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

- Ngày 02/7/2012 Thanh tra tỉnh nhận được Quyết định số 51/QĐ-CCTHA ngày 29/6/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên. Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 25/TTr-VP ngày 11/7/2012 báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tòa án Nhân dân Tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên về việc sai phạm của vụ án, sai phạm của Quyết định cưỡng chế Thi hành án và việc không chấp hành của Thanh tra tỉnh.

4.4. Ý kiến và đề nghị của Thanh tra tỉnh: Theo hồ sơ còn lưu tại cơ quan Thanh tra tỉnh khẳng định: Cơ quan Thanh tra tỉnh chỉ có quan hệ dân sự trong việc cho vay và thanh toán tiền vay đối với Trạm Chế biến lâm sản Sông Công được Công ty Lâm sản Bắc Thái giới thiệu và Ủy quyền được thể hiện trên Giấy giới thiệu, Hợp đồng vay trả giữa 2 cơ quan và các biên bản xác nhận công nợ giữa Công ty và cơ quan Thanh tra tỉnh cho thấy cơ quan Thanh tra tỉnh không hề có quan hệ dân sự đối với cá nhân bà Đinh Thị Thế trong quan hệ vay trả tiền.

Chánh Thanh tra tỉnh đã làm việc với Thẩm phán Tòa án Thành Phố (bà Hoàng Thúy Kiên) xuất trình biên bản bàn giao quản lý điều hành cơ quan, biên bản bàn giao quản lý tài chính và có công văn số 391/CV-TTr Ngày 19/12/2008, khẳng định Chánh Thanh tra tỉnh đang điều hành quản lý cơ quan không có trách nhiệm tham gia vụ án vì không được bàn giao và trong bàn giao thể hiện trách nhiệm thuộc về người tiền nhiệm trước đây. Mặt khác tất cả mọi nguồn kinh phí của cơ quan từ khi bàn giao năm 2008 không còn có bất kỳ một nội dung chi tiết nào, một khoản nào liên quan đến vụ án.

Từ thực tế và bản chất quan hệ vay trả tiền nêu trên cho thấy, Cơ quan Tố tụng T.P Thái Nguyên xác định sai đối tượng, không đúng mối quan hệ phải thụ lý của Luật Tố tụng dân sự đã được Chánh thanh tra tỉnh báo cáo nhưng không nghiên cứu xem xét cố ý dùng quyền lực của mình làm trái qui định của pháp luật.

Vì không có trách nhiệm tham gia vụ án nên Thanh tra tỉnh không có trách nhiệm thi hành Bản án và không có kháng án.

Từ Bản án sai dẫn đến Quyết định Thi hành án sai theo, cơ quan Thanh tra tỉnh cũng đã báo cáo cơ quan Thi hành án biết rõ bản chất quan hệ sai phạm của quá trình thụ lý và xét xử của Tòa án Nhân dân thành phố. Nhưng cơ quan Thi hành án cũng không nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét lại vụ án mà tiếp tục ra Quyết định cưỡng chế Thi hành án là vi phạm Luật Ngân sách và Luật Tố tụng dân sự.

Việc Hợp đồng của cơ quan Thanh tra tỉnh cho vay tiền đối với Trạm Chế biến Lâm sản Sông Công Thuộc Công ty Lâm sản Bắc Thái năm 1996 là vi phạm qui định của Nhà nước, sai phạm xảy ra đã lâu. Việc xem xét và xử lý thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không liên quan đến quan hệ dân sự giữa cơ quan Thanh tra tỉnh với cá nhân bà Đinh Thị Thế mà vụ án đem ra xét xử.

Từ Bản chất sự việc nêu trên Thanh tra tỉnh báo cáo và đề nghị như sau:

Thanh tra tỉnh không có trách nhiệm tham gia vụ án nên không có trách nhiệm chấp hành Bản án và Quyết định Thi hành án. Mặt khác Thanh tra tỉnh không có bất cứ điều kiện về kinh tế lẫn tính pháp lý để thực hiện Quyết định Thi hành án.

