Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đã quy định cụ thể về chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
Theo đó, đối với lao động nữ mang thai hộ theo khoản 1 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ mang thai hộ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể: đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể thời gian nghỉ việc tối đa được đề xuất như sau: 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Theo dự thảo, Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng các chế độ sau: Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội. Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày nghỉ việc trước khi sinh cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo nêu rõ, trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng của lao động nữ mang thai hộ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.
Chế độ với người mẹ nhờ mang thai hộ
Theo dự thảo, người mẹ nhờ mang thai hộ có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng các chế độ sau: Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
|
Dự thảo nêu rõ, trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định trên. Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định trên.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng của người mẹ nhờ mang thai hộ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.