Để phục vụ tốt việc tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), ngày 19-9-2014, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi công văn Số 6997- CV/BTGTW về việc gửi tài liệu tuyên truyền tới Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ; các đảng uỷ trực thuộc Trung ương; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Uỷ ban toàn quốc các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan báo, đài Trung ương. Dưới đây là nội dung tài liệu này.
I. NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ 10/10/1954 - MỐC SON LỊCH SỬ
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI SAU 60 NĂM GIẢI PHÓNG
1. Thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975)
Trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Ở vùng ngoại thành, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân được cải thiện.
Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước.
Ngày 29-6-1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã khắc phục nhiều khó khăn về nguyên liệu, phụ tùng, năng lượng, khai thác thêm nguyên vật liệu, sử dụng phế liệu, phế phẩm tạo ra nhiều vật tư thay thế và tiết kiệm vật tư để thực hiện kế hoạch. Hầu hết các xí nghiệp trung ương và địa phương bị địch đánh phá đã được xây dựng lại. Đến năm 1982, thành phố đã xây dựng mới, sửa chữa và mở rộng 95 xí nghiệp. Một số công trình giao thông được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương... Sản xuất nông nghiệp đã đạt năng suất 5,8 tấn thóc/ha với sản lượng 42 vạn tấn. Vùng rau chuyên canh và một số vùng cây công nghiệp bước đầu hình thành; chăn nuôi được chú trọng phát triển bảo đảm cung cấp 40% nhu cầu trứng và 30% nhu cầu thịt cho thành phố. Thương nghiệp đã cố gắng tổ chức khai thác, nắm nguồn hàng, đẩy mạnh gia công sản xuất, thu mua, trao đổi, phục vụ cho đời sống và góp phần thúc đẩy sản xuất. Riêng ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng, trong các năm 1977-1984, Hà Nội đã đưa 12.861 hộ với 21.587 nhân khẩu vào khai hoang 4.611 ha đất.
2. Hà Nội trong thời kỳ đổi mới đất nước (1986 đến nay)
a) Giai đoạn từ năm 1986 - 2007
Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật sau đây:
- Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững. So với năm 1985, kinh tế của Thủ đô năm 2003 tăng 5,1 lần, bình quân tăng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa; tỷ trọng công nghiệp tăng từ 27,9% năm 1985 lên 40,4% năm 2003; tỷ trọng dịch vụ giảm từ 66,5% xuống 57,2%; nông nghiệp giảm từ 5,6% xuống 2,4%; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh có chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2001-2003, bình quân tổng đầu tư xã hội đạt 21.735 tỷ đồng/năm, tăng 3,3 lần so với bình quân giai đoạn 1991-1995 (6.515 tỷ đồng/năm). Tỷ trọng huy động vốn đầu tư xã hội của Thủ đô luôn đạt mức cao và có xu hướng tăng lên: năm 2000 là 49%, năm 2001 là 50,9%, năm 2003 là 52,8% (tỷ trọng của cả nước tương ứng là 28%, 33,8% và 35,9%).
Đầu tư trong nước giữ tỷ trọng chủ yếu, năm 2003 chiếm 86%, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng chiếm 14%. So với năm 1985, thu nhập bình quân đầu người năm 2003 đã tăng 3,1 lần. Thời điểm đó, Thủ đô Hà Nội chỉ chiếm 3,6% về dân số và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, nhưng đóng góp gần 8% GDP, trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp, 11% giá trị dịch vụ, 10% tổng đầu tư xã hội, trên 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 14,5% tổng thu ngân sách quốc gia.
- Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang. Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng và xây dựng nhiều tuyến đường mới, xây dựng một số khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, mạng lưới thông tin liên lạc được mở rộng và trang bị hiện đại.
- Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ rệt. Khoa học công nghệ tăng cường quản lý chất lượng, mở rộng việc tuyển chọn các đề tài khoa học, thu hút các tổ chức, cá nhân nhà khoa học tham gia. Y tế và công tác xã hội bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Văn hóa và thể dục thể thao luôn được thành phố quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển, đã tổ chức thành công SEA GAMES 22 và PARA GAMES 2 (năm 2003), tạo không khí phấn khởi, để lại cho Hà Nội một loạt công trình văn hóa, thể thao lớn và có đẳng cấp quốc tế để phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao của Thủ đô.