Với các nội dung, tình tiết như trên, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan tố tụng xem xét lại vụ án mà cử tri Đinh Thị Thế kiện cơ quan Thanh tra tỉnh; đồng thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ.

5. Cử tri huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên và một số địa phương trong tỉnh phản ánh hiện nay vấn đề tai nạn giao thông, tệ nạn cờ bạc, nghiện ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, đề nghị tỉnh có những giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi những tai, tệ nạn xã hội nêu trên.

Trả lời:

Trước hết, UBND tỉnh đồng ý với nội dung đánh giá của cử tri về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở một số địa phư­ơng hiện nay còn diễn biến rất phức tạp, tính chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn. Đối tượng tham gia hoạt động tội phạm hầu hết đã có tiền án, tiền sự về ma túy, sau khi hết hạn cải tạo về địa phương lại tiếp tục phạm tội, do đó chúng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Mặt khác, do số người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, theo tổng hợp báo cáo của các đơn vị, địa phương tính đến 31/3/2013 số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý là 5.208 người, (giảm 11 người so với cuối năm 2012), trong đó: số đang sinh sống tại cộng đồng là 4.134 người; số đang ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam do Công an tỉnh quản lý là 83 người; số đang cai nghiện tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH của tỉnh, huyện là 811 người. Thái Nguyên được xác định là tỉnh có số lượng người nghiện nhiều thứ 5 toàn quốc, vì vậy nhu cầu cung cấp ma túy lớn, đặc biệt lợi nhuận từ hoạt động mua bán ma túy đem lại rất cao, nên mặc dù phát hiện, bắt giữ nhiều, xử phạt nghiêm khắc xong chúng vẫn tiếp tục phạm tội. Đặc biệt Thái Nguyên là một trong những trung tâm Giáo dục & Đào tạo lớn của Việt Nam, đứng thứ 3 toàn quốc, có số học sinh, sinh viên đông; phần lớn là người ngoài tỉnh, sống xa nhà và thuê trọ tại các khu vực tập trung quanh các trường học, đây là điều kiện để các đối tượng liên quan đến tệ nạn ma túy lợi dụng rủ rê, lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia.

Tình hình tệ nạn cờ bạc: còn xảy ra tương đối phức tạp, các đối tượng thường chọn địa điểm ở các vùng giáp ranh, đồi núi hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, cử người canh gác từ xa; sử dụng hệ thống máy FAX, Internet, ĐTDĐ… để tổ chức đánh bạc; trong 5 tháng đầu năm 2013 lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ tổng số 126 vụ, 568 đối tượng, khởi tố 34 vụ 210 bị can, kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố 28 vụ 159 bị can.

* Về các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn đã triển khai, thực hiện:

- Công tác tham mưu, chỉ đạo PCMT:

+ Với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của tỉnh; Công an tỉnh đã chủ động tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện việc: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Đề án tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2013 đến năm 2015.

+ Tham mưu phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với Tỉnh đoàn Thái Nguyên thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Công an về Phối hợp hành động PCMT trong thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015”.

+ Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã có kế hoạch tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý” tại phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên và xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

- Về công tác cai nghiện và phòng ngừa xã hội:

+ Ngành Lao động thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định: phê duyệt kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm quản lý sau cai nghiện tỉnh Thái Nguyên; Đề án thí điểm mở rộng mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2015 (thời gian thực hiện trong 3 năm; địa bàn thực hiện đề án gồm 50 xã phường, thị trấn của 09 đơn vị huyện, thành phố, thị xã; dự kiến cai nghiện cho 750 người); Đồng thời tham mưu để UBND tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề tài nhánh nghiên cứu triển khai, đánh giá hiệu quả thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (hiện đang tiến hành điều trị cho 100 người nghiện tại 3 đơn vị là T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình và Đồng Hỷ).

