Tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015

15:25, 30/01/2015

Ngày 29/1, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 4/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015. Dưới đây là toàn văn Chị thị này:

*******************************************************************************

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THÁI NGUYÊN

Số: 4/CT-UBND

            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

             Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

              Thái Nguyên, ngày 29 tháng 01 năm 2015

     

CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015  

 

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo và đã có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần nâng cao đời sống văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội nói riêng. Đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán tiến bộ, lành mạnh, có tác động mạnh mẽ đến giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, nội dung lễ hội phong phú, đa dạng, thiết thực. Công tác phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra lễ hội được tăng cường.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần phải khắc phục, như: công tác quản lý tiền công đức chưa hiệu quả; đặt tiền lễ nơi thờ tự chưa theo quy định; hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ xe có nơi còn chưa gọn gàng; hiện tượng trò chơi mang tính cờ bạc trá hình vẫn còn; công tác vệ sinh môi trường trong lễ hội có nơi còn chưa tốt…   

 

Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục triệt để những hạn chế trong thời gian qua, đồng thời làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau đây:  

 

1. Các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh

 

- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và tham gia các hoạt động lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

 

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 21/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh nâng cao công tác tổ chức lễ hội”; Chỉ thị số 265/CT-BVHTTDL ngày 18/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc “Tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội”; Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài Nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ môi trường và phát huy giá trị di tích; văn bản số 4702/BVHTTDL-TTr ngày 24/12/2014 của Bộ VHTTDL về việc chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015; Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội và Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 13/5/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 20/01/2014; Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 11/11/2014 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; …

 

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chủ trì, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các quy định trong tổ chức các hoạt động lễ hội theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và các hoạt động, dịch vụ văn hóa trong lễ hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, quy chế trong tổ chức các hoạt động lễ hội.

 

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

 

 - Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ và nhân dân hiểu rõ các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; nội dung, ý nghĩa các hoạt động của lễ hội trong đời sống xã hội; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong việc quản lý và tổ chức tốt lễ hội...

 

- Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Thông tin: xây dựng chương trình, tăng thời lượng đưa tin, phát sóng, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về các quy định quản lý và tổ chức lễ hội; mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của lễ hội trong đời sống xã hội; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong việc quản lý và tổ chức tốt lễ hội. Tập trung tuyên truyền những nét đẹp văn hoá truyền thống trong hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

 

4. Công an tỉnh: chỉ đạo lực lượng trong ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh, các địa phương, các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, như: trộm cắp, cờ bạc, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình ... tại các lễ hội.

 

5. Sở Tài chính: hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử - văn hóa; tham mưu, hướng dẫn quy định mức thu một số dịch vụ (trông giữ ô tô, xe máy...) đảm bảo theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

 

6. Sở Y tế: chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; có phương án đảm bảo lực lượng y, bác sỹ, trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ kịp thời việc sơ cấp cứu cho du khách thập phương về trẩy hội.

 

7. Sở Nội vụ: chủ trì phối hợp với các địa phương hướng dẫn các chức sắc tôn giáo tại những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức các hoạt động lễ hội theo quy định.

 

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: chủ trì và phối hợp các các địa phương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tệ nạn xã hội, giải quyết các trường hợp hành khất gây phản cảm tại các lễ hội.

 

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

 

- Chủ động phối hợp với các ngành của tỉnh trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức và hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn tổ chức lễ hội theo đúng quy định, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, an toàn và tiết kiệm. Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đối với các lễ hội có quy mô vùng, các lễ hội có liên quan đến 2 xã trở lên. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đối với các lễ hội do cấp xã quản lý, chỉ đạo việc thành lập Ban tổ chức, phân công nhiệm vụ và xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tổ chức lễ hội an toàn văn minh lành mạnh. Cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các lễ hội trên địa bàn.

 

 - Chỉ đạo các Ban Tổ chức lễ hội hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện cho nhân dân, tránh gây ùn tắc, mất an ninh trật tự; tăng cường công tác vệ sinh môi trường (thu gom rác thải kịp thời, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hợp chuẩn); phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội; có phương án chống thảm họa (chen lấn đông người, trèo lên núi đá cao gây sạt lở, rơi đá …) xảy ra trong hoạt động lễ hội.

 

- Nghiêm cấm các hoạt động thương mại hóa lễ hội, lợi dụng không gian lễ hội để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Không để tình trạng bày bán các loại thực phẩm tươi sống gây phản cảm, mất mỹ quan; không vi phạm quy chế và các quy định trong tổ chức, hoạt động lễ hội; kiên quyết loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, nạn đốt đồ mã tràn lan, ăn xin, trộm cắp, tranh giành, đeo bám khách, tăng giá cả hàng hóa dịch vụ, đổi tiền lẻ, đốt pháo nổ, thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ;… diễn ra trong lễ hội.

 

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và kịp thời để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong lễ hội. 

 

* Đối với các lễ hội lớn cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức: yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì phải xây dựng kế hoạch chi tiết, kịch bản, nội dung, quy mô, cách thức tổ chức lễ hội gửi sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể để các lễ hội được diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, tiết kiệm, mang lại hiệu quả xã hội cao.

 

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan, chính quyền các cấp tham gia tuyên truyền vận động, giám sát và hướng dẫn nhân dân thực hiện việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

 

UBND tỉnh yêu cầu sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo dõi sát các diễn biến trong lễ hội, chủ động xử lý, khắc phục nhanh và hiệu quả những phát sinh tại chỗ và báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh (gửi qua sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

                     

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 

      Ma Thị Nguyệt