- An ninh – quốc phòng được giữ vững, đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hoà bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình. Thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân vững chắc, đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển trong hoà bình, ổn định và an toàn, xứng danh là “Thành phố vì hoà bình”.
- Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đảng bộ thành phố đã thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ. Bộ máy chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng được kiện toàn, củng cố theo hướng nâng cao hiệu quả và phát huy hiệu lực; từng bước cải tiến chế độ hội họp, theo hướng thiết thực, chất lượng, tránh hình thức, ít thông tin, kém tác dụng.
- Công tác đối ngoại được mở rộng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội; thiết lập mối quan hệ hữu nghị với trên 60 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật,... giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô và thành phố trên thế giới cũng diễn ra thường xuyên với nội dung phong phú, đa dạng. Hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được chính quyền và nhân dân các địa phương đồng tình, trân trọng, góp phần thực hiện chủ trương: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
b) Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay)
- Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.
Giai đoạn 2008-2014 bình quân đạt 9,23%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,26%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,4%, bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 70 triệu đồng/người, gấp 4,49 lần năm 2005 (15,6 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm. Nếu cơ cấu năm 2008 là: dịch vụ 52,3%; công nghiệp - xây dựng 41,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 6,5%, thì năm 2014 cơ cấu các ngành tương ứng là: 53,5%; 41,7% và 4,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,24%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%.
Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Ngành ngân hàng duy trì tốt việc huy động vốn đảm bảo cho nền kinh tế phát triển, tăng trung bình hàng năm 18,3%, dư nợ cho vay cũng tăng tương ứng tăng 2,5 lần, trung bình hàng năm tăng 26,2%. Ngành thông tin truyền thông có bước phát triển nhanh, số cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ năm 2013 gấp 1,7 lần so năm 2009, doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông tăng gấp 9 lần.
Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng đầu tư, phát triển. Đến nay trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 121 siêu thị và 414 chợ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, trung bình hàng năm tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 13,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 1,1%/năm. Hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển, đã hoàn thành đưa vào xây dựng khoảng 2.500 phòng khách sạn, với công suất sử dụng phòng duy trì ở mức khá cao (trên 60%). Số lượt khách du lịch Hà Nội hàng năm tăng 6,3%, trong đó, khách quốc tế chiếm 1,5% tổng lượng khách, khẳng định Hà Nội vẫn là nơi thu hút khách du lịch quốc tế lớn của các thành phố trong khu vực.
Lĩnh vực công nghiệp được tiếp tục phát triển: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân tăng trưởng đạt 12,97%. Đã đầu tư xây dựng 107 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.192 ha, tăng 5 cụm và tăng 2,8% về diện tích so với năm 2008...
Ngành xây dựng tăng trưởng liên tục, giá trị tăng thêm đạt trung bình 10,57%/năm. Tổng diện tích nhà ở xây mới đạt 12,6 triệu m2. Nhiều khu đô thị mới hiện đại được đầu tư xây dựng.
Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất tăng cao, năm 2012 đạt 199 triệu/ha canh tác, gấp 1,63 lần năm 2008; năng suất bình quân đạt 58,80 tạ/ha; sản lượng bình quân 1,2 triệu tấn/năm. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng dần, đạt 51,54% năm 2012; trồng trọt, lâm nghiệp 43,93%; dịch vụ nông nghiệp 3,53% so với năm 2008 tương ứng là 46,5%; 51,61% và 1,9%. 100% số thôn, xã có điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Các đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa (trước hợp nhất tỷ lệ đạt 83,8%), đường liên thôn 95% được bê tông hóa (so với trước hợp nhất là 84%)…. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải đạt 98% (so với trước hợp nhất là 72%). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 21,36 triệu đồng năm 2012 (tăng 2,6 lần). Trên 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối Internet; 70% số hộ có điện thoại.
Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2008-2014 liên tục đạt và vượt dự toán, tăng trung bình 10,05%/năm. Huy động vốn đầu tư trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh, bình quân hàng năm giai đoạn 2008-2014 đạt mức tăng 16,6%. Năm 2013 tổng vốn đầu tư xã hội đạt 232.659 tỷ gấp 1,87 lần so năm 2008. Năm 2014 tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 312.705 tỷ đồng, gấp 2,51 lần so với năm 2008.
Vai trò vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Năm 2013, với dân số chiếm 7,84% dân số cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.
- Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ. Trong giai đoạn 2008-2012, đã hoàn thành 230.195 km đường, 2,1 km cầu. Quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh và đẩy nhanh tiến độ một số dự án điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn. Tổ chức cải tạo hạ tầng, lắp đặt hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại một số nút giao thông quan trọng. Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội được triển khai tích cực. Chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới.
- Phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội.
Các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hoá Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Các mô hình gia đình văn hoá, làng thôn bản văn hoá, tổ dân phố và đơn vị văn hoá dần dần đã được ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực. Tăng cường giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.
Hoạt động thể thao tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Đã tổ chức thành công Indoor Games với quy mô lớn và đạt được nhiều giải thưởng cao. Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Đã hoàn thành xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 nguy hiểm, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, cải tạo hệ thống điện cho các trường học. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông và trong đào tạo. 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt 42,1%. 100% các trường được kết nối mạng Internet.
Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6/2013, đã có 133 xã/phường được công nhận chuẩn quốc gia về y tế, nâng số xã/phường đạt chuẩn nâng lên 570, đạt tỷ lệ 98,78% (năm 2008 đạt 76%). Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ tăng từ 86,1% năm 2008 lên 90,1% năm 2012.
Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động mỗi năm. Mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực, hàng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5-2%, đến năm 2013, thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ. Đã triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề và các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, dịp tổ chức các sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Đã xử lý, giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp về tôn giáo, các vụ biểu tình, kích động. Kịp thời nhận diện, phát hiện, đấu tranh xử lý các loại tội phạm mới, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao,…
- Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế . Thành phố đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, xã hội với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế. Duy trì quan hệ đối ngoại quân sự với Lào, Cam-pu-chia; tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hỗ trợ phát triển với các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục được duy trì tốt. Sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban ngành khi xây dựng, trình phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, đặc biệt là Luật Thủ đô có hiệu lực từ 01/7/2013. Vị thế và vai trò của Thủ đô với các địa phương cả nước và với các nước khu vực và trên thế giới được nâng lên.
- Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham những, lãng phí được đẩy mạnh.
Ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành phố đã tập trung rà soát, đối chiếu các văn bản qui phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đã ban hành của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình. Để tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị làm việc vào ngày thứ 7 và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; triển khai Đề án "Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của thành phố giai đoạn 2012 - 2015", và 500 công chức nguồn (của Thành ủy), coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Thủ đô.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào nề nếp, tạo được chuyển biến tốt từ cơ sở đến Thành phố. Công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công khai, minh bạch trên các lĩnh vực như đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý tài sản công; công tác tổ chức, tuyển dụng cán bộ…Tiến hành thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị.
3. Những danh hiệu thi đua của Thủ đô Hà Nội đạt được
- Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.
- Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
- 5 năm liền (2008 - 2012), Thành phố được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
- Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ 3).
- Nhiều tập thể, cá nhân của Thành phố cũng được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Nhà nước:
+ 18 Anh hùng Lao động, 09 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
+ 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 67 Huân chương Độc lập, 709 Huân chương Lao động.
+ 1.772 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 133 Cờ thi đua Chính phủ.
+ 05 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
+ 144 Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động về thành tích cống hiến cho các cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Thành phố.
+ 1.672 Huân chương, Huy chương về thành tích kháng chiến.
4. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020
Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được những mục tiêu trên Thành phố Hà Nội trong thời gian tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, phát triển Thủ đô đến năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu: (về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị). 2 khâu đột phá:
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM
Theo Đề án số 161/ĐA-UBND, ngày 8/9/2014 của UBND Thành phố Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô dự kiến như sau:
1. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Thời gian tổ chức: 8h30, ngày 10 tháng 10 năm 2014. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Số 1, Đại Lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
2. Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, gặp mặt đại biểu gia đình chính sách
a) Lãnh đạo Thành phố Hà Nội thăm và tặng quà gia đình chính sách có công trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp giải phóng Thủ đô (Thời gian: Từ 1/10 đến 10/10/2014).
b) Tổ chức gặp mặt đại biểu chiến sĩ và thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp; đại biểu gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Thời gian: Từ 8h 30’ đến 10 giờ ngày 8/10/2014. Địa điểm: Bảo tàng Hà Nội.
c) Tổ chức đoàn lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Mai Dịch - Hà Nội; dâng hoa Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh tại phố Hàng Đậu; Tượng đài phù điêu Hà Nội - Mùa đông năm 1946 tại chợ Đồng Xuân.
Thời gian: Từ 05/10 đến 10/10/2014. Địa điểm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn; Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch - Hà Nội; Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh tại phố Hàng Đậu, Tượng đài phù điêu Hà Nội - Mùa đông năm 1946 tại chợ Đồng Xuân.
3. Các hoạt động triển lãm, hội thảo về 60 năm Giải phóng Thủ đô
a) Tổ chức trưng bày triển lãm về thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển.
Thời gian: Từ 6-10/10/2014. Địa điểm: Bảo tàng Hà Nội.
b) Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Thành phố.
Thời gian: Ngày 3/10/2014. Địa điểm: Bảo tàng Hà Nội.
4. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật
a) Tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất.
Thời gian: Từ ngày 20/9 đến 5/10/2014. Địa điểm: Rạp Công nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Hồng Hà, Nhà hát Quân Đội, Nhà hát Tuổi trẻ.
b) Các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích:
Tu bổ, tôn tạo, gắn biển, phát huy các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, nhất là các di tích gắn với sự kiện Giải phóng Thủ đô phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
Thời gian: Dự kiến đến ngày 25/9/2014 hoàn thành. Địa điểm: Trên địa bàn thành phố Hà Nội.
c) Tổ chức Hội sách kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Thủ đô Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”.
Thời gian: Từ ngày 5 đến ngày 12/10/2014. Địa điểm: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long.
d) Tổ chức Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống năm 2014.
Thời gian: Từ từ ngày 9 đến ngày 12/10/2014. Địa điểm: Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa.
đ) Xây dựng bộ phim tài liệu “Hà Nội 60 năm một chặng đường”.
Danh nghĩa tổ chức: UBND thành phố Hà Nội. Thời gian: Tháng 4-10/2014.
e) Tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt quy tụ những ca sỹ nổi tiếng, những tác phẩm hay về Hà Nội.
Chủ đề: “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng”.
Thời gian: Tối 10/10/2014.
Địa điểm: 1. Tại Trường quay Đài truyền hình Việt Nam; 2. Tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ; 3. Tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám; 4. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
g) Bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Thời gian: Tối ngày 10/10/2014.
Địa điểm: Tầm cao tại 5 địa điểm: hồ Hoàn Kiếm; Công viên Thống Nhất; hồ Tây; hồ Văn Quán; Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình; tầm thấp tại 25 địa điểm: Đống Đa; Thanh Xuân; Bắc Từ Liêm; Ba Đình; Cầu Giấy; Thanh Trì; Hoàng Mai; Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Mê Linh; Sơn Tây; Ba Vì; Phúc Thọ; Đan Phượng; Hoài Đức; Thạch Thất; Quốc Oai; Chương Mỹ; Thanh Oai; Thường Tín; Phú Xuyên; Ứng Hòa; Mỹ Đức.
h) Tổ chức "Ngày hội văn hoá hoà bình" với các hoạt động văn hoá, thể thao gắn với tuyên truyền kỷ niệm 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hoà bình".
Thời gian: 12/10/2014. Địa điểm: Công viên Thống Nhất.
k) Phối hợp với các đoàn nghệ thuật của thành phố, Trung ương, địa phương tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân.
Thời gian: Tháng 10/2014. Địa điểm: 30 quận, huyện, thị xã.