+ Tính đến hết ngày 30/4/2013 toàn tỉnh đã cai nghiện được 268 người, trong đó: Cai bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh: 29 người; Cai bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội các huyện, thành phố: 91 người; Cai tại gia đình, cộng đồng: 148 người; Hiện đang quản lý tại trung tâm sau cai của tỉnh (đóng tại huyện Phú Bình) là 5 người.

+ UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại T.P Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và Phổ Yên và sẽ triển khai điều trị tại cơ sở huyện Phú Lương trong quý III năm 2013. Tính đến 30/4/2013 tổng số bệnh nhân đang được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 1.412 người.

+ Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, thống kê số đối tượng thi hành án phạt tù còn ngoài xã hội; số người có án phạt tù về cư trú tại địa phương theo chỉ đạo của Bộ Công an để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng động dân cư, gắn thực hiện các nội dung công tác PCTP với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bước đầu đã làm hạn chế sự gia tăng tội phạm, tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

- Về công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp của lực lượng Công an:

+ Lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa, quản lý đối tượng; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán Qúy Tỵ 2013, tập trung đấu tranh mạnh các ổ, nhóm tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, cướp, cướp giật tài sản, chống người THCV... tăng cường thực hiện công tác kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi răn đe, giáo dục cải tạo người lầm lỗi, đối tượng trong diện quản lý, tù tha, đặc xá trở về địa phương... Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát vũ trang ban đêm tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp góp phần bảo đảm, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Kết quả đã khám phá 452/506 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 89,33%; Án đặc biệt nghiêm trọng khám phá 13/14 vụ = 92,86%; Khởi tố điều tra 391 vụ, 745 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 325 vụ, 556 bị can; Bắt tổng số 589 đối tượng, trong đó có 61 đối tượng có lệnh truy nã, thu hồi tài sản trị giá 2,709 tỷ đồng trả bị hại.

+ Phát hiện, bắt giữ 126 vụ, 568 đối tượng đánh bạc, thu giữ 356,401 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan, kết quả xử lý bằng hình sự 44 vụ, 271 bị can.

+ Phát hiện bắt giữ 182 vụ, 220 đối tượng phạm các tội về ma túy; thu giữ 719,9 gram Hêrôine; 268,29 gram + 601 viên ma tuý tổng hợp, 01 khẩu súng, trên 791 triệu đồng cùng nhiều vật chứng có liên quan; kết quả xử lý khởi tố điều tra 168 vụ, 198 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 165 vụ, 179 bị can. Đáng chú ý, trong số các vụ ma túy đã phát hiện, bắt giữ có nhiều vụ các đối tượng phạm tội, mua bán, vận chuyển số lượng ma túy khá lớn.

- Các giải pháp nhằm ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn cờ bạc và ma túy: Để đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn cờ bạc và ma túy trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện những nội dung công tác trọng tâm như sau:

+ Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và phòng chống tội phạm mua bán người năm 2013; trong đó cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng động dân cư; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT tại địa bàn.

 + Lực lượng Công an toàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc, ma túy, tập trung đấu tranh quyết liệt với các tụ điểm cờ bạc phức tạp, các đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển ma túy lớn; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại các khu vực có nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý người sau cai nghiện; công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

* Về các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn đã triển khai, thực hiện:

- Công tác tham mưu, chỉ đạo PCMT:

+ Với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của tỉnh; Công an tỉnh đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện việc: Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Đề án tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2013 đến năm 2015.

+ Tham mưu phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với Tỉnh đoàn Thái Nguyên thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Công an về Phối hợp hành động PCMT trong thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015”.

+ Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã có kế hoạch tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý” tại phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên và xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

- Về công tác cai nghiện và phòng ngừa xã hội:

+ UBND tỉnh đã ban hành Quyết định: phê duyệt kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm quản lý sau cai nghiện tỉnh Thái Nguyên; Đề án thí điểm mở rộng mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2015 (thời gian thực hiện trong 3 năm; địa bàn thực hiện đề án gồm 50 xã phường, thị trấn của 09 đơn vị huyện, thành phố, thị xã; dự kiến cai nghiện cho 750 người); Đồng thời tham mưu để UBND tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề tài nhánh nghiên cứu triển khai, đánh giá hiệu quả thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (hiện đang tiến hành điều trị cho 100 người nghiện tại 3 đơn vị là T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình và Đồng Hỷ).

+ Tính đến hết ngày 30/4/2013 toàn tỉnh đã cai nghiện được 268 người, trong đó: Cai bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh: 29 người; Cai bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội các huyện, thành phố: 91 người; Cai tại gia đình, cộng đồng: 148 người; Hiện đang quản lý tại trung tâm sau cai của tỉnh (đóng tại huyện Phú Bình) là 5 người.

+ UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại T.P Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và Phổ Yên và sẽ triển khai điều trị tại cơ sở huyện Phú Lương trong quý III năm 2013. Tính đến 30/4/2013 tổng số bệnh nhân đang được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 1.412 người.

+ Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, thống kê số đối tượng thi hành án phạt tù còn ngoài xã hội; số người có án phạt tù về cư trú tại địa phương theo chỉ đạo của Bộ Công an để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng động dân cư, gắn thực hiện các nội dung công tác PCTP với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bước đầu đã làm hạn chế sự gia tăng tội phạm, tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

- Về công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp của lực lượng Công an:

+ Lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa, quản lý đối tượng; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán Qúy Tỵ 2013, tập trung đấu tranh mạnh các ổ, nhóm tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, cướp, cướp giật tài sản, chống người THCV... tăng cường thực hiện công tác kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi răn đe, giáo dục cải tạo người lầm lỗi, đối tượng trong diện quản lý, tù tha, đặc xá trở về địa phương... Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát vũ trang ban đêm tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp góp phần bảo đảm, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Kết quả đã khám phá 452/506 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 89,33%; Án đặc biệt nghiêm trọng khám phá 13/14 vụ = 92,86%; Khởi tố điều tra 391 vụ, 745 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 325 vụ, 556 bị can; Bắt tổng số 589 đối tượng, trong đó có 61 đối tượng có lệnh truy nã, thu hồi tài sản trị giá 2,709 tỷ đồng trả bị hại.

+ Phát hiện, bắt giữ 126 vụ, 568 đối tượng đánh bạc, thu giữ 356,401 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan, kết quả xử lý bằng hình sự 44 vụ, 271 bị can.

+ Phát hiện bắt giữ 182 vụ, 220 đối tượng phạm các tội về ma túy; thu giữ 719,9 gram Hêrôine; 268,29 gram + 601 viên ma tuý tổng hợp, 01 khẩu súng, trên 791 triệu đồng cùng nhiều vật chứng có liên quan; kết quả xử lý khởi tố điều tra 168 vụ, 198 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 165 vụ, 179 bị can. Đáng chú ý, trong số các vụ ma túy đã phát hiện, bắt giữ có nhiều vụ các đối tượng phạm tội, mua bán, vận chuyển số lượng ma túy khá lớn.

- Các giải pháp nhằm ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn cờ bạc và ma túy: Để đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn cờ bạc và ma túy trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện những nội dung công tác trọng tâm như sau:

+ Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và phòng chống tội phạm mua bán người năm 2013; trong đó cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng động dân cư; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT tại địa bàn.

 + Lực lượng Công an toàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc, ma túy, tập trung đấu tranh quyết liệt với các tụ điểm cờ bạc phức tạp, các đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển ma túy lớn; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại các khu vực có nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý người sau cai nghiện; công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

6. Cử tri huyện Phú Bình có ý kiến: thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ nổ tại nhà giám đốc Công an tỉnh. Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra giải quyết dứt điểm và thông báo kết quả để nhân dân được biết.

Trả lời:

Vụ nổ xảy ra hồi 02h10’ ngày 07/01/2012, tại trước cửa nhà Đ/c Nguyễn Như Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, thuộc tổ 26, P. Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, ngay sau khi vụ việc xảy ra cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trực tiếp chủ trì khám nghiệm, điều tra, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp, hiện nay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an tỉnh vẫn đang tích cực tiến hành điều tra làm rõ đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

VI. Một số lĩnh vực khác

1. Cử tri T.P Thái Nguyên phản ánh việc cơ quan nhà nước chậm giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, giải quyết không bằng một quyết định hành chính mà bằng công văn là nguyên nhân của một số vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm đến quy trình trả lời đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật.

Trả lời:

Nguyên nhân việc chậm giải quyết khiếu nại của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đó là:

- Nhận thức và năng lực của một số cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trong thực hiện các qui định của pháp luật còn hạn chế, pháp luật khiếu nại còn yếu; đặc biệt có một số cán bộ còn thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chưa chú trọng quan tâm đến bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân.

- Chế tài xử lý trong luật pháp chưa đủ mạnh chưa cụ thể để xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân tổ chức thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ không nghiêm túc, bị coi thường.

- Khi các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền được giao thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại, đã có báo cáo kết quả thụ lý, xác minh vụ việc, nhưng cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định giải quyết vụ việc còn chậm không đúng thời gian theo quy định của pháp luật.

- Việc quản lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan bị khiếu nại và các cơ quan có liên quan không được đầy đủ, kịp thời; việc cung cấp hồ sơ, chứng cứ của người khiếu nại không đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc xác minh, giải quyết chậm.

- Có một số vụ việc đã được các ngành, các cấp quan tâm giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật hiện hành, nhưng do một số cơ chế chính sách còn chưa đảm bảo được sự hài hoà giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội nên người dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

- Một số vụ việc tuy đã được giải quyết đúng pháp luật “thấu tình, đạt lý” nhưng vẫn còn khiếu nại do nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế hoặc do bị kẻ xấu kích động.

- Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị còn thiếu thống nhất, còn có sự lúng túng giữa việc áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục với xử lý nhằm vừa đảm bảo tính công khai, dân chủ với đảm bảo kỷ cương pháp luật.

Để đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành theo đúng quy định của pháp luật, tỉnh Thái Nguyên đã mời Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ tập huấn Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các qui định của pháp luật có liên quan cho cán bộ lãnh đạo quản lý, lãnh đạo chuyên môn và toàn thể cán bộ, công chức làm công tác Thanh tra của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, các tổ chức Chính trị xã hội, Văn phòng và các Ban của Tỉnh uỷ trong 2 ngày 02 và 03//4/2013.

2. Cử tri phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên có ý kiến: việc tuyên truyền “sửa đổi lối làm việc” theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cần thiết. Tuy nhiên cần tránh hình thức; công tác tuyên truyền phải đi đôi với việc thực hiện; đặc biệt là trong vấn đề nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

Trả lời:

Hiện nay, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương đang tích cực triển khai, thực hiện Kết luận Hội nghị TW 3 (khóa XI) và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 26/9/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015”, đồng thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị đang thực hiện học tập và làm theo những nội dung Bác Hồ dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tuy nhiên việc học tập và làm theo còn hạn chế. Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thiết thực và hiệu quả đồng thời gắn với phẩm chất đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Theo Luật Cán bộ, công chức quy định về văn hóa giao tiếp với nhân dân thì cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, quy định trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, đã quy định rõ chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; quy định người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này của cơ quan, đơn vị cấp dưới.

Thực hiện Đề án Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, các cấp, các ngành đã triển khai các nội dung về văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đặc biệt đối với cán bộ, công chức tiếp xúc giải quyết, xử lý công việc liên quan trực tiếp đến tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ cần có sự tích cực, chủ động kiểm tra, giám sát của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trên, để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

3. Cử tri xã Đào Xá, huyện Phú Bình, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương kiến nghị tỉnh cho phép tách xóm vì hiện nay trên địa bàn xã có nhiều xóm có từ 200 đến 400 hộ dân. Cử tri huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên cũng phản ánh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện còn chậm, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện giải quyết kịp thời cho nhân dân.

Trả lời:

* Về việc cử tri xã Đào Xá, huyện Phú Bình, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương kiến nghị tỉnh cho phép tách xóm vì hiện nay trên địa bàn xã có nhiều xóm có từ 200 đến 400 hộ dân.

Hiện nay, việc chia tách hay sáp nhập xóm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 3, Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã quy định:

 "2. Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.

3. Khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố.

4. Các thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới ở vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khắn, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới có thể thấp hơn các quy định tại Điều 7 Thông tư này".

Vì vậy, không có căn cứ thực hiện việc chia tách xóm, tổ dân phố đang hoạt động ổn định.

* Về việc Cử tri huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện còn chậm, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện giải quyết kịp thời cho nhân dân.

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã cấp GCN cho 195.812,69 ha, đạt 74,37% diện tích đất cần cấp, trong đó:

- Huyện Phú Bình đã cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân được 14.511,08 ha, đạt 76,78%;

- Huyện Phổ Yên đã cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân được 15.058,58 ha, đạt 86,8%.

Trong năm 2013, thực hiện theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội “Bảo đảm đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước”. Toàn tỉnh Thái Nguyên đang tập trung đẩy mạnh thực hiện việc cấp Giấy CN.QSD đất để đảm bảo thực hiện đạt trên 85% diện tích cần cấp Giấy chứng nhận, đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 30/2012/QH13. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, đôn đốc các đơn vị huyện, thành, thị nói chúng và UBND huyện Phổ Yên, Phú Bình nói riêng để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy CN QSD đất đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

4. Cử tri xã Minh Tiến, huyện Đại Từ đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành giao thông xây dựng tuyến xe Buýt Minh Tiến - Đại Từ - Thái Nguyên.

Trả lời:

- Kể từ khi đề án xe buýt trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang có 10 tuyến xe buýt đang hoạt động ổn định. Trong đó trên địa bàn huyện Đại Từ có tuyến xe buýt số 02 chạy tuyến Gang Thép - Trung tâm thị trấn Đại từ- ngã ba Yên Lãng với cự ly 50km, do doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hà khai thác; Tuyến xe buýt số 03 chạy tuyến Thái Nguyên - Trung tâm thị trấn Đại Từ - cầu Ký Phú với cự ly 40km, do Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan khai thác. Hai tuyến trên hầu hết có lộ trình qua nội thị T.P Thái Nguyên, Quốc lộ 3, Quốc lộ 37 và ĐT261.

- Quy hoạch GTVT tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng 2030 sẽ mở rộng thêm các tuyến xe buýt trên các tuyến Quốc lộ, đường vành đai đưa hoạt động vận tải xe buýt đến trung tâm các cụm xã trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư mở mới hay nâng cấp, kéo dài các tuyến xe buýt được các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nghiên cứu rất kỹ, phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư cho từng tuyến.

- Với kiến nghị của cử tri xã Minh Tiến, UBND tỉnh sẽ giao Sở Giao thông và Vận tải làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt hai doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải xe buýt qua địa bàn huyện Đại Từ, khảo sát thực tế nhu cầu vận tải để xem xét báo cáo UBND tỉnh cho đầu tư trong thời gian thích hợp.

Trên đây là kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh kính gửi các Đại biểu HĐND tỉnh để phục vụ Kế hoạch Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII. Trong các vấn đề nêu trên, còn có nội dung nào chưa rõ, đề nghị Đại biểu HĐND tỉnh phản ánh, để UBND tỉnh tiếp tục giao cho các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan và địa phương có liên quan trả lời làm rõ./.

  Nơi nhận:

- Tài liệu phục vụ Đại biểu HĐND tỉnh 

  Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7.

- Lưu: VT, TH.Hiên, Trường.

          hienvx/BC.05/85b

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Nhữ Văn Tâm